Chiều 15/3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Việt Nam - hoạt động được tổ chức song song với Hội Báo toàn quốc 2024 đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề: "Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội”.
Phát triển báo chí dữ liệu là xu hướng tất yếu
Là một trong những cơ quan báo chí chủ lực trong nước, thời gian qua, Báo Nhân Dân đã đặc biệt chú trọng đến chiến lược phát triển nội dung vượt trội, trong đó tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển báo chí chuyên sâu, báo chí dữ liệu kết hợp công nghệ, bởi theo ông Ngô Việt Anh, Phó Trưởng ban Nhân dân điện tử Báo Nhân Dân, “mô hình cơ quan báo chí - công nghệ là xu hướng mà nhiều tập đoàn báo chí lớn đang hướng tới và báo chí Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc”.
Ông Việt Anh cho biết Báo Nhân Dân đã triển khai các mô hình toà soạn số, áp dụng công cũ theo dõi hành vi bạn đọc trên trang chủ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)... Bên cạnh đó, Báo cũng đẩy mạnh phát triển báo chí chuyên sâu, báo chí dữ liệu kết hợp công nghệ, điển hình như chuyên mục Tri thức chuyên sâu với slogan: Mọi câu hỏi đều có lời giải. Đây là chuyên mục đầu tiên, khác biệt so với tất cả các chuyên mục khác trên các báo ở Việt Nam.
“Mỗi sản phẩm tri thức chuyên sâu sẽ cung cấp thông tin hệ thống về một sự kiện, vấn đề, nhân vật, tổ chức, địa danh... dưới dạng hỏi đáp. Ngoài ra, chuyên mục cũng có giao diện hiện đại, thu hút bạn đọc. Mỗi sản phẩm được trình bày theo một định dạng thống nhất, có bản sắc”, ông Việt Anh thông tin thêm.
Báo chí đang trải qua quá trình biến đổi sâu sắc do sự tiến bộ của công nghệ số. Ảnh: Trọng Tín |
Một trong những dấu ấn nổi bật khác của Báo Nhân Dân chính là việc liên tục ra mắt các chuyên trang đặc biệt, kết hợp công nghệ với các ý tưởng sáng tạo để số hoá kho tư liệu quý, đem lại trải nghiệm đặc biệt cho độc giả.
Nói về kinh nghiệm của Báo Nhân Dân trong việc phát triển chiến lược nội dung vượt trội và báo chí dữ liệu, ông Việt Anh cho rằng cần thay đổi tư duy lãnh đạo và nhân viên theo hướng digital-first - tức ưu tiên các nội dung lên nền tảng digital trước; đồng thời vận hành toà soạn theo hướng mở, tương tác; chú trọng đào tạo nhân sự đa phương tiện, đa nền tảng và khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo.
Về công nghệ, cần phát triển mô hình toà soạn báo chí công nghệ, tăng cường đầu tư trang thiết bị, kỹ sư công nghệ; đẩy mạnh hợp tác với các công ty công nghệ cũng như ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Thực tế, việc ứng dụng khoa học dữ liệu để phát triển nội dung báo chí vượt trội là xu hướng tất yếu hiện nay. Theo PGS.TS. Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nếu như trước đây, dữ liệu chỉ tham gia một phần vào các tuyến bài, thì giờ đây, công nghệ đã khiến dữ liệu hiện diện như một thể loại báo chí mới mẻ.
Về quy trình, ông Diệu đưa ra mô hình hoàn chỉnh, bắt đầu từ ý tưởng, các nhà báo sẽ xác định dữ liệu, làm giàu dữ liệu dựa trên các nền tảng công nghệ, phân tích đánh giá rồi tiến hành trực quan hoá trước khi tiến hành xuất bản.
Dựa trên các nghiên cứu cụ thể, diễn giả nhận định: Hiện tại các cơ quan báo chí mới chỉ dừng ở mức tương đối độc lập, chưa có sự liên kết và chia sẻ. Ông Diệu cho rằng, cần xây dựng một hệ sinh thái báo chí mà ở đó các cơ quan báo chí có thể cùng chia sẻ dữ liệu, tạo thành một kho dữ liệu chung. Để làm được điều này, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự hướng dẫn, định hướng cụ thể.
