-
“Nở rộ” nạn phân lô, bán nền tại TP. Bảo Lộc trong thời gian qua.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đã vào cuộc xác minh, điều tra vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong việc hiến đất, ghi nhận hiện trạng đường giao thông, để giải quyết hồ sơ tách thửa trái quy định pháp luật trên địa bàn thành phố Bảo Lộc.
Căn cứ quy định của pháp luật, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng vừa yêu cầu UBND thành phố Bảo Lộc cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử có liên quan đến vụ việc trên.
Theo văn bản số 29 (ngày 11/2/2022) của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng, từ ngày 25/10/2021 đến ngày 10/11/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03) Công an tỉnh Lâm Đồng chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tiến hành khám nghiệm hiện trường đối với 14 khu đất có biểu hiện hiến đất làm đường giao thông, hợp thửa, tách thửa không đúng quy định trên địa bàn phường Lộc Phát và xã Đam B’ri, thành phố Bảo Lộc có liên quan đến tin báo của Thanh tra tỉnh. Kết quả, diện tích tuyến đường giao thông mở mới do các hộ dân “hiến đất làm đường” theo hồ sơ cấp Giấy chứng nhận là 80.122 m2.
Tổng diện tích các tuyến đường mở mới qua đo đạc thực tế là 76.806,015 m2, trong đó thuộc quy hoạch đất ở là 25.179,975 m2, thuộc quy hoạch đất nông nghiệp là 47.455,04 m2, thuộc quy hoạch đất giao thông là 3.836,7 m2 (không đúng vị trí và hướng tuyến quy hoạch) và đất thương mại dịch vụ là 333,9 m2.
Các tuyến đường này không có trong bản đồ địa chính đo đạc năm 1995, phường Lộc Phát và cũng không có trong bản đồ địa chính đo đạc năm 1998 của xã Đam B’ri (đã chỉnh lý thời điểm gần nhất). Các tuyến đường mở mới có đấu nối với đường giao thông hiện hữu do nhà nước quản lý. Việc đấu nối không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi Sở Giao thông và Vận tải tỉnh Lâm Đồng xác định trường hợp đường chính theo quy định tại khoản 13, Điều 3, Luật Giao thông đường bộ.
Sở Giao thông và Vận tải tỉnh Lâm Đồng sau đó trả lời việc xác định là đường chính hay không trước hết phải xác định được phạm vi khu vực và việc quản lý hạ tầng giao thông của khu vực đó, để xác định có là đường chính hay không. Theo đó, đường liên xã là đường chính trong phạm vi xã, đường liên thôn sẽ là đường chính trong phạm vi của thôn, đường hẻm và đường chưa đặt tên là đường chính trong phạm vi của cụm dân cư, hộ gia đình và từ nhà đến nương rẫy, ruộng đồng, cơ sở sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ.
Căn cứ kết quả khám nghiệm hiện trường 12 khu đất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đề nghị UBND thành phố Bảo Lộc phối hợp xác định các tuyến đường liên thôn, liên xã, đường hẻm, đường chưa có tên mà 12 trường hợp trên sau khi tự ý mở đường đấu nối vào có phải là đường chính theo quy định tại khoản 14, Điều 3, Luật Giao thông đường bộ không? Hành vi của 12 hộ dân đấu nối trái phép vào các đường hiện hữu do nhà nước quản lý như trên có phải là hành vi đấu nối trái phép vào đường chính hay không?
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị UBND thành phố Bảo Lộc cung cấp một số thông tin, tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, UBND thành phố Bảo Lộc đã giao phòng Quản lý đô thị chủ trì, phối hợp với phòng Tài nguyên - Môi trường và các phòng ban, đơn vị liên quan “nghiên cứu” nội dung đề nghị trên của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng. UBND thành phố Bảo Lộc yêu cầu việc tham mưu văn bản xác định các nội dung, cung cấp các hồ sơ, tài liệu có liên quan trước ngày 28/2/2022.
Thời gian qua, Báo Đầu tư đã đăng tải các bài viết về nạn phân lô, bán nền và xin hiến đất làm đường “trá hình” tại thành phố Bảo Lộc. Sau các bài báo, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc trong công tác quản lý, sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn.
Thông báo kết luận thanh tra cho thấy, thời gian qua, việc các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư hạ tầng nhằm phân lô, tách thửa trên địa bàn thành phố có diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trên các trang mạng xã hội, có nhiều thông tin, quảng cáo về các Dự án bất động sản do một số đối tượng môi giới bất động sản tự đặt tên và đăng tin nhằm thu hút người mua, nhưng thực tế, các “dự án” này đều không được cấp phép.
Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cho rằng, công tác chỉ đạo của Thành ủy Bảo Lộc, công tác quản lý của UBND TP. Bảo Lộc còn lúng túng, chưa chặt chẽ, chưa kiên quyết, dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm, nhưng chưa được xử lý kịp thời. Cụ thể, trong một số trường hợp, người sử dụng đất đã hiến đất, sau đó tiếp tục xây dựng công trình, cá biệt một số điểm còn làm hàng rào, xây dựng nhà bảo vệ là hành vi lấn chiếm đất công.
