Doanh nghiệp
Bán lẻ dược phẩm muốn thoát “khói mờ ảo”
Anh Hoa - 15/06/2022 08:19
Trước đây, các quy định về kinh doanh chuỗi nhà thuốc còn “mờ ảo và phân biệt đối xử”, nên các nhà bán lẻ không dốc sức đầu tư.

Nhưng đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh sự tăng trưởng toàn ngành dược, các chuỗi nhà thuốc cũng bắt đầu một cuộc chạy đua mới.

Thiên về tốc độ bành trướng nhanh chóng, Pharmacity đang đứng đầu thị trường về số lượng cửa hàng, song cũng phải tìm kế thoát lỗ


Người tái xuất mạnh mẽ, người tìm cửa thoát lỗ

Chuỗi nhà thuốc An Khang thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (Thế giới Di động mã: MWG) thuộc hàng “em út” ở phương diện thị phần và số cửa hàng trên thị trường chuỗi bán lẻ dược phẩm ở Việt Nam. Nhưng năm nay, tuyên bố của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế giới Di động tại Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng 4 cho thấy, chuỗi này sẽ tái xuất mạnh mẽ, với tham vọng vươn lên top 3 về quy mô cũng như hiệu quả.

Kết thúc năm 2021, An Khang có 178 cửa hàng, doanh thu bình quân của mỗi cửa hàng đạt 340 triệu đồng/tháng. Sau khi tái cấu trúc chuỗi, làm mới các cửa hàng và thay đổi logo, quý I/2022, An Khang đã có những tín hiệu đột biến. Riêng tháng 3/2022, doanh thu bình quân của mỗi cửa hàng tăng gấp đôi, đạt 650 triệu đồng/tháng.

Thời điểm này, An Khang đang chú trọng gia tăng thị phần và số cửa hàng. Theo tính toán của ông Tài, đến cuối tháng 6/2022, chuỗi sẽ có khoảng 400 cửa hàng với diện mạo hoàn toàn mới. Ông Tài tự tin, không chỉ đứng trong top 3, An Khang còn thu hẹp khoảng cách với thương hiệu ở vị trí thứ nhất, thứ 2 và chỉ một vài năm tới, An Khang sẽ vươn lên vị trí thứ nhất trong ngành.

Tuyên bố của Chủ tịch Thế giới Di động có thể khiến các đối thủ phải nhìn lại mình. Thực tế là, thời điểm này, ngay cả tên tuổi đang đứng đầu thị trường về số lượng cửa hàng là Pharmacity cũng đang phải tìm cửa thoát lỗ.

Vài năm qua, Pharmacity đối mặt với tình trạng càng mở thêm cửa hàng, càng lỗ. Năm 2019, Pharmacity ghi nhận lỗ ròng 265 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2020, Pharmacity lỗ ròng sau thuế hơn 194 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2019. Kết thúc năm 2020, chuỗi này âm 421 tỷ đồng, lỗ lũy kế lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Năm 2021, Pharmacity vẫn tiếp tục lỗ kéo dài…

Trong kế hoạch đến năm 2025, Pharmacity sẽ đầu tư khoảng 200 triệu USD để mở rộng hệ thống nhà thuốc, với mục tiêu đạt 5.000 cửa hàng trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Pharmacity cũng phát triển một hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe toàn diện, kết hợp bán lẻ truyền thống với các dịch vụ y tế cơ bản, sản phẩm bảo hiểm cũng như các chương trình chăm sóc sức khỏe khác.

Ông Chris Blank, CEO Pharmacity tiết lộ, Công ty sẽ ra mắt một siêu ứng dụng nhằm cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau, bao gồm dược sĩ và bác sĩ trực tuyến, lưu trữ hồ sơ sức khỏe, đặt xe cấp cứu và ứng dụng truy xuất. Pharmacity cũng đang dẫn dầu về chuyển đổi số và sử dụng công nghệ để cải thiện trải nghiệm của khách hàng, phát triển hệ thống.

Theo lãnh đạo Pharmacity, với chuỗi 5.000 cửa hàng, 50% người dân Việt Nam có thể đến nhà thuốc Pharmacity chỉ trong vòng 10 phút lái xe. Pharmacity đang kinh doanh hơn 10.000 sản phẩm đa dạng, như sản phẩm chăm sóc cá nhân, vitamin, thực phẩm chức năng… Nếu hoàn thành tất cả các mục tiêu kể trên, Pharmacity dự kiến đạt doanh thu hơn 3 tỷ USD.

Trong khi đó, chuỗi nhà thuốc Long Châu cũng liên tục mở rộng kể từ khi được Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) tiếp quản năm 2017.

