Nhật báo co lại, báo mobile sẽ “lên ngôi”
Nhiều người cho rằng báo giấy sẽ khai tử, báo điện tử lên ngôi và nếu không làm báo mobile thì sẽ chết. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?
Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Vietnamplus.vn đang hướng dẫn tác nghiệp làm báo Mobile |
Có thời gian người ta nói báo in sẽ chết nhường chỗ cho truyền hình, nhưng báo in không chết. Sau đó người ta nói báo in chết nhường chỗ cho báo điện tử, hay truyền hình chết nhường chỗ cho truyền hình Internet. Thực tế, nhiều tờ báo đã chết nhưng không phải là tất cả, không ít tờ báo thậm chí đang có những sự thay đổi mạnh mẽ. Theo thống kê mới nhất, trong năm 2013, lượng phát hành báo in ở một số thị trường nơi người dân khó truy cập Internet như Ấn Độ thì thậm chí còn tăng lên.
Song báo in ở Mỹ và Châu Âu thì giảm sút mạnh. Rõ ràng nhật báo đã và đang vô cùng khó khăn vì không còn bất kỳ một chút lợi thế nào về thời gian nữa. Các thông tin nóng mà người đọc cần biết thì cơ bản đã được đáp ứng tức thời trong ngày nếu họ có khả năng truy cập Internet, vì thế chẳng ai chờ đến tận sáng hôm sau mới đọc tin qua báo in.
Có thời kỳ các ông chủ báo in cho rằng những thông tin ngắn gọn, nóng sốt sẽ đưa lên web còn các bài phóng sự, phân tích sâu hơn thì đưa lên báo giấy, và lúc tưởng chừng đó là phương pháp cứu báo in. Nhưng thói quen tiêu thụ, tiêu dùng thông tin của độc giả đã thay đổi rất nhanh chóng. Lớp độc giả trẻ giờ đây không cần đọc nhiều, đọc kỹ mà chỉ cần biết, hiểu thông tin là đủ. Đây là khó khăn thực sự, vì thế chúng ta thấy rất nhiều báo lớn trên thế giới gần đây tập trung phát triển mạnh mảng digital, đặc biệt là mobile. Đối với một số trang tin tức, ví dụ như Huffington Post Korea, số người đọc qua mobile còn cao hơn qua bản web.
Câu chuyện báo in hay truyền hình “chết” thì khó xảy ra và có lẽ cũng không cần tranh cãi nữa, nhưng rõ ràng các báo in phải nghĩ tới cách thức phát triển khác để tiếp cận người đọc, nhật báo sẽ phải co lại để nhường chỗ cho sự phát triển của báo mobile.
Dường như thói quen của độc giả thay đổi là nguyên nhân khiến các tờ báo phải thích nghi dần và xu hướng điện tử hóa là một ví dụ điển hình…
Con người sử dụng điện thoại di động ngày càng nhiều, máy điện thoại di động ngày càng rẻ, các phần mềm ứng dụng trên mobile ngày càng tốt, màn hình mobile ngày càng rộng, nhu cầu sử dụng tiêu thụ thông tin ngày càng thay đổi, đòi hỏi nhanh chóng mọi nơi mọi lúc… khiến nền tảng mobile phổ biến một cách tự nhiên, không gì có thể ngăn cản được. Và do đặc thù của người dùng điện thoại di động là xem thông tin nhiều lần trong ngày trong những khoảng thời gian rảnh rỗi ngắn ngủi nên thông tin cũng có xu hướng cô đọng hơn, ngắn gọn hơn, cả các thông tin văn bản lẫn các video clip.
Một ưu thế không thể không nói đến là mobile luôn đi theo người dùng, thậm chí 24 giờ mỗi ngày, nên khi có thông tin gì mà người dùng quan tâm thì họ có thể kiểm tra ngay lập tức. Ngày xưa mobile hiếm hoi nhưng bây giờ thậm chí có người còn sử dụng 2-3 chiếc. Nếu đọc báo in thì phải chạy đi mua, truyền hình thì cũng phải ngồi trước màn hình mới xem được, máy tính thì không phải lúc nào cũng có bên người, vậy nhanh nhất là cầm chiếc điện thoại mà lướt web.
