Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính). |
Theo báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 sẽ được trình Quốc hội tại Phiên khai mạc Kỳ họp Quốc hội thứ 8 (ngày 21/10/2019) thì tiến độ CPH, thoái vốn là “điểm mờ” trong năm 2019. Ông có cho rằng, nhận định này có cơ sở?
Trong 9 tháng của năm 2019, chỉ có đúng 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị 780 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 670 tỷ đồng. Cũng trong 9 tháng, có 12/62 doanh nghiệp thuộc Quyết định 1232/QĐ-TTg (ngày 17/8/2017) về việc phê duyệt “Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020” thực hiện thoái vốn với giá trị 783 tỷ đồng, thu về 1.700 tỷ đồng.
Ngoài ra, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước ngoài Danh mục theo Quyết định 1232/QĐ-TTg thoái vốn với tổng giá trị 2.432 tỷ đồng, thu về 4.653 tỷ đồng.
Năm 2017 và năm 2018 không hoàn thành tiến độ CPH theo Công văn 991/TTg-ĐMDN (ngày 10/7/2017) về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành CPH theo từng năm giai đoạn 2017 - 2020 và thoái vốn theo Quyết định 1232/QĐ-TTg, nên công việc dồn áp lực sang năm 2019 và 2020. Nhưng năm 2019 chắc chắn không hoàn thành được tiến độ cả CPH lẫn thoái vốn, thậm chí tiến trình này còn có xu hướng chậm lại, có những tháng không phê duyệt được phương án CPH doanh nghiệp nào. Vì vậy, nhận định CPH và thoái vốn là “điểm mờ” trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 là hoàn toàn đúng.
Về chất lượng CPH, thoái vốn thì sao, thưa ông?
Trong 9 tháng của năm nay, các doanh nghiệp thuộc Quyết định 1232/QĐ-TTg thoái 783 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về 1.700 tỷ đồng, tức là bán một đồng vốn thu về hơn 2,17 đồng. Các doanh nghiệp nằm ngoài Quyết định 1232/QĐ-TTg thoái 2.432 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về 4.653 tỷ đồng, tức là bán một đồng vốn thu được hơn 1,91 đồng. Việc thoái vốn được thực hiện theo đúng cơ chế thị trường, tiến hành đấu giá công khai, minh bạch, cung cấp thông tin về doanh nghiệp đầy đủ, kịp thời cho nhà đầu tư nên nhiều vụ đấu giá cổ phần rất thành công, tránh thất thoát vốn, tài sản nhà nước.
Tất cả doanh nghiệp được phê duyệt phương án CPH và tiến hành CPH đều thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, những vấn đề liên quan đến sử dụng đất đai, xác định giá trị doanh nghiệp đều được thuê tư vấn thẩm định giá để xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, nên không để xảy ra tình trạng thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình chuyển đổi sở hữu.
Vì vậy, có thể nói, về mặt số lượng, thì năm 2019 không hoàn thành mục tiêu, nhưng về chất lượng thì CPH, thoái vốn đã bảo đảm đúng yêu cầu.
Với tình hình CPH, thoái vốn hiện nay, có thể khẳng định không thể hoàn thành được kế hoạch đã đặt ra?
Nhìn lại tiến trình CPH, thoái vốn suốt từ năm 2017 đến nay, có thể khẳng định giai đoạn 2017 - 2020 không thể hoàn thành kế hoạch đã đặt ra, dù những tháng cuối năm 2019 và năm 2020, các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có nỗ lực, cố gắng hơn nữa.
Song, kế hoạch đã đặt ra bắt buộc các cơ quan hữu quan và người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải thực hiện. Đây không phải là mục tiêu phấn đấu, mà là mệnh lệnh, chỉ thị, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ.
Có một thực tế là việc đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sau khi CPH cũng không thực hiện nghiêm túc. Vì sao vậy, thưa ông?
Trước đây, Nghị định 59/2011/NĐ-CP về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần quy định, doanh nghiệp CPH có tình hình tài chính đáp ứng đủ điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật về chứng khoán phải xây dựng phương án, lộ trình niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán.
Quy định này có tính bắt buộc không cao, nên đến tháng 6/2019, vẫn còn tới 796 doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết.
Việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (với doanh nghiệp đủ điều kiện) là bắt buộc và trách nhiệm đã được quy định rõ ràng thuộc về đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cụ thể là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, chậm trễ trong thoái vốn, CPH, đăng ký, niêm yết cổ phiếu sau CPH, không chịu bàn giao doanh nghiệp về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, có nguyên nhân từ sự chưa chủ động, nghiêm túc, quyết liệt của một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; còn hiện tượng không dám làm, đùn đẩy trách nhiệm, viện dẫn vào khó khăn vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện. Nếu vẫn tiếp tục để xảy ra tình trạng này, người có trách nhiệm phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ.
Ủy ban Chứng khoán nhà nước đang rà soát doanh nghiệp đã CPH, có đủ điều kiện mà không niêm yết cổ phiếu, đăng ký giao dịch và công bố công khai danh tính doanh nghiệp kèm theo cơ quan đại diện chủ sở hữu. Đây là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xử lý người có trách nhiệm để xảy ra sự chậm trễ. Chỉ có xử lý nghiêm, triệt để thì mới chấm dứt được tình trạng hậu CPH không muốn đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.