. |
Đầu tư suy giảm
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương chịu tác động mạnh nhất, khi giá trị đầu tư bất động sản giảm 45% so với cùng kỳ năm 2019, nguyên nhân bởi đây là khu vực đầu tiên bùng phát đại dịch và đã phần nào phản ánh rõ ràng vào thị trường, theo báo cáo của Savills Plc. Hoạt động đầu tư giảm 36% tại Mỹ, 19% tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
“Hoạt động đầu tư được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp hơn nhiều so với trước khi đại dịch diễn ra cho tới cuối năm 2020, bởi nhà đầu tư chờ đợi những thông tin rõ ràng hơn”, Simon Hope, người đứng đầu thị trường vốn toàn cầu của Savills nói và cho biết thêm, dù vậy, một số lĩnh vực được kỳ vọng sẽ có màn biểu diễn vượt trội hơn, bởi giới đầu tư luôn có nhu cầu tìm tài sản sinh lời hoặc phòng hộ rủi ro. Các phân khúc có thể kể tới như bất động sản logistics, bất động sản dân cư và công nghệ.
Nền kinh tế toàn cầu chịu tổn thương bởi đại dịch Covid-19. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm 4,9% trong năm nay. Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng IMF nhận định, những thiệt hại tích luỹ trong năm 2020 và 2021 đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức 12.500 tỷ USD.
Bối cảnh kinh tế hiện tại không tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản. Tuy nhiên, tốc độ suy giảm của hoạt động đầu tư bất động sản vẫn chưa nghiêm trọng như thời điểm bắt đầu khủng hoảng kinh tế nửa đầu năm 2008, khi hoạt động đầu tư giảm tới 49% và tiếp tục rơi cho tới giữa năm 2009.
Với việc ngành du lịch đã đóng băng hàng tháng vì các quy định giãn cách, hạn chế đi lại, đầu tư vào khách sạn là phân khúc lao dốc mạnh nhất khi giảm 59% trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng thứ hai là mức giảm 41% của bất động sản bán lẻ. Trong khi đó, phân khúc bất động sản công nghiệp và nhà ở khá hơn.
Một trong những điểm sáng của thị trường là mức tăng 105% của hoạt động đầu tư bất động sản dân cư tại châu Á, trong đó động lực chính tới từ thương vụ Blackstone Group mua hàng loạt căn hộ tại Nhật Bản từ Anbang Insurance Group với giá trị gần 3 tỷ USD.
Nỗ lực từ các chính phủ
Tại một số quốc gia, nhà quản lý đang bày tỏ mong muốn có thể thúc đẩy đà tăng trưởng đầu tư công với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế thoát khỏi cảnh suy thoái.
Trong đó, nổi bật nhất là quyết tâm của Thủ tướng Anh Boris Johnson khi tuyên bố sẽ tăng tốc đầu tư vào đường xá, trường học và bệnh viện với giá trị khoảng 5 tỷ bảng Anh (6,2 tỷ USD). Thực tế, Chính phủ Anh đã cam kết sẽ tăng tổng mức đầu tư công trong 5 năm tới thêm 100 tỷ bảng Anh, đạt tổng 600 tỷ bảng Anh.
Bên cạnh đó, chính quyền của ông Boris Johnson xác nhận kế hoạch chi tiêu 12 tỷ bảng Anh để hỗ trợ xây dựng khoảng 180.000 căn hộ với giá hợp lý trong 8 năm tới.
Trong khi đó, theo báo cáo của Swiss Re Group, hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng được xem là một trong những động lực chính để duy trì đà tăng trưởng tại khu vực thị trường mới nổi trước tác động từ đại dịch Covid-19. Các thị trường mới nổi sẽ đầu tư khoảng 2.200 tỷ USD vào cở sở hạ tầng trong 20 năm tới, tương đương 3,9% GDP toàn khu vực.
“Khởi động chi tiêu đầu tư cho cơ sở hạ tầng là một trong những cách nhanh chóng để kích hoạt các thành phần còn lại của nền kinh tế trong thế giới hậu đại dịch, tạo đà tăng trưởng cho thập kỷ kế tiếp. Đa phần các khoản chi đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu vực mới nổi sẽ nằm ở châu Á - khu vực được đánh giá là “động cơ” tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu”, Jerome Jean Haegeli, nhà kinh tế trưởng tại Swiss Re cho biết.