Tất nhiên có một bộ phận không nhỏ độc giả, nhất là độc giả lớn tuổi, thích cái cảm giác đón nhận mùi thơm của tờ báo, thích tiếng sột soạt khi lật giở các báo trong lúc nhâm nhi cafe buổi sáng. Nhưng một nghiên cứu gần đây cho thấy, những tiện lợi của thiết bị di động bắt đầu được đọc giả lớn tuổi chấp nhận và đối tượng này khi chuyển sang máy tính bảng thì còn trung thành hơn cả độc giả trẻ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm và làm việc với tòa soạn Báo Vietnamplus |
Các tòa soạn Việt Nam chưa có chiến lược cho báo điện tử
Ông nhìn nhận như thế nào về hiện trạng “nhà nhà làm báo điện tử” như hiện nay không? Những khó khăn của các tòa soạn trong việc phát triển loại hình báo chí mới này là gì?
Báo chí Việt Nam có tình trạng là “thấy người ta làm website, mình cũng làm”. Lúc đầu thì các báo rất chần chừ nhưng từ 2011 đến nay ồ ạt các báo ra báo điện tử. Tuy nhiên nhiều báo điện tử không khác gì báo in, chẳng qua là nội dung của báo in nằm trên môi trường Internet mà thôi: vẫn là một bài viết dài, gắn cái ảnh minh họa. May ra thì có thêm video clip.
Trong suốt hai năm 2012-2013 các tờ báo trên thế giới thay đổi xu hướng thiết kế báo điện tử theo hướng “responsive design” nhằm tạo sự thống nhất trên mọi loại thiết bị, hoặc chú trọng xu hướng “chạm” trên màn hình thì phần lớn các báo Việt Nam vẫn giữ nguyên thiết kế kiểu cũ. Có chăng chỉ có một số bổ sung tiện ích, kết nối mạng xã hội. Một số báo cũng cố gắng sản xuất video clip. Nhưng đã hoạt động như một báo điện tử đích thực hay không thì chưa hẳn.
Trào lưu làm phiên bản mobile cho các báo cũng giống như việc các báo từng làm website, tức là làm cho đủ bộ. Nhưng tin trên mobile không phải là tin trên website đẩy sang nguyên xi, độ dài hoặc cách trình bày tin tức cũng phải khác cho phù hợp với thói quen của người dùng. Các báo lớn trên thế giới coi bộ phận mobile hoàn toàn tách việt với web, đòi hỏi phải có các biên tập viên chuyên về mobile, có tư duy mobile. Ở Việt Nam thì nói chung chỉ là khâu “bẻ ghi kỹ thuật” với một cái giao diện mobile để tin trên web chạy lên đây.
Nhiều tờ báo in đang làm báo điện tử, báo mobile nhưng vấn đề chia sẻ thông tin cho các ấn phẩm như thế nào thì các tòa soạn vẫn còn loay hoay. Theo ông, xử lý bài toán này như thế nào để thực sự hiệu quả?
Khi các báo in làm website, lãnh đạo phải có tư duy “web first” – nghĩa là những thông tin nhanh nhất phải ư tiên cho website. Khái niệm web first còn chưa tồn tại trong đầu đa số lãnh đạo báo chí Việt Nam thì đã quay sang làm bản mobile. Muốn làm tin mobile hiệu quả thì đòi hỏi lãnh đạo phải có tư duy “mobile first.”
Những đơn vị chỉ làm báo điện tử sẽ không lâm vào tình cảnh “giằng xé” như các báo in. Do nguồn thu quảng cáo từ báo in vẫn lớn nên lãnh đạo các báo này vừa muốn tiếp tục duy trì báo in trong thời gian dài, lại vừa phải tính đến tương lai với các phiên bản web, mobile, phải chấp nhận đầu tư mạnh trong khi nguồn thu từ điện tử lại khá khiêm tốn. Chính vì thế phải có một chiến lược đồng bộ cho tất cả các sản phẩm trên các nền tảng khác nhau để các loại hình hỗ trợ được cho nhau, tận dụng được điểm mạnh của từng loại hình, đồng thời giảm thiểu việc “dẫm chân vào nhau.” Trong một tài liệu gần đây mà tôi có tham khảo về mô hình tòa soạn Thế kỷ 21, các chuyên gia gợi ý nhiều thay đổi so với mô hình tòa soạn truyền thống hoặc kể cả các mô hình tòa soạn hội tụ của dăm bảy năm về trước, bên cạnh mobile, web, họ còn yêu cầu sử dụng mạng xã hội như một công cụ bắt buộc để tiếp cận người dùng nhanh chóng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Huân chương Lao động hạng 3 cho Báo Vietnamplus |
Thu phí báo điện tử, báo mobile - Tạo sao không?
