Tiếp thu ý kiến của các đại biểu quốc hội, Dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ đã chỉnh lý, bổ sung nguyên tắc hoạt động đo đạc và bản đồ phải bảo đảm chủ quyền quốc gia, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. |
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 1/6, Quốc hội tiến hành thảo luận toàn thể tại hội trường về Dự án Luật Đo đạc và Bản đồ. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung thảo luận.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần thiết phải ban hành Luật Đo đạc và Bản đồ. Theo chương trình, Dự luật này là 1 trong 8 luật sẽ được biểu quyết thông qua tại kỳ họp này và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đo đạc và bản đồ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết: "Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung nguyên tắc hoạt động đo đạc và bản đồ phải bảo đảm chủ quyền quốc gia, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh; thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phải được cập nhật, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; việc sử dụng công trình hạ tầng đo đạc, thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ được xây dựng bằng ngân sách nhà nước là tài sản công, phải được kế thừa, sử dụng, quản lý và bảo vệ theo quy định của pháp luật...".
Với 9 chương, 61 điều, đã giảm 02 điều so với Dự thảo Luật Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, dự án Luật Đo đạc và Bản đồ quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; công trình hạ tầng đo đạc; thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; điều kiện kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc.
Theo đó, Dự thảo Luật đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác đo đạc và bản đồ, đã bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ, từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo, lãng phí; góp phần thúc đẩy thương mại hóa thông tin, dữ liệu, sản phẩm và xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc (đại biểu tỉnh Bình Thuận) bày tỏ nhất trí cao với việc dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc hoạt động đo đạc và bản đồ phải bảo đảm chủ quyền quốc gia, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh.
Riêng đại biểu Trần Văn Tiến (đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc) đề nghị vẫn tiếp tục cần bổ sung thêm nguyên tắc xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ để giảm gánh nặng về ngân sách nhà nước đối với vấn đề này.
Nội dung dự thảo Luật đã phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam và tương thích với các điều ước, pháp luật quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Cho rằng, có những nội dung của hoạt động đo đạc và bản đồ có liên quan đến bí mật nhà nước, đại biểu Âu Thị Mai (đại biểu tỉnh Tuyên Quang) đề nghị dự án luật cần có những quy định về bảo vệ bí mật nhà nước liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ. Cùng với đó là xây dựng các quy định liên quan đến vấn đề bảo đảm nguồn lực cho hoạt động đo đạc và bản đồ, có các chính sách thu hút nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước cho hoạt động đo đạc và bản đồ.
Tán thành với những nội dung trên của dự thảo, đại biểu Trương Thị Yến Linh (đại biểu tỉnh Cà Mau) đề nghị bổ sung thêm một điều cấm là cấm thuê, cho thuê, mượn, cho mượn chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ để sử dụng với mục đích nhằm tăng thu nhập cá nhân.