Chuyển động thị trường
Bất động sản khu Đông TP.HCM đón làn sóng mới
Tăng Triển - 02/06/2020 17:38
Bất động sản khu Đông TP.HCM, đặc biệt là với phân khúc nhà phố, căn hộ vẫn được khách hàng săn đón và có trường hợp giá tăng cao hơn so với trước khi có dịch Covid-19.

Làn sóng tăng giá mới

Vốn dĩ là tâm điểm của thị trường bất động sản TP.HCM trong suốt nhiều năm qua, thị trường bất động sản khu Đông gồm các quận Thủ Đức, quận 9 và quận 2 từ sau thời điểm hậu giãn cách xã hội đến nay bất ngờ chứng kiến sự sôi động và giá tại khá nhiều dự án rục rịch tăng.

Theo phân tích của giới chuyên môn, có nhiều nguyên nhân, trong đó thông tin thành lập thành phố phía Đông như một liều thuốc kích thích mới cho thị thị trường này.

Khảo sát thực tế trên thị trường thuộc phân khúc nhà phố, biệt thự tại các quận khu Đông, đặc biệt là với dòng sản phẩm có giá trị sử dụng thật, vị trí tốt, pháp lý hoàn thiện cho thấy, các dòng sản phẩm này được nhiều nhà đầu tư săn tìm, giá cũng tăng lên khá nhiều so với thời điểm cuối năm 2019.

Giá đất gần bến xe miền Đông mới và tuyến metro tăng mạnh thời gian qua. Ảnh: Lê Toàn

Chẳng hạn, tại nhà phố An Phú New City (quận 2) được công bố đợt 1 ra thị trường hồi cuối năm ngoái với mức giá khoảng 160 triệu đồng/m2 (trên 90% rổ hàng đã được tiêu thụ), hiện nay đã xuất hiện giao dịch chênh lệch trên thị trường thứ cấp. Nguồn tin chủ đầu tư dự án này cho biết, dự kiến sẽ tăng giá 5 - 10% trong đợt 2, nhưng sức hút trên thị trường với dự án này vẫn gia tăng.

Đây là dự án hiếm hoi tại Khu đô thị An Phú, quận 2 được mở bán thời điểm này. Dù giá khá cao, song theo giới phân tích, so sánh giá với mặt bằng xung quanh (đường Song Hành 300 - 340 triệu đồng/m2, đường Trần Não 320 - 380 triệu đồng/m2, đường Lương Định Của 280 - 320 triệu đồng/m2…), thì mức giá củ dự án An Phú New City vẫn hấp dẫn.

Tại quận 9, nhiều dự án cũng nhộn nhịp trở lại sau dịch Covid-19. Khu biệt thự và nhà vườn Ba Son - Đông Tăng Long Hưng Phúc đang đưa ra mức giá từ 45 triệu đồng/m2, mức giá được đánh giá khá mềm so với mặt bằng chung. Dự án liền kề đường Vành đai 3, kết nối thuận tiện qua 4 tuyến đường huyết mạch của quận 9 là Nguyễn Duy Trinh - Lã Xuân Oai - Liên Phường - Trường Lưu.

Bên cạnh đó, dự án Senturia Q9 Central Point, tọa lạc ngay Khu công nghệ cao quận 9 cũng là điểm thu hút sự quan tâm của khách hàng, trong bối cảnh TP.HCM đang tập trung xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông thành hạt nhân để dẫn đầu và thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố và khu vực phía Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngoài các dự án này, theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, nhà đất mặt tiền tại các khu vực như đường Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam…, những tuyến đường giáp với bến xe miền Đông mới và dự án Vinhome Grank Park cũng đang tiếp tục đà tăng giá. Cụ thể, mặt tiền đường Phước Thiện giao dịch cuối năm 2019 với giá 100 triệu đồng/m2, hiện đã tăng từ lên 110 - 120 triệu đồng/m2, giá đất mặt đường Hoàng Hữu Nam cũng tăng từ 10 - 15% so với cuối năm 2019…

Ngoài thị trường nhà phố, thị trường căn hộ tại khu Đông cũng đang tăng mạnh về nhu cầu lẫn giá cả. Hầu hết các dự án, đặc biệt là các dự án đã và đang xây dựng, pháp lý hoàn chỉnh, chủ đầu tư uy tín đều đã được tiêu thụ khá nhanh, trong đó nhiều dự án được giao dịch trên thị trường thứ cấp có mức giá tăng từ 30 - 50% so với cách đây một năm.

Đánh giá về đà tăng giá này, ông Phan Công Chánh, Chủ tịch HĐQT Phú Vinh Investment cho rằng, so với nhu cầu của thị trường, nguồn cung phân khúc nhà phố và biệt thự tại TP.HCM luôn luôn thiếu so với nhu cầu thực, vì quỹ đất ngày càng ít. Đối với các sản phẩm mới chất lượng và có mức giá hợp lý, thì thị trường vẫn đón nhận nhanh chóng.