Ông đã nhiều lần nhắc đến việc dựng paywall thu phí độc giả. Tính khả thi của nó đến đâu?
Tính đến cuối năm 2012, số lượng các báo của Mỹ và Canada dựng paywall đã lên tới con số 350, trào lưu này tiếp đó lan sang Châu Âu. Trước kia có một nỗi lo sợ là nếu dựng paywall lên, tức là bắt người đọc trả tiền, thì người ta không đọc báo của mình nữa mà quay sang các báo đối thủ. Có những tờ báo như New York Times đã dựng paywall rồi lại phải hạ xuống. Nhưng đến tháng 9/2012 thì New York Times thấy rằng dựng paywall mới là cách tồn tại. Và người ta tính ra dựng paywall và thu tiền của người dùng còn hiệu quả hơn là bán quảng cáo. Mặc dù không dựng paywall thì lượng người đọc cao gấp 4-5 lần.
Hầu như tất cả các tờ báo lớn của Mỹ, châu Âu bằng cách này hay cách khác đều bắt đầu thu tiền, và thậm chí còn thu giá cao. Mấy năm trước, một tờ báo muốn thu 20 USD/năm không phải dễ, nhưng bây giờ New York Times thu 35 USD/tháng, một con số rất cao nhưng họ vẫn thu được.
Tất nhiên, những mô hình thành công như New York Times, Wall Street Journal hay Financial Times thì không nhiều lắm, nhưng các báo đều đã thấy cái tư duy cho đọc nội dung miễn phí trước đây là sai lầm. Việc chỉ trông mong vào nguồn thu quảng cáo cũng có rủi ro, ví dụ như khi kinh tế khó khăn thì doanh thu quảng cáo cũng bị ảnh hưởng.
Vậy các báo Việt Nam phải làm gì, thưa ông?
Báo điện tử của Việt Nam chưa tạo được nguồn thu lớn, và mobile lại càng ít, nên trong thời gian trung hạn chắc chắn chưa thấy triển vọng tươi sáng nào đủ để bù đắp những giảm sút từ báo in. Thế nhưng không thể không làm loại hình này, bởi nếu không làm thì mất độc giả, mà phải làm tốt thì mới hi vọng tạo nguồn thu sau này.
Việt Nam gần như trong mấy năm gần đây là bỏ quên thị trường ngách, những bài nội dung chuyên sâu, nội dung tốt đều bị nhường cho nội dung lăng nhăng, câu khách. Hiện nay, trên internet tràn lan các loại thông tin như thế, và có một trào lưu cứ phải thu hút càng nhiều traffic càng tốt để bán cho các ad network. Nhưng các trang thông tin điện tử không chính thống “câu view” bằng những nội dung nhảm nhí chứ báo chí thì không thể làm như vậy. Và đừng nghĩ rằng có nhiều nội dung gây sốc thì sẽ có nhiều lượt đọc và nhiều lượt đọc sẽ đồng nghĩa với nhiều tiền quảng cáo. Những trang hay sao chép nội dung thì không được coi là trang tạo ra nội dung nguồn nên xếp hạng thấp và giá quảng cáo cũng thấp, nếu lại không biết cách tối ưu quảng cáo thì tỷ lệ người dùng nhấp chuột cũng không cao. Vì thế có một thực tế là website A có lượng truy cập cao gấp 3-4 lần website B thì chưa chắc đã kiếm tiền cao tương ứng, có khi chỉ tương đương hoặc hơn một chút. Nhưng như tôi đã nói ở trên, quảng cáo mới là một nguồn thu, cần phải tính đến việc thu phí. Tại sao độc giả có thể bỏ tiền mua tờ báo in mỗi ngày, nhân số tiền mỗi tháng có thể lên tới cả trăm ngàn, mà lại không chịu bỏ tiền mua thông tin trên báo điện tử với mức giá có thể chỉ bằng một phần tư? Đương nhiên, họ sẽ chỉ chịu móc hầu bao cho những thông tin đáng đồng tiền bát gạo chứ không ai bỏ tiền xem mấy cái tin hở hang, đâm chém.
