Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, tính đến 17h ngày 28/10, mưa lũ đã gây ra tình trạng ngập lụt cho 28.341 hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, trong đó khu vực “rốn lũ” huyện Lệ Thuỷ và tỉnh Quảng Ninh là 2 địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 15.801 ngôi nhà tại huyện Lệ Thuỷ và 11.540 ngôi nhà huyện Quảng Ninh) ngôi nhà bị ngập.
Đợt lũ lụt năm nay tại huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình được nhiều người đánh giá vượt đỉnh lũ lịch sử vào tháng 10/2020. Ảnh: Ngọc Tân |
Nhiều xã, thị trấn tại huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình đã ngập sâu trong biển nước. Ảnh: Nguyễn Chiến |
Mưa lũ cũng làm chia cắt 58 thôn bản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; làm ngập và sạt lở hàng loạt vị trí trên các tuyến giao thông quan trọng của tỉnh như Quốc lộ 1A, 9B, 9C, 9E, 15, đường Hồ Chí Minh…và nhiều tuyến tỉnh lộ khác.
Tỉnh lộ 565B tại huyện Lệ Thuỷ bị sạt lở do mưa lũ của bão số 6 Trami. Ảnh: Ngọc Tân |
Về hoa màu, khu vực“rốn lũ” Lệ Thuỷ là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất với hơn 229 ha hoa màu, rau màu và hơn 5 ha cây trồng lâu năm bị ngập úng, hư hại.
Đáng chú ý, mưa lũ đã làm 1 người chết đó là trường hợp của anh Lê Ngọc Hơn (SN 2002) tại thôn Thanh Sơn, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy, bị nước cuốn trôi khi làm nhiệm vụ cứu hộ tại địa phương.
Cũng theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, toàn tỉnh Quảng Bình hiện có trên 152 hồ chứa nước thủy lợi và 2 hồ chứa thủy điện. Đến 17h ngày 28/10, dung tích hiện tại của 35 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi quản lý đạt 94,33% dung tích thiết kế; các hồ do địa phương quản lý dung tích trung bình đạt trên 98,92% dung tích thiết kế.
Ngập lụt gây chia cắt nhiều tuyến đường giao thông quan trọng tại tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Trương Nhân |
Ngay trong ngày 28/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng đã đi kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại địa bàn “rốn lũ” huyện Lệ Thủy, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa lũ lần này tại tỉnh Quảng Bình.
Tại khu vực ngã tư Cam Liên, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thuỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã đi kiểm tra tình hình tại nơi có tuyến đường nối với trung tâm huyện lỵ của huyện đang bị chia cắt do nước dâng cao, người dân và các phương tiện giao thông đường bộ không thể di chuyển qua lại.
Nhiều đội cứu hộ đã đến huyện Lệ Thuỷ để hỗ trợ người dân di chuyển đến khu vực an toàn. Ảnh: Ngọc Tân |
Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng đã động viên các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; đồng thời yêu cầu, các lực lượng chức năng của tỉnh và huyện Lệ Thủy phối hợp chặt chẽ, huy động cán bộ, chiến sỹ ứng trực để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng ghi nhận tinh thần vì người dân vùng lũ của các đoàn cứu hộ, thiện nguyện, đồng thời lưu ý các đoàn khi có hoạt động hỗ trợ Nhân dân vùng lũ cần thông qua chính quyền địa phương để có thể nắm rõ hơn tình hình địa bàn nhằm đảm bảo an toàn về người và hàng cứu trợ.
Tiếp đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã có buổi làm việc với chính quyền huyện Lệ Thủy và xã Thái Thủy về công tác ứng phó với mưa lũ.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng (ngoài cùng, phải ảnh) thăm hỏi động việc lực lượng công an làm nhiệm vụ cứu hộ và phân luồng tại khu vực Ngã tư Cam Liên, huyện Lệ Thuỷ. Ảnh: Đ.Hà |
Theo báo cáo của lãnh đạo xã Thái Thuỷ, trong 2 ngày 27 - 28/10/2024, trên địa bàn xã Thái Thủy có mưa lớn, mực nước dâng cao khiến 60 hộ dân bị ngập sâu hơn 1 m. Chính quyền địa phương xã đã tiến hành di dời 35 hộ với hơn 100 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Tuy nhiên, do mực nước lên nhanh, tốc độ nước chảy xiết nên lực lượng, phương tiện của xã không tiếp cận được khu vực ngập lụt. Trước tình hình đó xã Thái Thủy đã báo cáo với lãnh đạo huyện để kịp thời tăng cường, huy động thêm lực lượng để ứng phó, đảm bảo di dời người dân đến an toàn.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng đánh giá cao sự chủ động, kịp thời trong công tác ứng phó với mưa lũ của huyện Lệ Thủy nói chung và xã Thái Thủy nói riêng; đồng thời lưu ý chính quyền địa phương cần tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết để chủ động các phương án ứng phó với phương châm, an toàn của người dân; đảm bảo an toàn sau mưa lũ, không để người dân có tâm lý chủ quan dẫn đến thiệt hại không đáng có; khẩn trương rà soát, nắm bắt điều kiện sinh hoạt, ăn ở của các gia đình bị ngập lụt để có phương án hỗ trợ kịp thời, đảm bảo đời sống cho Nhân dân; chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn hồ đập trên địa bàn.
Ông Lê Thuận Văn, Chủ tịch UBND xã Thái Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ báo cáo tình hình phòng chống thiên tai và thiệt hại do mưa lũ với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Đ. Hà |
Cũng trong ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng đã đến thăm hỏi, động viên gia đình anh Lê Ngọc Hơn, thành viên tổ xung kích phòng, chống thiên tai thôn Thanh Sơn, xã Thái Thủy (huyện Lệ Thủy) không may bị nước cuốn trôi khi tham gia cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn.
Đến thăm gia đình, Chủ tịch Trần Thắng ghi nhận tinh thần xung kích của anh Hơn trong công tác cứu nạn, cứu hộ, đồng thời chia sẻ nỗi đau với thân nhân, gia đình và mong muốn, gia đình nỗ lực sớm vượt qua đau thương, mất mát để ổn định cuộc sống.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng (áo xanh sẫm) đến thăm và động viên gia đình cán bộ làm nhiệm vụ cứu hộ không may bị nạn. Ảnh: Duy Ánh |