Hạ tầng bứt phá, nguồn cung khan hiếm được xem là những nguyên nhân khiến cho bất động sản khu Đông đi ngược xu thế thị trường.

Theo báo cáo quý I/2020 của DKRA Vietnam, nguồn cung phân khúc nhà phố và biệt thự tại TP.HCM tiếp tục đà giảm so với quý trước đó. Toàn thị trường có 8 dự án đáng chú ý được mở bán, cung ứng khoảng 718 căn, giảm 9% so với quý trước. Tỷ lệ tiêu thụ trong quý đạt 50% nguồn cung mới (khoảng 359 căn), tăng nhẹ so với quý trước và tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ tập trung chủ yếu vào những dự án mới mở bán trong tháng 1 và tháng 2/2020, với mức giá khoảng 15 tỷ đồng/căn có vị trí đẹp và tiến độ xây dựng tích cực.

Đón lõng xu thế

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong khi thị trường bất động sản đang trầm lắng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì khu Đông vẫn có sức hút với nhà đầu tư và người mua nhà nhờ vào nhiều yếu tố cộng hưởng.

Việc Thủ tướng Chính phủ ủng hộ TP.HCM sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông, là thông tin được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình hình thành “thành phố phía Đông”. Đây là khu vực chỉ chiếm khoảng 10% diện tích và dân số, nhưng được Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dự báo sẽ đóng góp đến 30% GRDP của toàn Thành phố. Khu vực này cũng sẽ là động lực phát triển của Thành phố trong 5 - 10 năm tới.

Khu đô thị sáng tạo phía Đông dựa trên các trụ cột có sẵn là Khu công nghệ cao quận 9, Đại học Quốc gia TP.HCM (quận Thủ Đức) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).

Trong đó, Khu công nghệ cao là nơi tạo sức lan tỏa, góp phần phát triển công nghiệp hỗ trợ và phát huy năng lực nội sinh về khoa học và công nghệ cho các ngành sản xuất, khu công nghiệp của Thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty Nhịp cầu địa ốc đánh giá, đại dịch Covid-19 dù đã ảnh hưởng không nhỏ đối với kinh tế, nhưng cũng mang lại cơ hội cho Việt Nam, quốc gia được đánh giá chống dịch tốt nhất thế giới.

Hiện nhiều nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản đang có xu hướng giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam được xem là nước có nhiều cơ hội để đón đầu xu hướng dịch chuyển này. Đây cũng là yếu tố lạc quan cho triển vọng phục hồi kinh tế nói chung và nhu cầu nhà ở nói riêng.

Mặt khác, theo ông Hưng, động thái giảm một loạt lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước mới đây sẽ tác động tích cực đến thị trường. Lãi suất tiết kiệm ngắn hạn tối đa xuống chỉ còn 4,75%/năm, sẽ kích thích việc rút tiền gửi để mua bất động sản.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nơi nào có hạ tầng phát triển mạnh mẽ sẽ kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của giá trị thị trường bất động sản. Ngoài hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu đã tạo cho khu Đông có sức hút đặc biệt trong thời gian qua, hiện có hàng loạt công trình giao thông trọng điểm khác đang lên kế hoạch thực hiện như cầu từ Thủ Đức nối với bán đảo Thanh Đa của quận Bình Thạnh, đường Vành đai 2, Vành đai 3 liên kết toàn vùng. Hay cầu Cát Lái nối quận 2 và huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), một cây cầu khác tại quận 9 nối với Đồng Nai cũng đã có trong kế hoạch…

“Những gì đang diễn ra cho thấy một viễn cảnh phát triển mạnh mẽ của khu Đông, trong đó yếu tố cửa ngõ, kết nối liên vùng đã tạo cho khu vực này một vị thế đặc biệt”, ông Châu nói và cho rằng, nếu Thành phố phía Đông được thành lập, nhu cầu về nhà ở khu Đông sẽ còn tăng mạnh, nhu cầu cho thuê cũng sẽ tăng đột biến do quy tụ lượng chuyên gia lớn.

Dù nhận định có nhiều cơ hội, song ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa cũng lưu ý, thời điểm này không dành cho đầu tư ngắn hạn, lướt sóng. Nhà đầu tư cần xác định đây là khoản đầu tư tương đối dài hạn, từ 2 - 3 năm, chứ không thể rút khỏi thị trường trong ngắn hạn như trước đây.

Mặt khác, ông Quang cũng lưu ý, với nhà đầu tư có vốn mỏng không nên mạo hiểm trong lúc này. Nếu dùng đòn bẩy tài chính thì cũng không nên quá 50% so với số vốn tự có.

Tin liên quan
Tin khác