Gần 400 lô hàng chuối, xoài, thanh long, sầu riêng và mít… bị cảnh báo liên quan đến mã số vùng trồng và đóng gói. |
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có gần 7.000 mã số vùng trồng và gần 1.600 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp. Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nhiều nhất.
Tuy nhiên, tỷ lệ giám sát mã số sau khi cấp đối với vùng trồng là 40,8%; cơ sở đóng gói là 17%. Con số này quá thấp so với yêu cầu thực tế cần phải giám sát hàng năm.
Gần đây, Cục Bảo vệ thực vật liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu liên quan đến việc không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, bao gồm các sản phẩm chuối, xoài, sầu riêng, mít, thanh long, nhãn… xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và dư lượng hóa chất vượt quá quy định với sầu riêng, chôm chôm, ớt xuất khẩu sang Đức, Pháp, Tây Ban Nha hay ớt đông lạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc...
Các thông báo này cũng yêu cầu Việt Nam phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch thực vật và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trong nông sản của các lô hàng xuất khẩu…
8 tháng qua, đã có gần 400 lô hàng chuối, xoài, thanh long, sầu riêng và mít… bị cảnh báo liên quan đến mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói của một số địa phương.
Nguyên nhân là do chưa có sự chủ động trong xây dựng kế hoạch, quản lý giám sát mã số sau khi cấp, vẫn còn tình trạng sao chép hồ sơ, mượn mã số. Người sản xuất và doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu kỹ thuật.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu và đa dạng hàng hóa; hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu về mã số của các thị trường.
Bộ tiến hành đầu tư xây dựng và hoàn thành cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý vùng trồng, quản lý cơ sở đóng gói để kết nối với địa phương, các vùng trồng.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động tìm hiểu và tuân thủ các quy định kỹ thuật về mã số của nước nhập khẩu. Duy trì và cải tiến điều kiện sản xuất tại vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường…
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trước những thông báo vi phạm, nếu các ngành, các cấp không có biện pháp khắc phục hay tìm hiểu nguyên nhân và có các báo cáo kỹ thuật giải trình, các nước nhập khẩu có thể có động thái tạm dừng và sẽ dẫn tới việc cấm nhập khẩu nông sản nước ta.
Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo các địa phương ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp thông tin về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và truy xuất thuận tiện.
Hiện, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nhiều nhất rau quả từ Việt Nam, với mức chi nhập khẩu 7 tháng đạt 2 tỷ USD, tăng 128,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng cao góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng khả quan trong năm 2023, bởi trị giá xuất khẩu sang thị trường này chiếm 64,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả.
Nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về kiểm dịch, về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, có thể dẫn đến việc bị phía Trung Quốc và nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn, thậm chí tạm ngừng nhập khẩu một hoặc toàn bộ các mặt hàng nông sản từ Việt Nam.