Bảo tàng Hải Phòng là nơi du khách, đặc biệt các em học sinh đến tìm hiểu lịch sử thành phố. Ảnh: Thanh Tân |
Bảo tồn những hiện vật lịch sử, văn hóa
Bảo tàng Hải Phòng có diện tích khoảng 1 ha, ban đầu là trụ sở của Ngân hàng Pháp - Hoa. Năm 1958, Thành ủy Hải Phòng ban hành Nghị quyết về việc xây dựng Bảo tàng. Vào ngày 20/12/1959, Bảo tàng Hải Phòng chính thức khánh thành và mở cửa phục vụ nhân dân.
Bà Bùi Thị Nguyệt Nga, Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng cho biết, Bảo tàng không chỉ là công trình kiến trúc độc đáo, mà còn là nơi lưu giữ những hiện vật lịch sử. Mỗi hiện vật ở đây là một câu chuyện về sự hy sinh, cống hiến, đóng góp lớn lao của các thế hệ qua từng thời kỳ. Với việc khai quật và trưng bày những di tích, hiện vật mang đậm dấu ấn của thời kỳ Pháp thuộc và quá trình phát triển của Hải Phòng, Bảo tàng là không gian lý tưởng để khám phá và hiểu rõ hơn về sự phong phú của di sản văn hóa địa phương. Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng các hiện vật, check-in hoặc tham gia các hoạt động triển lãm.
Số hiện vật được sử dụng tại khu trưng bày của Bảo tàng là 1.736 hiện vật, 840 hình ảnh, tư liệu. Với tổng diện tích trưng bày là 1.283 m2 và 16 phòng trưng bày, Bảo tàng Hải Phòng tạo ra một không gian đa dạng và sinh động. Các nội dung trưng bày được chia thành 12 chủ đề lớn, bao quát từ tài nguyên thiên nhiên, lịch sử đô thị, kháng chiến, giao thông, biển đảo Việt Nam, nông nghiệp và kinh tế.
Đặc biệt, khu vực chuyên đề kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và Thành phố là không gian độc đáo, giúp du khách hiểu rõ hơn về sự phong phú và đa dạng của lịch sử, văn hóa Hải Phòng.
Là một người trẻ đam mê giá trị văn hóa truyền thống, bạn Quốc Anh, sinh viên năm thứ 3, Trường đại học Hải Phòng chia sẻ: “Việc lui tới bảo tàng là cách những người trẻ như tôi tìm về giá trị xưa, tăng thêm vốn kiến thức, sự hiểu biết, bên cạnh việc tìm hiểu qua sách báo, tài liệu”.
Cầu nối giữa quá khứ và hiện tại
Theo dòng thời gian, Bảo tàng Hải Phòng không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị lịch sử, văn hóa, mà còn là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Mỗi hiện vật được lưu giữ tại đây đều là một “nhân chứng” sống động.
Chị Đỗ Thị Mai Anh, hướng dẫn viên tại Bảo tàng cho biết, trên cơ sở sự tồn tại cụ thể, sinh động của các tài liệu, hiện vật có giá trị, khách tham quan có cơ hội tiếp cận một cách trực tiếp về các sự kiện, hiện tượng, quá trình... mà hiện vật phản ánh, đại diện.
Song song với hoạt động trưng bày hiện vật theo từng chặng đường lịch sử dân tộc, Bảo tàng Hải Phòng còn thường xuyên tổ chức triển lãm theo chuyên đề. Các chuyên đề đã để lại nhiều dấu ấn phải kể đến như “Dấu ấn mùa thu lịch sử”, “Văn minh sông Hồng - Kết tinh và tỏa sáng”. Thông qua những tư liệu, hình ảnh tiêu biểu, chuyên đề đã giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ được tiếp xúc gần hơn với những giá trị văn hóa, lịch sử.
Dẫn con nhỏ đến tham quan Bảo tàng, chị Nguyễn Trang (quận Ngô Quyền) tâm sự: “Nhà tôi trước ở ngõ Phù Đổng, gần Bảo tàng Hải Phòng. Nhớ lúc còn là học sinh, tôi cùng đám bạn thường xuyên tới Bảo tàng. Đây vừa là nơi bảo tồn các hiện vật, vừa là nơi chúng tôi khám phá thêm kiến thức về lịch sử, văn hóa. Đến giờ là mẹ của hai con, tôi vẫn thường xuyên cho các cháu vào Bảo tàng, để các cháu hiểu biết về văn hóa, lịch sử, biết ơn với những thế hệ đi trước. Nhiều lần 2 bạn nhỏ nhà tôi còn chủ động muốn bố mẹ đưa tới Bảo tàng”.
Hiện tại, ngoài Bảo tàng Hải Phòng, Thành phố còn có nhiều “địa chỉ đỏ” về di tích mang giá trị văn hóa, truyền thống và lịch sử như: Bảo tàng Hải Quân, Bảo tàng Quân khu 3, Khu di tích Bạch Đằng Giang, Bãi cọc Cao Quỳ, Bến tàu K15, Bến Nghiêng, Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm…
Nhằm hưởng ứng lễ hội Hoa phượng đỏ 2024, từ ngày 11/5 đến hết tháng 12/2024, Thành phố sẽ trưng bày khoảng 300 hiện vật trong bộ sưu tập bảo vật An Biên, trong đó có 21 bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Hải Phòng. Các hiện vật được lựa chọn trưng bày có niên đại từ văn hóa Đông Sơn đến quốc gia Đại Việt thế kỷ XIX.