Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại Hội thảo |
Chủ đề của hội thảo là “Du lịch Khánh Hòa trong chiến lược phát triển điểm đến Quốc gia”.
Theo đó, Ban tổ chức kỳ vòng hội nghị có những ý tưởng đột phá xây dựng Khánh Hoà thành điểm đến du lịch chất lượng cao thông qua xây dựng một hệ sinh thái điểm đến du lịch mới kết nối với các vùng du lịch khác của đất nước.
Việt Nam là một trong số các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới năm 2017 khi đón được 12,9 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ hơn 73 triệu lượt khách nội địa, tương ứng với mức tăng 29% và 18,06% so với năm 2016.
Khánh Hoà được National Geographic tuyên bố là một trong 50 điểm đến quan trọng nhất trên thế giới.
Năm 2017, Tổng lượt khách có lưu trú trên địa bàn đạt 5,5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt trên 2 triệu lượt. 6 tháng đầu năm 2018, du lịch Khánh Hòa đạt doanh thu hơn 10.000 tỉ đồng, tăng trưởng 34%, đón 3,2 triệu lượt khách lưu trú. Đặc biệt, lượng khách quốc tế đạt 1,5 triệu lượt, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, hiện có một số vấn đề cản trở sự phát triển bền vững và tăng trưởng du lịch, trong đó sự yếu kém về sản phẩm thu hút du lịch đang làm mất cân đối nghiêm trọng thị trường khách du lịch. Bên cạnh đó, việc phát triển không gian du lịch chưa được đầu tư thích đáng, với một quy hoạch phát triển hoàn chỉnh, có tầm nhìn chiến lược lâu dài. Công tác xúc tiến, quảng bá điểm đến nghèo nàn, chưa xứng đáng với tiềm năng tăng trưởng du lịch của tỉnh.
Trong phần thảo luận, một trong những nôi dung đáng chú ý là tầm nhìn chiến lược phát triển các vùng du lịch theo mô hình "Một kỳ nghỉ, hai vùng di sản" do ông Nguyễn Trường Sơn Thành viên Hội đồng Quản trị, Giám đốc phát triển kinh doanh của Crystal Bay trình bày.
Cụ thể, mô hình được chia sẻ là giải pháp kết nối nhiều vùng di sản của đất nước, ví dụ kết nối vịnh Hạ Long với khu thánh địa Mỹ Sơn và cả vùng văn hóa Chăm của Nha Trang, Ninh Thuận.
Du lịch Việt Nam muốn bứt phá thì phải xây dựng được hệ sinh thái một điểm đến.
Trên cơ sở đó, hai hoặc ba điểm đến liên kết với nhau sẽ là một sản phẩm du lịch hết sức đặc biệt, nơi du khách vừa có thể chiêm ngưỡng kỳ quan thiên nhiên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long trên du thuyền, vừa có thể đắm mình trong trầm mặc của tháp Chàm và những bãi biển cát trắng của Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Thuận.
Mỗi điểm đến có một hệ sinh thái khác biệt sẽ cung cấp cho du khách những trải nghiệm khác nhau, làm phong phú thêm cho hành trình của họ, cũng là tạo sự hấp dẫn đặc biệt, lôi cuốn du khách.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, nét khác biệt về di sản giữa hai vùng du lịch, khi kết hợp lại một cách bài bản chính là lợi thế đem đến trải nghiệm đa dạng, làm phong phú hơn hành trình của khách du lịch, đặc biệt là đối tượng khách quốc tế. Đó là một trong những giải pháp tạo điểm nhấn riêng biệt khiến khách du lịch quay trở lại nhiều lần, sẵn sàng chi trả cho những trải nghiệm riêng có của từng điểm đến trong hành hình.
“Về mặt vĩ mô, giải pháp này còn hỗ trợ cho việc khai thác tối đa nguồn lực du lịch của mỗi địa phương, tạo điểm nhấn khác biệt trong chiến lược cạnh tranh, qua đó thúc đẩy giá trị gia tăng cho ngành kinh tế mũi nhọn này”, ông Sơn nói.
Phần thảo luận mở giữa các chuyên gia về con đường xây dựng hệ sinh thái du lịch chất lượng cao vùng Nha Trang – Cam Ranh cũng là một điểm nhấn đáng chú ý. Một số chuyên gia cho rằng, ngày nay, marketing trong du lịch không chỉ đơn giản là quảng bá điểm đến, mà là tiến trình sử dụng nội dung kết hợp nền tảng công nghệ để tương tác với du khách tiềm năng.
Theo đó, quy trình marketing gồm nhận biết, tương tác, mua hàng, trung thành, vận động… có thể sẽ thu hút khách đến du lịch chỉ là bước đầu, bí quyết để điểm đến lưu lại trong tâm trí du khách là làm sao khiến họ tìm thấy sự kết nối với cảnh vật, con người địa phương, từ đó tạo sự kết nối giữa họ cùng người bạn đồng hành, gia đình và sâu xa hơn là với chính bản thân họ.
Ngoài ra, các chuyên gia quốc tế cũng chia sẻ những góc độ của người nước ngoài khi nhìn về du lịch Việt Nam, ông Nicolas Urvois, đại diện Tập đoàn Tư vấn Du lịch THR cho biết, để “chuyển hóa” từ hoạt động du lịch đơn thuần sang cấp độ khiến du khách nhớ và thực sự cảm nhận được những trải nghiệm, mỗi điểm đến cần tìm ra các hoạt động nổi bật tác động đến cảm xúc, trí nhớ của người du ngoạn.
Ông Nicolas đưa ví dụ về chu trình lựa chọn điểm đến của đất nước Colombia với ba bước: Đầu tiên, xác định hơn 1200 nguồn tài nguyên có tiềm năng khai thác du lịch trải nghiệm, từ đó lựa chọn 50 hoạt động tại 23 điểm đến để đánh giá, và cuối cùng chỉ chọn ra 25 trải nghiệm đặc biệt nhất khiến du khách không thể quên khi nhắc đến Colombia – tạo nên định vị thương hiệu riêng của đất nước "quốc gia du lịch" này.