Vậy việc thu phí ở Việt Nam có thực hiện được không và cách làm thế nào để thu tiền từ độc giả, ví dụ như thay đổi hành vi của họ hay hướng đến những nhóm đối tượng khách hàng…?
Tôi nghĩ rất có tiềm năng, bởi khi chúng tôi bắt tay làm bản mobile đầu tiên vào năm 2009, thu phí độc giả 5.000 đồng/tháng cũng không đơn giản tuy một ly café khi đó là 20.000 đồng. Một mặt là người dùng Việt Nam khi đó chưa quen với việc trả tiền cho nội dung trên mạng, mặt khác không có công cụ thanh toán tiện lợi, người Việt Nam lại ít dùng thẻ tín dụng. Nhưng đến thời điểm này, mức phí 20.000 đồng/tháng hoàn toàn khả thi. Vấn đề tiếp theo là phương thức thanh toán tiện lợi. Lâu nay tiện nhất là thanh toán qua hóa đơn điện thoại, nhưng với cách này, các nhà mạng thu rất nhiều, đối soát cũng lâu và rắc rối, chậm thu tiền, nên các đơn vị báo chí không mặn mà. Gần đây số lượng người Việt tải phần mềm trên mạng và sử dụng dịch vụ thương mại điện tử dần dần tăng lên tuy chưa thực sự phổ biến. Ngoài ra người ta cũng có thể thanh toán qua các dịch vụ ví điện tử… Với dân số hơn 91 triệu người, trong đó đến hơn một nửa là người trẻ, tôi nghĩ tiềm năng vô cùng to lớn. Vấn đề ở đây là các tờ báo có tạo ra được “hàng hóa nội dung” hấp dẫn người dùng hay không. Nhiều tin tức trên báo chí Việt Nam hiện nay cứ na ná giống nhau, mở tờ nào cũng thấy những nội dung từa tựa như nhau thì chưa kinh doanh nội dung được. Quả bóng đang nằm ở chân các đơn vị báo chí: Hãy làm ra sản phẩm tốt thì mới thuyết phục được người dùng. Và mỗi báo nên có những sản phẩm khác biệt, nhắm đến những đối tượng riêng.
Có 2 dạng như anh vừa nói, giống như thuê bao truyền hình, tức là trả phí hàng tháng và một loại là khách qua đường, trả phí theo từng bài. Với khách trả phí theo từng bài có thể áp dụng bằng hạ tầng thanh toán hiện tại không?
Chúng tôi đã thử và thấy rất triển vọng. Thanh toán qua hóa đơn điện thoại thì khá linh hoạt, cho phép áp dụng với cả hai hình thức. Và phát hiện một số độc giả rất lạ: họ ngần ngại trả mức 15.000 đồng/tháng để được đọc 20 tin mỗi ngày, tương đương 600 tin mỗi tháng, nhưng lại sẵn sàng nhấn nút trả 5000 đồng để đọc một bài mà họ quan tâm. Và nhấn luôn 3 lần như thế, tương đương phí dịch vụ cả tháng, rất đơn giản. Chúng tôi thử nghiệm từ tháng 8/2012 và định kết thúc tháng 8/2013, và kết quả rất khả quan, nhưng nếu chỉ có một mình VietnamPlus dựng tường thu phí thì chưa hiệu quả nên chưa áp dụng chính thức.
Trong thời gian sắp tới, chúng tôi vẫn tiếp tục thử hệ thống này cũng như các cách thức khác để kinh doanh nội dung, và đó là chiến lược mà chúng tôi đang hướng đến, chứ không phải cứ cho đọc nội dung miễn phí mãi. Từ ngày 13/6 vừa qua, mỗi ngày chúng tôi cung cấp 2 bản tin – một bản tin thời sự và một bản tin World Cup 2014 – trên phần mềm Greelane, hoạt động trên cả iOS và Android. Đây là một trải nghiệm đọc báo rất khác biệt, hình thức rất đẹp chứ không “buồn tẻ” như đọc báo điện tử, báo mobile thông thường. Sau 1 tuần, chúng tôi cung cấp tiếp bản tin Kinh tế hằng tuần để đa dạng sản phẩm cho người dùng. Ít nhất đến hết quý 3/2014, độc giả có thể đọc miễn phí các bản tin này, sau đó chúng tôi sẽ tính phí.
