Thời sự
"Báo cáo đánh giá đa chiều của Việt Nam là nghiên cứu đầu vào hữu ích"
Lê Quân - 08/12/2020 17:02
Báo cáo đánh giá đa chiều của Việt Nam là nghiên cứu đầu vào hữu ích cho quá trình xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021-2030.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Lê Quân

Đây là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại buổi lễ công bố Báo cáo đánh giá đa chiều (MDR) của Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phối hợp tổ chức chiều 8/12 tại Hà Nội.

Dự và phát biểu tại buổi lễ còn có Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; ông Jeffrey Schlagenhauf, Phó tổng thư ký OECD; cùng đại diện Đại sứ quán của một số quốc gia châu Âu tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, báo cáo MDR của Việt Nam là một sáng kiến của OECD với mục tiêu xác định các hạn chế đối với phát triển ở Việt Nam và các lĩnh vực ưu tiên hành động để kết nối năng lực cạnh tranh kinh tế với các mục tiêu xã hội và phúc lợi; cung cấp kiến thức chuyên môn của OECD cho Việt Nam trong các lĩnh vực trọng tâm có tầm quan trọng cấp thiết đối với Việt Nam; và kết hợp phân tích với tầm nhìn mang tính chiến lược để làm cho các chính sách thích ứng được với bối cảnh đang thay đổi và dự đoán sự phát triển trong tương lai.

"Đặc biệt, với phương pháp tiếp cận xây dựng dựa trên các đánh giá đa chiều, liên ngành, liên lĩnh vực, báo cáo MDR của Việt Nam là một nghiên cứu đầu vào hữu ích cho quá trình xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Việt Nam. Các văn kiện này đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua trong thời gian tới", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Trong 34 năm qua kể từ khi Đổi mới, Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều tiến bộ và có nhiều triển vọng hướng tới mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của Liên hợp quốc tới năm 2030 và đang phấn đấu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045, thời điểm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước.

Khát vọng cho tương lai là rất lớn. Tuy nhiên, nhìn vào thực tại, nền kinh tế Việt Nam hiện đang đối mặt với không ít những khó khăn thách thức lớn có thể gây trở ngại cho con đường phát triển bao trùm, bền vững trong tương lai, cụ thể năng suất, chất lượng tăng trưởng và năng lực tranh của nền kinh tế chưa cao; các đột phá chiến lược và chương trình cải cách quan trọng như tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng; tình trạng xuống cấp môi trường, vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Bên cạnh đó, nhiều yếu tố bất định tiềm ẩn từ cả trong và ngoài nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng sẽ có nhiều tác động đến sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, báo cáo MDR đã thẳng thắn chỉ ra những điểm nghẽn cần khắc phục, những cơ hội cần được nắm bắt nhanh chóng và hiệu quả, những cải cách mạnh mẽ cần thực hiện trong nhiều lĩnh vực nhằm đạt tới mục tiêu cuối cùng là một nền kinh tế Việt Nam hội nhập, minh bạch và bền vững.

Báo cáo này cũng đề xuất Việt Nam tham khảo kinh nghiệm phù hợp của nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có nhiều nước thành viên của Trung tâm Phát triển của OECD như EU, Anh, Hà Lan, Phần Lan, Na Uy, Mexico, Peru…

"Với 27 khuyến nghị cấp cao, 70 hành động, trong đó có 16 hành động ưu tiên, báo cáo MDR thực sự là một tài liệu tham khảo hữu ích cho xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới và Phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới, đã giúp chúng tôi có thêm thông tin đánh giá toàn diện hơn cũng như xác định hướng phát triển trong 10 năm tới của đất nước", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Về phía Việt Nam, sau khi dự án xây dựng báo cáo MDR được khởi động vào cuối tháng 2/2019, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp với OECD, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Phát triển của OECD trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Cho đến nay, tiến trình xây dựng báo cáo đã hoàn thành.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao OECD, đặc biệt là Nhóm xây dựng MDR của Việt Nam, đã hoàn thành một báo cáo MDR có chất lượng cao cho Việt Nam. Báo cáo MDR của Việt Nam chắc chắn sẽ là một tài liệu tham khảo rất hữu ích cho các nhà lập kế hoạch và chiến lược, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các nhà quản lý ở cả khu vực công và khu vực tư nhân của Việt Nam, cũng như các đối tác phát triển của Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác