Cuộc đua chiếm thị trường
Tháng 3 trong năm luôn được coi là tháng quyết định với nhiều doanh nghiệp địa ốc, đặc biệt là những đơn vị đang có dự án chuẩn bị ra mắt thị trường. Các doanh nghiệp phải thực hiện nhiều hình thức truyền thông dự án để tạo độ phủ và tiếp cận khách hàng bằng mọi cách.
“Trước đây, doanh nghiệp thường lấy sim điện thoại rác nhắn tin giới thiệu dự án cho khách hàng, nhưng trước chính sách quản lý sim rác của Bộ Thông tin và Truyền thông hiện nay, các doanh nghiệp phải tìm kênh truyền thông khác để giới thiệu tới khách hàng”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nói.
Cách tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp địa ốc, đặc biệt là doanh nghiệp lớn hiện nay khá bài bản. Đơn cử như CTCP Bất động sản Cát Tường - Đức Hòa, để tiếp cận khách hàng chuẩn bị cho đợt mở bán thứ 6, Dự án Cát Tường - Phú Sinh tại khu Tây Bắc TP.HCM, ngoài chạy truyền thông trên báo chí, băng zôn tại các tuyến đường trong khu vực, đơn vị này còn chạy trên các trang mạng xã hội như Face book, Zalo, Youtube… Đây được coi là phương thức tiếp cận khách hàng tốt nhất, thay cho việc nhắn tin quảng cáo trên điện thoại như trước.
Cuộc chiến giành thị phần còn trở nên căng thẳng trong những tháng đầu năm 2017, khi có rất nhiều dự án cùng phân khúc nhà ở tầm trung thông báo mở bán với giá 1,2 - 2 tỷ đồng.
Tổng giám đốc một công ty địa ốc lớn tại TP.HCM cho biết, để làm tốt công tác truyền thông, công ty ông phải nghiên cứu thị trường thật kỹ. Chẳng hạn, chuẩn bị mở bán dự án tại khu Đông, công ty ông phải nghiên cứu thị trường xem khu Đông có bao nhiêu dự án đang bán, tiến độ, giá cả những dự án này thế nào... Sau đó nghiên cứu chính sách bán hàng, tiếp cận khách hàng của các công ty, để rồi lên phương án truyền thông và tiếp cận khách hàng.
Truyền thông là khâu quan trọng và dự án có bán được hay không cũng nhờ vào khâu này. Đặc biệt, tháng 3 là thời điểm thị trường chính thức đi vào hoạt động, với việc các sàn mở bán trở lại, dự án mới cũng bắt đầu được các chủ đầu tư ra hàng, nên tính cạnh tranh của các doanh nghiệp địa ốc đang hết sức khốc liệt. Ngoài ra, việc siết chặt hoạt động quảng cáo của các cơ quan chức năng, như không được quảng cáo trên tin nhắn điện thoại, cột điện, bờ tường… cũng khiến cách doanh nghiệp địa ốc đau đầu tìm hướng tiếp cận khách hàng.
Thị trường bất động sản TP.HCM đã chính thức bước vào cuộc đua giành giật thị phần ngay trong những tháng đầu năm 2017. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Khách hàng được hay mất
Đánh giá điều này, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường sẽ ảnh hưởng tới người dân trên cả hai khía cạnh.
Điểm tích cực nhất mà người dân nhận được từ sự cạnh tranh lẫn nhau, dẫn đến giá giảm, kèm theo các chính sách bán hàng, chính sách hậu mãi và tín dụng đưa ra tốt cho khách hàng mua nhà. Đơn cử, tại khu Tây Bắc hiện có 2 tên tuổi lớn chiếm lĩnh là CTCP Bất động sản Trần Anh - Long An và CTCP Cát Tường - Đức Hòa. Cùng một phân khúc đất nền và nhà phố, cùng ra những dự án gần nhau, khiến hai công ty này phải thực hiện nhiều cách quảng bá sản phẩm của mình, tạo nên một cuộc cạnh tranh bằng giá, chiết khấu, hậu mãi… rầm rộ tại đây.
Một ví dụ khác, ở khu Đông, nơi đang được xem là tâm điểm của thị trường bất động sản TP.HCM, cũng đang trong cuộc đua gay cấn. Công ty Địa ốc HimLam Land, Hưng Thịnh, Nova Land, Thuduc House, Khang Điền, Đất Xanh, Kepple… đều thông báo mở bán dự án vào tháng 3 và tháng 4, khiến cuộc chiến truyền thông giành thị trường khu này diễn ra sôi động kèm theo đó những chính sách về giá, khuyến mãi... hấp dẫn được chủ đầu tư đưa ra để cạnh tranh.
“Tuy nhiên, khách hàng sẽ có những cái mất. Đó là chi phí truyền thông dự án mà chủ đầu tư đưa ra để khách hàng biết tới sẽ do chính khách hàng phải chịu. Bởi thường chủ đầu tư sẽ bỏ ra khoảng 1% giá trị căn hộ để làm truyền thông và số tiền này sẽ do khách hàng mua nhà trả trong giá trị căn nhà. Việc phí bảo trì chung cư chỉ là 2%, mà phí truyền thông là 1%, cho thấy cái mất của khách hàng là không nhỏ”, ông Châu nói.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc CTCP Bất động sản Asian Holding cho biết, những tháng đầu năm 2017, lượng giao dịch tại nhiều sàn bất động sản tại TP.HCM rất khả quan, bởi các chủ đầu tư làm tốt việc thuyền thông dự án. Dự kiến, chỉ một thời gian ngắn nữa, thị trường sẽ bắt đầu đi vào ổn định, vì các chính sách cụ thể và dự án được các chủ đầu tư đưa ra sẽ tạo nên một cuộc đua cả về giá, lẫn chính sách hậu mãi.