“Từ đó cho thấy, bản chất của việc hiến đất chủ yếu vẫn là nhằm phân lô, tách thửa, phục vụ lợi ích cá nhân, chứ không phải là để phục vụ lợi ích công cộng…”, thông báo của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng nêu rõ.
Thanh tra tỉnh Lâm Đồng còn chỉ ra, có tình trạng người dân tự xây dựng công trình giao thông trên đất nông nghiệp là không đúng quy định. Tuy nhiên, việc chính quyền chấp nhận hồ sơ, căn cứ vào đơn xin hiến đất để ghi nhận hiện trạng vào hồ sơ địa chính đã gián tiếp ghi nhận công trình vi phạm, tạo điều kiện cho người sử dụng đất được tách thửa vì lợi ích cá nhân.
Thanh tra tỉnh Lâm Đồng chỉ rõ trách nhiệm của Chủ tịch và nguyên Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc (theo thời gian giữ chức vụ) trước Chủ tịch UBND tỉnh đối với các tồn tại, hạn chế trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn…
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong công tác tham mưu, chỉ đạo hoạt động, đặc biệt việc chỉ đạo áp dụng quy định về “tặng cho” quyền sử dụng đất tại các cơ quan thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường chưa đúng quy định của pháp luật, nhưng không có biện pháp phát hiện, xử lý kịp thời.
Thanh tra tỉnh Lâm Đồng kiến nghị, UBND tỉnh chuyển cơ quan công an để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý các sai phạm đối với các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm trong việc chỉ đạo, thực hiện các trình tự, thủ tục liên quan dẫn đến các sai phạm trong việc hiến đất, ghi nhận hiện trạng đường giao thông để giải quyết hồ sơ tách thửa trên địa bàn thành phố Bảo Lộc.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu đình chỉ 4 cán bộ liên quan đến việc hiến đất, tách thửa trái quy định trên địa bàn thành phố Bảo Lộc. Các cán bộ bị đình chỉ là ông Đậu Công Hải, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch UBND xã Đam B’ri; ông Trần Lê Duẩn, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai và ông Bùi Thanh Chung, Trưởng phòng Phòng Quản lý đô thị thành phố Bảo Lộc.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu xem xét, xử lý tạm đình chỉ công tác công chức, viên chức của Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định. UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Bảo Lộc kiểm điểm, xử lý hoặc đề xuất xử lý kỷ luật nghiêm (nếu có) đối với Phó chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc phụ trách lĩnh vực đất đai, xây dựng; Chủ tịch UBND phường Lộc Phát, Lộc Sơn; Trưởng phòng Phòng Quản lý đô thị thành phố Bảo Lộc và các tổ chức, cá nhân liên quan.
Kiểm tra thực tế và hồ sơ tách thửa đối với các trường hợp có hình thành việc mở đường giao thông mới, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Đam B’ri nhận thấy, các hộ gia đình, cá nhân đều có đơn hiến đất làm đường, được UBND xã xác nhận, việc mở đường giao thông là do các hộ gia đình, cá nhân tự mở và đầu tư xây dựng (hiện trạng đã trải bê tông nhựa và đá cấp phối) và dựng trụ điện.
Thực tế, các hộ đã tự bỏ tiền ra làm đường bê tông trải nhựa để phân lô, tách thửa, sau đó mới có đơn hiến đất làm đường. Vì vậy, việc hình thành đường giao thông mới chưa phù hợp với quy hoạch hệ thống đường giao thông trong quy hoạch nông thôn mới của xã và quy hoạch sử dụng đất của UBND tỉnh Lâm Đồng. Việc tự phát mở đường thảm nhựa bê tông chưa có hồ sơ thiết kế được cấp thẩm quyền phê duyệt và hệ thống trụ điện do các hộ tự mở chưa được cấp thẩm quyền cho phép…
Theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, UBND TP. Bảo Lộc còn chưa thực sự chặt chẽ, có biểu hiệu buông lỏng công tác quản lý sử dụng đất đai, quản lý hoạt động xây dựng hạ tầng nhằm tách thửa của một số cá nhân trên địa bàn. Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh có dấu hiệu buông lỏng công tác thẩm định hồ sơ, cố ý bỏ qua các sai phạm trong quá trình thẩm định hồ sơ và đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi tách thửa cho các trường hợp không đảm bảo các điều kiện.
Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Bảo Lộc còn phụ thuộc quá nhiều vào công tác thẩm định của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và sự chỉ đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường, nên việc lập hồ sơ với một số trường hợp hiến đất mở đường chưa đảm bảo các quy định, như đơn vị hiến đất không có ý kiến của chính quyền địa phương, không đủ chữ ký của người đồng sử dụng; không chủ động phát hiện việc sử dụng đất sai mục đích, xây dựng công trình vi phạm để đề xuất với cơ quan chuyên môn kiểm tra, xử lý kịp thời.