Các chuỗi nhà thuốc hiện đại đang cạnh tranh, thu hút khách hàng bằng vị trí, giá bán và dịch vụ tư vấn... |
Sức hút từ bán lẻ dược phẩm
Thị trường bán lẻ thuốc tân dược trong nước tăng trưởng 2 con số trong nhiều năm qua và dự báo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong những năm tới là động lực lớn khiến các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail), dù là “tay ngang”, tiếp tục chi đậm để tăng số lượng cửa hàng.
FPT Retail mới “lấn sân” sang mảng dược phẩm từ cuối năm 2017, nhưng ngay lập tức xác định sẽ tăng mạnh độ phủ sóng để chớp thời cơ thị trường. Cụ thể, năm 2019, Công ty sẽ mở rộng chuỗi Nhà thuốc Long Châu lên 70 cửa hàng, đến năm 2022 mở thành 700 cửa hàng.
Mô hình chuỗi nhà thuốc xuất hiện tại Việt Nam từ khoảng 10 năm trước, nhưng hai năm trở lại đây, thị trường bán lẻ dược phẩm theo mô hình chuỗi nhà thuốc mới thực sự nóng lên, với sự góp mặt của một loạt tên tuổi mới cả trong và ngoài nước.
Đơn cử, Công ty TNHH TM & DV Toàn Diện Tiên Phong là đại diện của Tập đoàn Pharos (Indonesia) tại Việt Nam với chuỗi cửa hàng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp Century Healthcare. Hiện Công ty đã có 13 cửa hàng Centery HealthCare cùng chuỗi 11 nhà thuốc tại TP.HCM và dự kiến tăng lên 200 cửa hàng trong ba năm tới.
Trong khi đó, chuỗi cửa hàng lớn như Pharmacity đã đạt mốc 100 nhà thuốc tây ở TP.HCM vào năm 2018 và mục tiêu đến cuối năm 2020 sẽ đạt 500 nhà thuốc.
Tại Hà Nội, tháng 11/2018, Vinfa (thuộc Vingroup) cũng đã khai trương 11 nhà thuốc đặt trong 11 cửa hàng Vinmart tại các khu dân cư, khu đô thị mới, tầng trệt các chung cư cao cấp.
Trước đó, năm 2017, sau khi bước chân vào lĩnh vực mới là bán lẻ dược phẩm bằng việc mua lại chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang, sau đó đổi tên là An Khang, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Thế giới di động bày tỏ tham vọng sẽ mở chuỗi cửa hàng bán lẻ dược phẩm thông qua hình thức M&A với 500 cửa hàng.
Cuộc cạnh tranh nhằm thay đổi chất lượng
Bán lẻ dược phẩm đã mang về cho FPT Retail doanh thu hơn 380 tỷ đồng trong năm 2018. Theo tính toán của FPT Retail, có nhiều chỉ số chứng minh dược phẩm là ngành hàng tiềm năng tại Việt Nam. Đó là: quy mô thị trường vào khoảng 4,5 - 5 tỷ USD (tương đương ngành hàng điện thoại); tốc độ tăng trưởng hàng năm luôn đảm bảo hai chữ số...
Phân tích về thị trường bán lẻ dược phẩm, Hiệp hội Sản xuất kinh doanh Dược Việt Nam nhận định, theo xu hướng phát triển, chuỗi nhà thuốc của các doanh nghiệp lớn với cách đi bài bản sẽ có nhiều lợi thế để gia tăng thị phần.
Điều quan trọng, sự nhập cuộc của các “ông lớn” như FPT Retail, Vingroup, Thế giới di động… và việc mở rộng quy mô của các doanh nghiệp đã có vị thế trên thị trường đang dần thay đổi chất lượng của ngành bán lẻ dược phẩm, khi cạnh tranh bằng vị trí, giá bán, dịch vụ, tuyển dụng đào tạo được nhân viên tư vấn và bán thuốc trình độ cao…
Tất nhiên, một thị trường lớn với sức mua tăng trưởng 2 con số không đồng nghĩa với việc, cứ đầu tư là thắng. Đơn cử, năm 2017, Thế giới di động chính thức lấn sân mảng dược, nhưng hết tháng 6/2018, đã ghi nhận khoản lỗ 734 triệu đồng.
Còn FPT Retail, tuy đang tăng tốc, nhưng vẫn phải chấp nhận bù lỗ. Năm 2019, công ty này đặt mục tiêu doanh thu 500 tỷ đồng và lỗ ròng khoảng 20 tỷ đồng.
Quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam dự báo đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2021
Theo Hãng nghiên cứu thị trường IBM, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2018 đạt gần 5,3 tỷ USD, dự báo lên tới 7,7 tỷ USD vào năm 2021 và đạt 16,1 tỷ USD vào năm 2026.
Cũng theo IBM, chi tiêu dành cho thuốc theo đầu người tại Việt Nam năm 2017 khoảng 56 USD, dự báo con số này sẽ tăng lên 85 USD vào năm 2020 và 163 USD trong năm 2025.