Hạ tầng “bung lụa”
Khu Tây Bắc được UBND TP.HCM quy hoạch là vùng trọng điểm trong Quy hoạch Vùng TP.HCM mở rộng, với chính sách giãn dân, xây dựng nơi đây thành khu đô thị lớn thứ 2 của Thành phố, là bàn đạp liên kết giữa TP.HCM với các tỉnh lân cận.
Chính vì vậy, Quy hoạch Vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 đã đặt mục tiêu xây dựng mạng lưới giao thông liên kết mới, phát triển các dự án đô thị như Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi…
Khu Tây Bắc TP.HCM đang là một phân khu có nhiều tiềm năng phát triển bất động sản nhất TP.HCM nhờ có lợi thế về hạ tầng giao thông và quỹ đất rộng lớn. |
Cũng từ đây, các dự án giao thông trọng điểm dần hình thành, như việc mở rộng Quốc lộ 1A tuyến nối khu Đông TP.HCM về miền Tây Nam Bộ xuyên qua khu Tây Bắc TP.HCM. Trên trục này, TP.HCM cũng xây dựng các cầu vượt qua các ngã tư trọng điểm tại ngã tư Lê Trọng Tấn - Quốc lộ 1A (khánh thành cuối năm 2017), ngã tư An Sương - Quốc lộ 1A và mới nhất là thông xe nhánh N1 của Dự án hầm chui An Sương.
Theo đó, nhánh N1 dài 445 m, trong đó, phần hầm kín dài 125 m, được khởi công từ ngày 19/1/2017. Sau khi thông xe, nhánh N1 tổ chức lưu thông 1 chiều cho xe ô tô hướng từ trung tâm Thành phố đi huyện Củ Chi. Dự án hầm chui An Sương có tổng mức đầu tư 514 tỷ đồng. Nhánh N2 (hướng huyện Củ Chi về trung tâm Thành phố) dài 385 m, phần hầm kín dài 125 m, dự kiến hoàn thành trong năm 2018.
Một dự án trọng điểm sẽ tạo bộ mặt mới cho khu vực này là Dự án Tuyến đường sắt trên cao Bến Thành - Tham Lương, được khởi công xây dựng năm 2010. Tuyến đường sắt trên cao này dài 11,322 km, với vốn đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng.
Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, Dự án đang trong quá trình đền bù giải tỏa để tiến hành xây dựng trong năm 2020.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, trong thời gian tới, TP.HCM sẽ phát triển thêm trục giao thông khu Tây Bắc TP.HCM để hoàn thiện theo bản quy hoạch xây dựng vùng điều chỉnh mà Thủ tướng Chính phủ ban hành mới đây.
Theo đó, Quốc lộ 22 nối khu Tây Bắc TP.HCM với các tỉnh Long An, Tây Ninh thành trục đường liên kết chính trong phát triển kinh tế vùng, nối thẳng tới Cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Ở hai bên trục đường này sẽ phát triển dịch vụ thương mại, vui chơi giải trí, giáo dục và đô thị vệ tinh lớn của TP.HCM.
Ngoài ra, các tuyến đường kết nối nội khu như Tân Kỳ Tân Quý, Trường Chinh, Tân Sơn Nhất… cũng sẽ được mở rộng.
Cơ hội cho thị trường bất động sản
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, khu Tây Bắc TP.HCM đang là một phân khu có nhiều tiềm năng phát triển bất động sản nhất của TP.HCM. Lợi thế lớn nhất của khu này là hạ tầng giao thông đang dần hoàn thiện, quỹ đất rộng lớn và quy hoạch phát triển của TP.HCM đang ưu tiên cho doanh nghiệp về đây đầu tư.
Còn ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin quy hoạch (Sở Quy hoạch - Kiến Trúc TP.HCM) cho biết, quy hoạch khu Tây Bắc TP.HCM đã rõ ràng và đang trong giai đoạn thực hiện quyết liệt. Trong đó, Khu đô thị Tây Bắc hình thành với mục tiêu tạo động lực phát triển nhanh khu vực; chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương sang dịch vụ đô thị, công nghiệp, sử dụng có hiệu quả hơn quỹ đất hiện hữu, góp phần cải thiện đời sống người dân qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế…
“Nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc TP.HCM và cách trung tâm Thành phố 30 km, khu vực này là giao điểm của các trục giao thông chiến lược, như hướng Bắc - Nam là đường xuyên Á (Quốc lộ 22) nối kết trung tâm TP.HCM - tỉnh Tây Ninh - Cửa khẩu Mộc Bài và Campuchia; hướng Đông - Tây là Tỉnh lộ 8 nối tỉnh Long An - TP.HCM - tỉnh Bình Dương”, ông Thụ nói.
Cũng theo ông Thụ, TP.HCM đã định hướng phát triển đô thị với trung tâm dịch vụ, trung tâm thương mại, trung tâm y tế, trung tâm văn hóa, trung tâm giáo dục - đào tạo, trung tâm giải trí, trung tâm thể thao… Đặc biệt, trong tương lai, Khu đô thị Tây Bắc sẽ là nơi thu hút dân cư, với khả năng tạo việc làm cao, là nơi có mức tăng trưởng kinh tế nhanh qua sự phát triển dịch vụ công cộng và công nghiệp.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, khu Tây Bắc đang là đầu mối thu hút nhiều doanh nghiệp ngành địa ốc vào phát triển. Các thương hiệu lớn đã có mặt và đang cho ra thị trường những dự án bất động sản mới, như chuỗi dự án chung cư 8X của Tập đoàn Hưng Thịnh, chuỗi khu đô thị rộng hàng chục héc-ta của Trần Anh Group, Cát Tường Group, nhà ở xã hội của Hoàng Quân…