Mật độ dân cư quá cao khiến các tuyến đường như Lĩnh Nam, Tam Trinh bị xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Trang Ninh |
Tuy nhiên, trong khi dân số gia tăng nhanh, thì hạ tầng giao thông khu vực này lại phát triển không tương xứng, khiến tình trạng ùn tắc xảy ra như “cơm bữa”.
Theo CBRE, trên thị trường bất động sản Hà Nội, lượng mở bán mới trong quý III/2015 từ khu vực phía Nam (quận Hai Bà Trưng, quận Hoàng Mai) chiếm khoảng 48% tổng lượng mở bán mới. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm, dù là khu vực này có tốc độ đô thị hóa rất mạnh, nhưng hạ tầng giao thông lại đáng báo động.
Theo thống kê, hiện có tới khoảng 100 dự án đầu tư xây dựng cơ bản được triển khai trên địa bàn quận Hoàng Mai, nhưng tiến độ rất chậm, thậm chí có dự án đã “treo” gần 10 năm nay.
Điển hình nhất là đường Tam Trinh và Lĩnh Nam - 2 tuyến đường được coi là huyết mạch của quận Hoàng Mai. Trong đó, dự án xây dựng đường Tam Trinh có tổng mức đầu tư khoảng 2.066 tỷ đồng, dài hơn 3 km, chia làm 2 đoạn, từ Mai Động đến Trạm xử lý nước thải Yên Sở, khoảng 2 km, mặt cắt rộng 40 m và đoạn từ Trạm xử lý nước thải Yên Sở đến đường Vành đai 3, dài khoảng 1,3 km, mặt cắt 55 m.
Còn đường Lĩnh Nam có tổng mức đầu tư khoảng 893,7 tỷ đồng, dài 3,6 km và cũng gồm 2 đoạn. Đoạn 1, từ phố Nguyễn Tam Trinh đến phố Vĩnh Hưng, dài khoảng 1,6 km mặt cắt 22,5m; đoạn 2, từ phố Vĩnh Hưng đến đê Lĩnh Nam, khoảng 2 km, mặt cắt 40 m.
Mặc dù vậy, cho tới thời điểm này, khi khá nhiều dự án bất động sản đã được đưa vào sử dụng, làm cho mật độ dân số khu vực này tăng mạnh trong thời gian qua, nhưng các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng này vẫn án binh bất động. Điều này dẫn tới một hệ quả là tắc nghẽn giao thông ngày càng gia tăng tại các trục đường chính, đặc biệt là đường Lĩnh Nam.
Tình trạng tắc nghẽn giao thông dọc tuyến đường này liên tục xảy ra, đặc biệt vào các cung giờ cao điểm, phải 2 - 3 tiếng đồng hồ, các phương tiện mới có thể di chuyển được. Theo phản ánh của người dân, do cung đường hẹp, các phương tiện tránh nhau phải vượt lên cả vỉa hè, gây rối loạn, thậm chí nhiều hộ kinh doanh phải cùng cảnh sát giao thông chặn xe để yêu cầu các phương tiện đi đúng làn đường, tránh gây ùn tắc thêm.
Ghi nhận của phóng viên Đầu tư Bất động sản tại tuyến đường trên cho thấy, bên cạnh tình trạng mật độ giao thông đáng báo động, mặt đường Lĩnh Nam hiện tại cũng xuống cấp khá nghiêm trọng. Kể cả vào những ngày khô ráo, mặt đường cũng lầy lội, trơn trượt, rất dễ gây tai nạn cho người tham gia giao thông. Chưa kể, khu vực này có nhiều trường học, khiến cho tình trạng ùn tắc càng trở nên trầm trọng hơn trong giờ tan tầm.
PGS-TS. Trịnh Quốc Thắng, nguyên Trưởng bộ môn Công nghệ và quản lý xây dựng, Trường đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ phải gắn liền với phát triển đô thị hóa. Việc hạ tầng kỹ thuật không theo kịp tốc độ phát triển nhà ở, dẫn tới không đồng bộ về quy hoạch phát triển, kéo theo cả sự tụt lùi về mặt bằng hạ tầng xã hội.
Hệ lụy đầu tiên mà cộng đồng phải gánh chịu là sự ùn tắc giao thông, thiếu nước sạch cho sinh hoạt, thiếu trường học, thiếu chợ, thiếu cây xanh và còn thiếu rất nhiều thứ cho sự phát triển ổn định của một đô thị hiện đại. Tuy nhiên, điều này lại đang xảy ra tại khu vực phía Nam Hà Nội - nơi các dự án nhà ở thi nhau mọc lên, nhưng chủ đầu tư chẳng quan tâm đến chất lượng sinh sống của người mua nhà sau khi đã bàn giao.
Điều đáng buồn hơn là kể cả khu đô thị kiểu mẫu, từng đạt giải nhất về quy hoạch của Bộ Xây dựng như Khu đô thị Linh Đàm cũng đang bị phá vỡ do sự xuất hiện của hàng loạt dự án vi phạm về quy hoạch kiến trúc trong khu vực.
Đường xuống cấp, mật độ giao thông cao, tình trạng tắc đường liên tục diễn ra trong một thời gian dài, nên mong muốn của người dân nơi đây là UBND Thành phố đốc thúc sớm triển khai dự án hạ tầng, để người dân bớt khổ.