Thời sự
Bất cập trong quy định về mã số, mã vạch: Khi lời hứa chậm thực hiện
Bảo Duy - 16/09/2020 09:24
7 doanh nghiệp Nhật Bản đã nhận được câu trả lời của Bộ Khoa học và Công nghệ liên quan đến quy định về mã số, mã vạch.

Câu trả lời của Bộ Khoa học và Công nghệ vừa gửi 7 doanh nghiệp Nhật Bản liên quan đến bất cập quy định về mã số, mã vạch và nhãn hàng hóa chứa nhiều tin tốt, khi các phương án đưa ra đều theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo đang nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 74/2018/NĐ-CP theo hướng không thực hiện thủ tục xác nhận sử dụng mã nước ngoài.

Nhưng cả doanh nghiệp có tên trong danh sách được gửi cũng như nhiều doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lại chưa thể vui mừng ngay, dù đã chờ đợi điều này suốt cả năm qua, sau rất nhiều văn bản gửi các bộ, ngành và gửi cả Thủ tướng Chính phủ.

Các doanh nghiệp nói một cách thận trọng rằng, chỉ có thể bình luận khi nhận được Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 74/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa) với những điều khoản cụ thể.

Thực ra, nếu theo những nội dung ghi trong văn bản trả lời, doanh nghiệp hoàn toàn có thể yên tâm. 

Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo đang nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 74/2018/NĐ-CP theo hướng không thực hiện thủ tục xác nhận sử dụng mã nước ngoài, thay vào đó, doanh nghiệp tự kê khai và chịu trách nhiệm.

Các kiến nghị về bỏ yêu cầu phải ghi nhãn bằng tiếng Việt với hàng xuất khẩu, sửa quy định phải ghi nội dung nhà nhập khẩu đối với hàng tiêu dùng nhập khẩu… đều được ghi nhận để nghiên cứu, xem xét, đánh giá tác động và trình phương án xử lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Vấn đề là, trong nhiều cuộc họp trước đó, khi doanh nghiệp đưa các kiến nghị trên, với nhiều cơ sở thực tiễn để chứng minh, các quy định đó không chỉ bất hợp lý, không có ý nghĩa quản lý nhà nước, mà còn gây tốn kém chi phí không đáng có cho doanh nghiệp, gây khó hiểu cho các đối tác nước ngoài, họ cũng đã nhận được những cam kết sẽ xem xét theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thậm chí, tháng 5/2020, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải chủ trì một cuộc họp riêng để xử lý vấn đề này, đã yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, sửa đổi quy định theo hình thức một nghị định sửa nhiều nghị định. Song cho đến giờ, mọi lời hứa vẫn đang là… lời hứa.

Thực ra, trong thời gian qua, cũng đã có một số quy định xử lý tình huống cho các doanh nghiệp, bớt đi những khó khăn do thủ tục không thể thực hiện được trong bối cảnh Covid-19, nhưng doanh nghiệp không thể an tâm. Vì cùng lúc, họ phát hiện một số động thái “cài cắm” quy định này vào những văn bản khác, để xử lý phát hiện của doanh nghiệp liên quan việc thiếu cơ sở pháp lý cho quy định về mã số, mã vạch nước ngoài. Cơ quan quản lý cho rằng, đây là một cách để đảm bảo doanh nghiệp dùng đúng mã số, mã vạch của đối tác, không làm nhái, làm giả…

Lòng tin của doanh nghiệp trước những cam kết sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp của nhiều cơ quan quản lý nhà nước càng bấp bênh, khiến khó khăn trong hoạt động kinh doanh càng trở nên nặng nề.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư gần đây về môi trường kinh doanh, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã nói, khi bắt đầu thiết kế các quy định liên quan hoạt động của doanh nghiệp, không thể nghĩ là để phòng ngừa doanh nghiệp, nghĩ doanh nghiệp sẽ gian lận để trục lợi. Mọi quy định chỉ thực sự vì doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi bắt đầu bằng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước với sự thuận lợi của doanh nghiệp.

Một cách sâu xa, đó là tư duy của nhà nước phục vụ, của công chức phục vụ… Khi mọi quy định, hành động được bắt đầu bằng lòng tin, thì mọi lời hứa, dù có thể đôi lúc chậm thực hiện, cũng không phải là vấn đề quá lớn. Điều quan trọng hơn, khi đó, ai cũng sẽ có trách nhiệm với lời hứa, hành động của mình, dù đó là doanh nghiệp hay công chức.

Tin liên quan
Tin khác