Áp dụng tiêu chuẩn Basel II sẽ giúp các ngân hàng nâng cao năng lực quản trị rủi ro |
Áp chuẩn Basel II: Không chỉ là 10 ngân hàng thí điểm
Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2017 là triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, trong đó tiếp tục nghiên cứu, triển khai chuẩn mực Basel II, tăng cường minh bạch hóa theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo đó, ngoài 10 ngân hàng được NHNN chỉ định thí điểm áp dụng kể từ tháng 2/2016 là BIDV, VietinBank, Vietcombank, VPBank, MB, Techcombank, Sacombank, Maritime Bank, ACB và VIB, thì tới đây, toàn hệ thống đều phải thực thi theo chuẩn Basel II.
Theo lộ trình, sau 3 năm thực hiện, đến cuối năm 2018, các ngân hàng thí điểm trên sẽ phải đáp ứng các chuẩn mực vốn Basel II theo hướng nâng cao. Sau đó, NHNN sẽ triển khai áp dụng chuẩn mực này trên toàn hệ thống. Đây cũng là lý do khiến các ngân hàng chạy đua áp dụng chuẩn mực quốc tế thời gian qua.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám OCB cho biết, quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II là bước đi quan trọng trong lộ trình hội nhập với các ngân hàng thế giới. Đây cũng là cách để bảo vệ khách hàng tốt nhất, tránh các rủi ro hoạt động, hạn chế những sai phạm gây tổn thất lớn.
“Tuy nhiên, tiêu chí để các ngân hàng áp dụng khung quản trị rủi ro Basel II khá khắt khe, từ hành lang pháp lý, cơ sở dữ liệu, cho đến các vấn đề về chỉ số an toàn vốn… Vì vậy, triển khai Basel II là một thách thức rất lớn, không chỉ với OCB, mà với tất cả các ngân hàng Việt”, ông Tùng chia sẻ.
Nhằm giải quyết khó khăn, OCB có sự chuẩn bị về cơ sở dữ liệu và dòng vốn, 2 trụ cột trong khung quản trị rủi ro quốc tế Basel II. Tính đến tháng 11/2016, OCB đã hoàn tất giai đoạn 1 Dự án Phòng chống rửa tiền AML - nền tảng quan trọng cho việc triển khai thành công khung quản trị Basel II. OCB hiện đang hoàn thiện những bước cuối cùng để chính thức áp dụng Basel II dự kiến vào cuối quý III năm nay.
Basel II: Phương thức tất yếu để hạn chế rủi ro
Basel II là Hiệp ước về tiêu chuẩn vốn và đo lường vốn, được ban hành bởi Ủy ban giám sát các ngân hàng Basel (BCBS). Do vậy, Basel II chú trọng vào việc yêu cầu các ngân hàng phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu về vốn và áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro tương ứng.
Theo đó, việc triển khai Basel II theo phương pháp xếp hạng nội bộ sẽ giúp các ngân hàng có thể áp dụng điều kiện vốn tối thiểu thấp hơn so với quy định hiện nay và nâng cao năng lực quản trị rủi ro. Tại Việt Nam, để áp dụng thành công chuẩn Basel II, các ngân hàng cần giải quyết những vấn đề liên quan đến chi phí (tư vấn, đầu tư công nghệ…), nhân sự chuyên môn, dữ liệu lịch sử giao dịch…
Trong Dự thảo Đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng theo phân công của Chính phủ, các mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu ngành ngân hàng như cắt giảm nợ xấu, giảm số lượng ngân hàng yếu kém và đảm bảo 70% số ngân hàng thương mại thực hiện đầy đủ Basel II vào năm 2020… đã được đưa ra. Vì vậy, có thể nói rằng, Basel II là một phương thức tất yếu giúp các ngân hàng quản lý rủi ro tốt hơn, đồng thời, về lâu dài, sẽ đem lại nhiều giá trị hơn cho cổ đông.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng cho rằng, việc áp dụng các quy chuẩn quốc tế đối với hoạt động ngân hàng là rất cần thiết. Kinh doanh ngân hàng là kinh doanh rủi ro và dựa vào niềm tin. Do đó, việc quản trị rủi ro có ý nghĩa sống còn trong hoạt động ngân hàng, bởi nó hạn chế khả năng đổ vỡ, từ đó tạo dựng niềm tin của người gửi tiền.
“Nhìn ra khu vực và thế giới, họ đã áp dụng Basel II hoặc Basel III, trong khi các ngân hàng Việt mới áp dụng Basel I. Vì vậy, áp dụng tiêu chuẩn Basel II là xu thế tất yếu khi Việt Nam đang trên con đường hội nhập. Áp dụng thành công Basel II sẽ giúp các ngân hàng Việt không chỉ dễ dàng thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài, mà sẽ tự mình mở rộng địa bàn kinh doanh ra thế giới”, TS. Hiếu nói.
Tuy nhiên, cái khó nhất đối với ngân hàng Việt trong quá trình tiến tới chuẩn Basel IIhiện nay, theo đánh giá của TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa tài chính-ngân hàng Trường Đại học Mở TP.HCM, vẫn là việc nâng cao tiềm lực vốn, nhất là với ngân hàng nhỏ. Bởi thực tế, không ít ngân hàng đã nhiều năm không tăng được vốn.