Năm 2022, FPT Retail kỳ vọng, chuỗi nhà thuốc Long Châu sẽ đạt lợi nhuận khoảng 50 - 100 tỷ đồng. Mức lợi nhuận sẽ tùy thuộc vào tốc độ mở mới của Long Châu và mức độ đầu tư cho dài hạn.

FPT Retail đang nỗ lực mở rộng độ phủ ra 63 tỉnh, thành phố nhằm nâng cao vị thế trên thị trường dược phẩm. Dự kiến, đến cuối năm nay, Công ty sẽ mở thêm ít nhất 300 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng lên khoảng 700 - 800. Ngoài ra, Long Châu tiếp tục phát triển các sản phẩm mang nhãn hàng riêng nhằm mang đến cho khách hàng nhiều sản phẩm chất lượng với giá cả cạnh tranh. Theo kế hoạch, trong năm 2022, Long Châu sẽ có khoảng 50 sản phẩm nhãn hàng riêng.

Khi mở rộng chuỗi Long Châu về các tỉnh, thành phố cấp 2, cấp 3, FPT Retail sẽ sắp xếp hàng hóa theo từng nhóm phù hợp với từng địa bàn để đạt được hiệu quả cao nhất. Chẳng hạn, ở tuyến huyện sẽ bán hàng Việt Nam, ở thành phố bán hàng cao cấp.

Cho đến thời điểm này, FPT Retail chưa có kế hoạch nhượng quyền. Lý do được FPT Retail đưa ra là, nếu nhượng quyền, sẽ khó kiểm soát chất lượng hàng hóa, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu.

Ba rủi ro lớn của các chuỗi dược phẩm

Thị trường dược phẩm Việt Nam được đánh giá là vô cùng tiềm năng, với giá trị khoảng 7 - 8 tỷ USD. Cả nước hiện có khoảng 60.000 nhà thuốc, hầu hết là nhà thuốc truyền thống, các nhà thuốc hiện đại chỉ chiếm khoảng 3 - 5%.

Sở hữu tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong dài hạn, nhưng thị trường vẫn bị chi phối bởi kênh bán sỉ, kênh bán lẻ chỉ chiếm một phần nhỏ. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức lớn cho doanh nghiệp muốn tham gia thị trường.

Trước khi tuyên bố sẽ đưa chuỗi nhà thuốc An Khang phát triển mạnh mẽ trở lại, ông Nguyễn Đức Tài từng thừa nhận, dược phẩm là lĩnh vực thú vị, nhưng có nhiều rào cản khiến Công ty chưa sẵn sàng đầu tư lớn, thậm chí có lúc muốn ngừng lại. Lý do là, các quy định về kinh doanh chuỗi nhà thuốc còn “mờ ảo và phân biệt đối xử”, nên Thế giới Di động chưa sẵn sàng đầu tư bài bản vào chuỗi An Khang.

Cụ thể, ngành bán lẻ dược phẩm hiện chia thành 3 kênh: bệnh viện, phòng khám và nhà thuốc. Các chuỗi nhà thuốc trước đây chủ yếu do các dược sĩ xây dựng, sau đó, họ tự mở rộng hoặc hợp tác với các dược sĩ khác để sử dụng chung thương hiệu. Theo quy định, để mở nhà thuốc, người chịu trách nhiệm chuyên môn của nhà thuốc cần có bằng cao đẳng hoặc trung cấp dược.

Đây cũng là thách thức mà các chuỗi bán lẻ như An Khang, Long Châu phải đối mặt khi tham gia lĩnh vực dược phẩm. Nếu để ý bảng hiệu của các nhà thuốc, người tiêu dùng sẽ thấy, mỗi cơ sở nhà thuốc lại có dược sĩ chịu trách nhiệm chuyên môn khác nhau, dù có thể đều thuộc một chuỗi thương hiệu. Tuy nhiên, không phải lúc nào, dược sĩ có tên trên bảng hiệu cũng có mặt, chịu trách nhiệm chuyên môn tại nhà thuốc. Điều này dẫn đến tình trạng dược sĩ “cho thuê” bằng để cá nhân/doanh nghiệp khác mở nhà thuốc.

Vậy nên, giấy đăng ký kinh doanh của các cửa hàng dược phẩm lớn đều do cá nhân đăng ký, dược sĩ đứng tên, chứ không phải công ty sở hữu chuỗi.

Các nhà bán lẻ đa ngành có thể tận dụng kinh nghiệm từ mô hình chuỗi của mình, nhưng giới phân tích cho rằng, khi tham gia thị trường dược phẩm, họ sẽ gặp phải 3 rủi ro lớn.

