Mô hình khu công nghiệp - đô thị và dịch vụ đang góp phần đáng kể vào tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa tại nhiều địa phương |
Nhộn nhịp dự án mới
Trong vài năm trở lại đây, miền Trung hút mạnh dòng tiền đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN). Cuối tháng 4/2022, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao Quyết định chủ trương đầu tư thành lập KCN Quảng Trị. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, quy mô gần 500 ha, được kỳ vọng sẽ tạo cực tăng trưởng mới cho Quảng Trị.
Ông Huỳnh Quang Hải, Phó chủ tịch VSIP, đơn vị liên doanh với Công ty cổ phần Đô thị Amata Biên Hòa và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư Dự án khẳng định, Quảng Trị là điểm đến hấp dẫn, cạnh tranh về chi phí sản xuất, chi phí lao động và có quỹ đất lớn để hình thành các KCN trọng điểm. Vì vậy, Liên doanh các nhà đầu tư quyết tâm thực hiện Dự án KCN Quảng Trị; giai đoạn I sẽ triển khai trên phạm vi 100 ha, vốn đầu tư 504 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Võ Văn Hưng, Dự án được thực hiện nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị như một trung tâm kinh tế trong tương lai dọc Hành lang kinh tế Đông - Tây nối Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar.
“Khi hoàn thành đưa vào hoạt động, Dự án trở thành điểm sáng, tạo thêm cực tăng trưởng kinh tế, kích hoạt thị trường bất động sản công nghiệp, tạo nền tảng cơ bản và động lực quan trọng để thu hút đầu tư không chỉ vào KCN Quảng Trị, mà cả Khu kinh tế Đông Nam, tạo nên sức hấp dẫn thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn đến với Quảng Trị trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tin tưởng.
Nhận thấy tiềm năng ở miền Trung, VSIP đang tăng tốc phát triển các KCN mới tại khu vực này. Từ cứ địa đầu tiên ở Quảng Ngãi, VSIP đã mở rộng đầu tư tại Bình Định, Quảng Trị.
Tại Bình Định, giai đoạn I Dự án KCN Becamex VSIP Bình Định được triển khai trên diện tích 1.425 ha, trong đó có 1.000 ha đất quy hoạch dành cho KCN và 425 ha đất dành để đầu tư xây dựng khu dân cư, thương mại dịch vụ và khu tái định cư… Hiện có trên 181 ha trong KCN đảm bảo mặt bằng sạch với đầy đủ hạ tầng thiết yếu và đã có 3 doanh nghiệp đăng ký đầu tư dự án tại KCN này.
Vừa qua, Tập đoàn Kurz (CHLB Đức) đã khởi công Nhà máy Kurz Việt Nam tại KCN, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 905 tỷ đồng (40 triệu USD). Đây là dự án đầu tiên của Tập đoàn Kurz đầu tư tại Việt Nam và cũng là dự án công nghiệp đầu tiên triển khai tại KCN, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định.
Cùng thuộc “hệ sinh thái VSIP”, KCN VSIP Quảng Ngãi đã thu hút được 32 nhà đầu tư (tính đến đầu tháng 5/2022), trong đó có 27 doanh nghiệp FDI đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Theo Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI tại KCN VSIP Quảng Ngãi chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; năm 2020 và năm 2021 chiếm hơn 50%. Trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Quảng Ngãi tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021.
Chứng minh hiệu quả, VSIP tiếp tục đề xuất quy hoạch KCN VSIP II - Quảng Ngãi với tổng quy mô nghiên cứu khoảng 3.110 ha, trong đó, đất khu đô thị khoảng 360 ha, KCN 2.000 ha và khu vực hiện trạng 750 ha.
Rất nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới chuyên đầu tư KCN cũng “để mắt” đến khu vực miền Trung, khi liên tục đề xuất và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các địa phương này. Mới đây, Công ty BES Engineering Corporation (Đài Loan, Trung Quốc) đã trực tiếp đến làm việc với Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng để xúc tiến hợp tác, đầu tư vào Đà Nẵng. Đây là doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng KCN, trực thuộc Core Pacific, tập đoàn bất động sản lớn ở Đài Loan.
Trong khi đó tại tỉnh Quảng Nam, Tập đoàn WHA (Thái Lan) tham vọng mở rộng sự hiện diện tại miền Trung khi đề xuất dự án KCN dọc Quốc lộ 14E. Tập đoàn này đã triển khai xây dựng KCN WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An (huyện Nghi Lộc) với quy mô hơn 3.200 ha, tổng mức đầu tư khoảng 22.000 tỷ đồng.
