Đầu tư
Ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư mới: “Chắp cánh” cho đại bàng
Nguyên Đức - 06/01/2025 08:46
Với việc ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư mới, trong đó có việc lần đầu tiên thực hiện hỗ trợ bằng tiền cho các nhà đầu tư, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để thu hút đầu tư. Đại bàng sẽ được “chắp cánh” để bay đến Việt Nam.
LG Display đã tăng vốn đầu tư thêm 1 tỷ USD vào nhà máy tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng) vào cuối năm 2024

Cơ chế đột phá

Sau nhiều chờ đợi, vào ngày cuối cùng của năm 2024, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 182/2024/NĐ-CP về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, kịp để áp dụng cho năm tài chính 2024, thường được quyết toán vào đầu năm 2025.

“Đây là điều chúng tôi đã chờ đợi từ lâu”, lãnh đạo một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quy mô lớn ở Việt Nam nói và cho biết, điều này sẽ giúp công ty dễ dàng hơn trong việc đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tương tự, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn thuế và pháp lý, Deloitte Việt Nam bày tỏ sự vui mừng khi sau hơn 1 năm nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến, Việt Nam đã có các chính sách hỗ trợ đầu tư phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Ông Bùi Ngọc Tuấn thậm chí đã gọi quyết định thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư là một “sáng kiến chiến lược”. Theo ông Tuấn, sáng kiến chiến lược này đã nhấn mạnh cam kết của Chính phủ trong việc thúc đẩy chủ trương thu hút đầu tư thực chất, tập trung vào các đại dự án, qua đó nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ tiên tiến của thế giới, đồng thời tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách những quốc gia ưu tiên phát triển của các “đại bàng”.

Deloitte Việt Nam là một trong những đơn vị được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham vấn chính sách trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định về Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Deloitte ngay từ đầu đã ủng hộ việc Việt Nam thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư theo chi phí, thay vì theo thu nhập như hiện hành, đồng thời đề xuất việc cần thiết có các chính sách hỗ trợ bằng tiền như nhiều nền kinh tế đang thực hiện. Thậm chí, các chuyên gia của Deloitte còn cho rằng, việc hỗ trợ bằng tiền chính là “cánh cửa” để Việt Nam thu hút các “đại bàng”.

Và hiện tại, đúng là rất nhiều cơ chế hỗ trợ đầu tư mang tính đột phá đã được ban hành. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 182/2024/NĐ-CP, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; chi phí R&D; chi phí đầu tư tạo tài sản cố định; chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; chi phí đầu tư công trình hạ tầng xã hội và các trường hợp khác do Chính phủ quyết định. Đi kèm với đó, Chính phủ cũng quy định các tiêu chí cụ thể, cũng như các mức hỗ trợ khác nhau, tùy thuộc vào khả năng đáp ứng các tiêu chí đã được đặt ra.

Trong đó, một trong những điểm đáng chú ý là, cao nhất doanh nghiệp có thể được hỗ trợ tới 50% chi phí đầu tư ban đầu của dự án, nếu có dự án đầu tư trung tâm R&D trong các lĩnh vực chip bán dẫn, AI… Các doanh nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ tối đa 3% giá trị sản xuất gia tăng của sản phẩm công nghệ cao trong năm tài chính, nếu đáp ứng được một số tiêu chí, như đạt doanh thu tối thiểu 200.000 tỷ đồng, nhân lực đạt tối thiểu 10.000 người, tỷ lệ giá trị gia tăng của sản phẩm công nghệ cao đạt tối thiểu 30%...

“Chắp cánh” cho đại bàng

Khi Nghị định 182/2024/NĐ-CP vừa được ban hành, Bắc Ninh - một trong những “thỏi nam châm” thu hút đầu tư nước ngoài ở khu vực phía Bắc - đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho một loạt dự án. Trong đó, đáng chú ý có dự án tỷ USD của Samsung Display.

Thực tế, dự án này đã được cam kết đầu tư từ năm trước và chỉ chính thức được trao chứng nhận đăng ký đầu tư vào đầu năm nay. Tuy vậy, Dự án cũng đã góp phần quan trọng khẳng định sức hấp dẫn của điểm đến đầu tư Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Thời gian gần đây, không chỉ Samsung, mà còn nhiều nhà đầu tư lớn khác cũng tìm đến. Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, chỉ riêng năm 2024, đã có một số dự án đáng chú ý của “đại bàng”, như dự án tăng vốn 1,07 tỷ USD của nhà sản xuất bán dẫn Amkor, dự án tăng vốn 1 tỷ USD của LG Display… Chưa kể, còn có các dự án hàng trăm triệu USD của Foxconn, Goertek, Luxshare…

Đây là lần đầu tiên, Việt Nam triển khai một cơ chế khuyến khích mang tính đột phá mới, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao đẳng cấp thế giới đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam.

- Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn thuế và pháp lý, Deloitte Việt Nam

Xu hướng này là tích cực, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, dù thu hút đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng qua các năm gần đây, nhưng số lượng dự án quy mô vốn đầu tư lớn với hàm lượng công nghệ cao còn khiêm tốn. Hiện nay, Việt Nam có 110 dự án đầu tư nước ngoài có quy mô vốn đầu tư trên 500 triệu USD còn hiệu lực; trong đó chỉ có 27 dự án trong lĩnh vực công nghệ cao. Riêng trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, chỉ có 59 dự án quy mô lớn trên 500 triệu USD, trung bình chưa đến 5 dự án/năm.

Trong bối cảnh ấy, việc thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ năm 2024 cũng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của Việt Nam. Đã có doanh nghiệp cân nhắc các kế hoạch đầu tư mới, mở rộng tại Việt Nam. Một số tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư, nhưng chưa lựa chọn Việt Nam hoặc chờ đợi để theo dõi phản ứng chính sách của Chính phủ.

Và bây giờ, phản ứng chính sách của Việt Nam đã rõ ràng hơn, khi Quỹ Hỗ trợ đầu tư được thành lập, các chính sách hỗ trợ cạnh tranh, đột phá được ban hành. Điều này sẽ góp phần quan trọng để tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam, qua đó thu hút được nhiều hơn các dự án quy mô lớn, nhất là trong các lĩnh vực bán dẫn, AI.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, suốt thời gian qua, luôn khẳng định vai trò quan trọng của việc thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Ông thường nhấn mạnh với các nhà đầu tư nước ngoài về việc chính sách hỗ trợ đầu tư sắp được ban hành để họ “không cần phải đi đâu cho mỏi chân”.

Không chỉ là không cần phải đi đâu, mà chắc chắn sẽ có nhiều “đại bàng” được “chắp cánh” để bay đến Việt Nam. Câu chuyện của NVIDIA cho đến giờ vẫn là một thành tựu lớn của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2024.

“Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử đối với Việt Nam, đưa nước ta trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu châu Á”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho rằng, sự xuất hiện của NVIDIA sẽ tạo cú hích để thu hút thêm các doanh nghiệp công nghệ cao tới Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, các chính sách hỗ trợ đầu tư mới sẽ là một sự đảm bảo chắc chắn hơn cho tiềm năng và cơ hội của nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam. Đại bàng vì thế sẽ tìm đến nhiều hơn nữa!

Tin liên quan
Tin khác