Thứ nhất, là sự chi phối của kênh bán sỉ, làm sao để quản lý được toàn bộ chuỗi cung ứng của nhà thuốc (từ khâu nhập hàng đến tay người tiêu dùng).

Thứ hai, là rủi ro về nhân sự. Đặc biệt, rủi ro về nhân sự ngày càng tăng khi ngành y - dược luôn trong tình trạng “khát” nhân lực.

Thứ ba, là rủi ro xuất phát từ thói quen của người tiêu dùng Việt Nam. Người tiêu dùng có thể bỏ hàng giờ để đi siêu thị, nhưng sẽ không bao giờ làm như vậy khi vào nhà thuốc, mà chỉ vào khi cần mua. Đó cũng là lý do khiến 2 nhà bán lẻ Medicare và Guardian chưa thành công khi áp dụng mô hình của các chuỗi dược phẩm nước ngoài, kết hợp của hàng tiện lợi với dược phẩm.

Bởi vậy, các nhà phân phối, bán lẻ tên tuổi với thế mạnh và kinh nghiệm của mình hoàn toàn có thể nhảy vào lĩnh vực dược phẩm, nhưng không dễ trở thành người điều khiển “cuộc chơi”. Bởi dược phẩm là lĩnh vực đặc thù, có ý tưởng, có kinh nghiệm mô hình chuỗi cũng không đồng nghĩa có thể thành công.

Để giải quyết “bài toán” này, hầu hết các nhà bán lẻ đều lựa chọn con đường mua bán và sáp nhập (M&A). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thâu tóm những chuỗi nhà thuốc nhỏ lẻ có thể là bàn đạp để gia nhập thị trường, nhưng nếu muốn trở thành người dẫn đầu và định hình lại thị trường, các tên tuổi này không những phải “đốt tiền” để mở rộng, mà còn phải giữ được uy tín.

Mỗi chuỗi nhà thuốc đều có hướng đi riêng. Chẳng hạn, Pharmacity thiên về tốc độ bành trướng nhanh chóng, chú trọng sự thuận lợi và đặt trọng tâm vào dòng thực phẩm chức năng, thì Long Châu lại thiên về cung cấp thuốc chữa bệnh, còn An Khang thì cân bằng giữa hai cách này.

Lãnh đạo FPT Retail cho biết, Long Châu đang dẫn đầu thị trường về mức độ hiệu quả trên mỗi cửa hàng. Chuỗi không đánh đổi hiệu suất để chạy đua mở rộng quy mô. Tùy từng khu vực, tiền thuê nhà, diện tích cửa hàng…, mà điểm hòa vốn doanh thu trên mỗi cửa hàng Long Châu dao động từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/tháng. Đặc biệt, có những cửa hàng đạt doanh thu đột biến với gần 10 tỷ đồng/tháng.

Trong khi đó, Thế giới Di động đặt mục tiêu có 800 cửa hàng An Khang vào cuối năm nay và 2.000 cửa hàng vào cuối năm sau. Với kế hoạch mở rộng nhanh, chuỗi An Khang có thể vẫn ghi nhận lỗ trong năm nay.

Theo Lãnh đạo FPT Retail, một cửa hàng dược phẩm muốn có doanh thu cao sẽ phải làm tốt cả 3 khía cạnh: sản phẩm - dịch vụ - địa điểm. “Khách hàng sẽ ủng hộ những cửa hàng mang lại cho họ trải nghiệm tốt khi đến mua hàng. Doanh nghiệp, chủ cửa hàng sẽ giữ chân khách nếu đáp ứng mọi mong muốn của họ”, lãnh đạo FPT Retail nói.

Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh sự tăng trưởng toàn ngành dược, nhất là các mô hình hiện đại như chuỗi nhà thuốc.

Trong báo cáo thị trường mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar, nhóm hàng chăm sóc cá nhân, trong đó có chăm sóc sức khỏe và dược phẩm có tốc độ tăng trưởng hai chữ số trong thời kỳ dịch bệnh. Mức chi tiêu cho thuốc bình quân đầu người tại Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 14%/năm trong giai đoạn 2021 - 2027.

Bên cạnh đó, nghiên cứu mới công bố của tổ chức phi chính phủ World Data Lab cho thấy, Việt Nam sẽ có thêm 23,2 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2030, đứng thứ 3 Đông Nam Á. Theo đó, nhu cầu chi tiêu chăm sóc sức khỏe sẽ nhiều hơn, phân khúc dược phẩm cao cấp cũng dần có chỗ đứng mới.
Tin liên quan
Tin khác