Quang cảnh Hội thảo |
Tháng 8 năm 2017, Bộ Tài chính đã công bố đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có đường, trừ các sản phẩm sữa, ở mức thuế suất 10% nhằm hạn chế tiêu thụ các sản phẩm này và góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, giảm tỷ lệ người thừa cân, béo phì và tiểu đường tại Việt Nam, và tăng thêm nguồn thu cho ngân sách.
Được sự hỗ trợ của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã tiến hành một nghiên cứu độc lập nhằm đánh giá những tác động kinh tế của đề xuất trên đối với ngành nước giải khát nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có đường ở mức thuế suất 10% sẽ giúp tăng ngân sách nhà nước khoảng 1.975 tỷ đồng. Tuy nhiên, chính sách thuế mới này cũng có thể khiến cho doanh thu và sản lượng của riêng ngành nước giải khát và ngành mía đường giảm khoảng 3.928 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp phụ trợ như bao bì, vận chuyển, bán lẻ, … cũng bị ảnh hưởng và vì vậy cũng làm phát sinh những tác động không mong muốn đối với cả nền kinh tế.
Cụ thể, theo ước tính của nhóm nghiên cứu, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt ở mức thuế 10% và mức thuế VAT được giữ nguyên, GDP sẽ giảm khoảng 0,115%, thu nhập từ sản xuất của cả nền kinh tế sẽ giảm 0,14%, thặng dư sản xuất giảm 0,077%, và lao động giảm 0,06-0,08%. Dự luật thuế có thể gây tác động đến hàng chục ngàn lao động trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến 9.000 DNNVV và 1 triệu hộ kinh doanh sản phẩm. Đó là chưa kể đến việc đánh thuế nước giải khát có đường dự kiến sẽ tác động tiêu cực tới sinh kế của 337.000 hộ gia đình trồng mía.
Như vậy, thuần về mặt kinh tế, chi phí và tác động bất lợi của chính sách dường như lớn hơn lợi ích từ khoản thu thuế mang lại, chưa kể đến tác động của chính sách thuế cũng sẽ làm nới rộng khoảng cách giàu nghèo trong cư dân. Trong bối cảnh, Chính phủ đặt ưu tiên cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí đầu tư kinh doanh, thì việc thay đổi chính sách thuế rõ ràng có ảnh hưởng theo hướng làm gia tăng mức độ rủi ro và giảm tỷ suất lợi nhuận của thị trường, làm nền kinh tế kém cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực.
Ngoài ra, theo số liệu của nhiều nghiên cứu quốc tế, tỷ lệ thừa cân béo phì ở Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất so với thế giới và khu vực. Nói cách khác, vấn đề thừa cân béo phì là hiện hữu ở Việt Nam song mức độ và quy mô không nghiêm trọng và ở diện rộng như các nước khác. Thêm vào đó, thừa cân, béo phì lại bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như thói quen dinh dưỡng, yếu tố văn hóa, lối sống sinh hoạt, mức độ vận động. Điều đó có nghĩa là nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính của việc gây ra thừa cân, béo phì.
Trên cơ sở đó, Báo cáo của CIEM khuyến nghị cơ quan soạn thảo cần có cách tiếp cận toàn diện và tổng hợp về vấn đề thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường, dựa trên cơ sở đánh giá tác động kỹ lưỡng, cụ thể đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Thay vì công cụ thuế, Nhà nước nên đưa ra các giải pháp chính sách có tính thân thiện với thị trường hơn và đã được chứng minh hiệu quả ở các nước khác như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho học sinh về nếp sống và những lựa chọn lành mạnh cho sức khỏe; thuyết phục các công ty sản xuất tự cam kết và xây dựng kế hoạch giảm mức đường trong sản phẩm; công bố chuẩn dinh dưỡng; dán nhãn sản phẩm để thông tin tốt hơn cho người tiêu dùng.
“Chúng tôi hy vọng rằng, báo cáo này sẽ cung cấp cho chính phủ và các cơ quan hữu quan những thông tin và và số liệu hữu ích để tham khảo trong quá trình hoạch định các chính sách quan trọng có ảnh hưởng đến sự phát triển của một ngành công nghiệp và cả nền kinh tế”, đại diện Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ tại hội thảo.