Nhà báo Lê Quốc Minh chụp hình lưu niệm với các đồng nghiệp của Vietnamplus nhận giải báo chí quốc gia 2012. |
Một đối thủ của báo điện tử là các trang tổng hợp. Vậy để cạnh tranh với nhóm đối tượng này, nếu các báo làm theo dạng điện tử và mobile thì cần làm gì?
Chưa bao giờ tôi coi những trang tổng hợp ở Việt Nam là đối thủ bởi đa phần các trang như vậy không có uy tín cao. Cách họ kinh doanh cũng theo một motif giống nhau là sao chép thông tin mà không có bản quyền. Cơ quan chức năng quy định rõ ràng về việc phải có văn bản chấp chuận cho sử dụng lại nội dung của các cơ quan báo chí thì mới được cấp phép nhưng thực tế không phải vậy. Xu hướng gần đây ở nước ngoài là các trang tổng hợp tin lớn sẽ trực tiếp bắt tay với các cơ quan báo chí để cùng phát hành nội dung và bán quảng cáo. Có một vài trang thông tin tổng hợp của Việt Nam có khả năng làm điều này, còn hơn 1000 trang còn lại thì không đủ sức tạo ra sự đe dọa đối với báo chí. Thêm vào đó, nếu các cơ quan báo chí lớn cùng dựng tường thu phí thì các trang này hết được lấy nội dung “chùa” như hiện nay. Nếu họ cố tình “vượt tường” thì sẽ là hành động trái pháp luật.
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng cho việc bán tin, thu phí cho đối tượng khách hàng là doanh nghiệp?
Khi hoạt động kinh doanh ngày càng trở nên chuyên nghiệp, doanh nghiệp làm ăn với các đối tác trong và ngoài nước nhiều hơn, họ sẽ nhận thấy thông tin thời sự, kinh tế và cả trong những lĩnh vực khác ảnh hưởng đến công việc của họ tới mức độ nào. Một cá nhân hay doanh nghiệp kinh doanh vàng, kinh doanh lương thực, kinh doanh thép… phải tìm hiểu thông tin liên quan hoạt động của họ, kể cả tin chính trị xảy ra ở một quốc gia nào đó. Ở nước ngoài có những tạp chí chuyên ngành, ví dụ về thiết bị y tế, về nhiên liệu sinh học… và họ không chỉ bán báo cho các độc giả mà còn cung cấp thông tin chuyên biệt cho các khách hàng doanh nghiệp, kiểu cung cấp thông tin theo địa chỉ. Ở Việt Nam cũng có những đơn vị làm dịch vụ này nhưng rất ít cơ quan báo chí tham gia, trong khi báo chí nắm rất nhiều thông tin. Nhưng cũng giống như các loại thông tin thu phí khách, sản phẩm phải tốt thì mới bán được. Và đương nhiên phải biết cách quảng bá, tiếp thị sản phẩm của mình. Cách thức cung cấp thông tin trong thời đại công nghệ cũng phải linh hoạt, có thể là qua email theo kiểu truyền thống nhưng có những khách hàng sẽ đòi hỏi truy cập qua website hoặc ứng dụng trên điện thoại, thậm chí họ đòi hỏi có thông tin tức thời (realtime). Cơ hội lúc nào cũng có, vấn đề là chúng ta có nhận ra cơ hội, có dám thực hiện và chấp nhận rủi ro nếu có hay không. Nhưng không làm thì không bao giờ biết được nhu cầu thị trường thế nào, và quan trọng nhất là không biết được chính năng lực của mình.
Xin cảm ơn ông!
Báo điện tử Vietnam Plus nhận Huân chương Lao động hạng ba (baodautu.vn) Hôm nay (13/11) Báo điện tử Vietnam Plus thuộc Thông Tấn xã Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 5 năm ngày thành lập (13/11/2008-13/11-2013) và đón nhận Huân chương Lao động hạng 3, ra mắt giao diện mới. |
Hữu Tuấn