Các KCN VSIP được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, thu hút nhiều dự án trong và ngoài nước. Trong ảnh: KCN VSIP Quảng Ngãi |
Dư địa lớn
Ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Công ty cổ phần Long Hậu - Chi nhánh Đà Nẵng nhận định, do những khó khăn về địa hình, khí hậu, kết nối hạ tầng, nên bất động sản công nghiệp miền Trung phát triển chưa bằng hai đầu đất nước. Nhưng những năm gần đây, miền Trung dần nhận được sự quan tâm hơn của nhà đầu tư trong phân khúc này. Bên cạnh đó, một loạt hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết có hiệu lực đã làm gia tăng nhu cầu đất công nghiệp. Dư địa rất lớn, nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài chọn miền Trung để mở rộng sản xuất.
“Với sự gia tăng nhanh chóng về giá thuê đất tại các khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam và phía Bắc, khu vực miền Trung sẽ được các nhà đầu tư quan tâm hơn trong việc lựa chọn địa điểm mở nhà máy. Giá cho thuê đất còn ở mức hợp lý là điểm mạnh của các KCN miền Trung”, ông Hiếu phân tích.
Số liệu tổng hợp cho thấy, miền Trung có khoảng 260 dự án KCN được đưa vào quy hoạch với tổng quy mô lên đến 62.800 ha.
- Ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Công ty cổ phần Long Hậu - Chi nhánh Đà Nẵng
Dẫu vậy, ông Bùi Lê Anh Hiếu chỉ ra rằng, khu vực miền Trung chưa thu hút được những dự án, nhà máy mang tính động lực, do hạ tầng giao thông kết nối các KCN còn hạn chế. Nếu giải quyết được bài toán về kết nối hạ tầng, thì bất động sản công nghiệp miền Trung chắc chắn sẽ phát triển mạnh.
Xác định công nghiệp là mũi nhọn phát triển, các địa phương miền Trung đã và đang tập trung đầu tư hạ tầng logistics và “chạy đua” phát triển các KCN mới.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng chia sẻ, thương mại chiếm tỷ trọng lớn (gần 65%) trong cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng, Covid-19 đã khiến kinh tế của Thành phố bị ảnh hưởng nặng nề. Thế nên, Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, ít ảnh hưởng tới môi trường.
“Tiếp trục phát triển các KCN, cụm công nghiệp (CCN) là chủ trương đúng, cần quyết liệt thực hiện trong giai đoạn hiện nay”, ông Triết khẳng định.
TP. Đà Nẵng hiện có 6 KCN tập trung, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 86,35%, nhiều KCN đã lấp đầy 100%. Diện tích còn lại có thể cung cấp cho các nhà đầu tư chỉ còn hơn 106 ha, rất ít so với nhu cầu. Lũy kế đến nay, các KCN tại Đà Nẵng đã thu hút 507 dự án, bao gồm 378 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư trên 28.000 tỷ đồng; 129 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 1.800 triệu USD.
Trước thực trạng này, TP. Đà Nẵng đang xây dựng thêm 3 KCN mới là KCN Hòa Ninh, KCN Hòa Nhơn và KCN Hòa Cầm - giai đoạn II với tổng vốn dự kiến hơn 10.000 tỷ đồng.
Trong đó, KCN Hòa Nhơn dự kiến triển khai trong giai đoạn 2023 - 2025. KCN Hòa Cầm - giai đoạn II đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự kiến, giữa tháng 11/2022, Đà Nẵng sẽ lựa chọn được nhà đầu tư, sau đó triển khai các thủ tục giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng. Đối với KCN Hòa Ninh, Đà Nẵng đang trình hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự kiến, quý III/2022, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư và đến đầu năm 2023, Thành phố sẽ lựa chọn được nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đang triển khai 3 CCN, gồm CCN Cẩm Lệ (hơn 29 ha), CCN Hòa Nhơn (24,7 ha), CCN Hòa Khánh Nam (hơn 13 ha).
Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam có 14 KCN với tổng diện tích gần 3.677 ha. Các KCN này đã trở thành động lực tăng trưởng của Quảng Nam khi thu hút hơn 225 dự án đầu tư, trong đó có 151 dự án đầu tư trong nước và 74 dự án FDI, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 74.446 tỷ đồng. Đến nay, quỹ đất quy hoạch phát triển KCN của Quảng Nam gần như đã được sử dụng hết. Vì vậy, Quảng Nam đang đẩy nhanh tiến độ các dự án KCN, CCN, trong đó có KCN Tam Thăng mở rộng với tổng diện tích 242 ha…
Dòng vốn đầu tư dịch chuyển, nhu cầu bất động sản tăng cao và giá đất còn phù hợp, thị trường bất động sản công nghiệp tại miền Trung đã và đang đứng trước những nấc thang phát triển mới.