Hiểu bạn đọc là một lợi thế
Khẳng định báo chí đang trải qua quá trình biến đổi sâu sắc do sự tiến bộ của công nghệ số, bà Trần Lệ Thuỳ, chuyên gia báo chí truyền thông, một trong những chiến lược phổ biến để đầu tư dài hạn vào việc phát triển kỹ năng báo chí dữ liệu là sử dụng phần mềm sáng tạo. Đồng thời, để sản xuất câu chuyện tương tác và hình ảnh, hầu hết các phòng báo chí phụ thuộc, ít nhiều, vào các nền tảng bên ngoài.
Các chuyên gia cho rằng để phát triển báo chí dữ liệu, cần hiểu rõ bản chất, có giải pháp tổng thể trên cơ sở lý thuyết và thực tiễn năng lực, đặc thù công chúng của từng cơ quan báo chí. Ảnh: Trọng Tín |
Báo chí dữ liệu là một lĩnh vực chuyên sâu trong ngành báo chí đã phát triển để đáp ứng sự lan rộng ngày càng tăng của việc tạo ra và định lượng dữ liệu. Tính chất cơ bản của báo chí dữ liệu bao gồm việc sử dụng các cách kể chuyện hình ảnh tương tác, phân tích thống kê, bản đồ 3D và nhiều phương pháp khác để truyền đạt tin tức và thông tin dựa trên dữ liệu.
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cũng nhìn nhận báo chí dữ liệu có vị trí trung tâm và vai trò cốt lõi trong tiến trình phát triển báo chí số trên thế giới và Việt Nam, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có chiến lược nội dung khác biệt, theo đúng nhu cầu của bạn đọc.
Ông Trần Đức Kiên, Tổng Biên tập Báo Nghệ An chia sẻ báo Nghệ An cho biết đang ở bước đầu của quá trình chuyển đổi số và thực hiện các nội dung vượt trội. Hiện báo Nghệ An đang tập trung vào việc nghiên cứu sâu về độc giả, hướng tới việc kéo công chúng về với mình dựa trên 3 giải pháp con người - công nghệ và chiến lược nội dung vượt trội.
“Chúng tôi đã làm việc với các chuyên gia truyền thông của Google, Youtube để tìm hiểu kỹ hơn về độc giả của báo. Chúng tôi cũng xác định: Ở đâu có người Nghệ An thì ở đó phải có Báo Nghệ An”, ông Kiên nhấn mạnh.
Còn theo ông Vũ Minh Việt, Phó tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, thời gian qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam xác định rõ mục tiêu cần phải đi theo hướng báo chí chuyên sâu, chuyên biệt; trong đó tận dụng dữ liệu để phân tích, dự báo, đưa ra các giải pháp cụ thể dành riêng cho người nông dân. Nói cách khác là cung cấp nội dung mà bạn đọc đang cần chứ không đưa những gì mình đang có.
Quan điểm của ông Việt cũng tương đồng như đánh giá trước đó của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh tại phiên toàn thể, các cơ quan báo chí cũng cần tìm ra thị trường ngách, thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới.
“Cần xác định rõ đối tượng độc giả để có thể phát triển những mô hình kinh tế báo chí với biên lợi nhuận cao, người dùng trung thành hoặc mối quan hệ trực tiếp với các nhà quảng cáo cụ thể mà không bị lệ thuộc vào các nền tảng công nghệ”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, ngoài quảng cáo, các cơ quan cần tìm kiếm các nguồn doanh thu khác, trong đó phải coi doanh thu từ độc giả phải được coi là chiến lược bền vững hàng đầu. Tiếp theo, ưu tiên Digital nhưng không có nghĩa là ưu tiên mạng xã hội. “Đã đến lúc cần kéo độc giả trở lại với website của báo chí”, ông nói. Đặc biệt, báo in cần được nâng niu và đối xử như một sản phẩm cao cấp, mang lại những thông tin giá trị với chiều sâu cùng sự hiểu biết mà chỉ con người mới có thể mang lại.