Trong 3 năm tới, TP.HCM sẽ có thêm 500.000 m2 diện tích mặt bằng cho thuê |
Điều này đã được các chuyên gia dự báo từ trong năm 2016, khi có 17 nhãn hiệu quốc tế nổi tiếng mới vào thị trường TP.HCM, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2015. Đơn cử như Zara, với cửa hàng flagship đầu tiên tại TP.HCM. Sau đó là H&M và 7-eleven, rồi tới Vincom và Co.opMart, Aeon, Lotte, Ilahui Miniso… đã khiến phân khúc này sôi động hơn hẳn khi bước vào năm 2017, bởi chiến lược mở rộng thị trường do các đơn vị đặt ra.
Theo thông tin từ CBRE, trong Quý IV/2016, tại TP.HCM không có nguồn cung bất động sản cho thuê mới nào. Trong khi đó, năm 2016 đã có tới 110.000 doanh nghiệp được thành lập mới và các doanh nghiệp này bắt đầu tìm thuê văn phòng để kinh doanh. Chính vì thế, bước sang năm 2017, thị trường bất động sản cho thuê vốn khan hiếm nguồn cung mới, càng khan hiếm hơn.
Thành lập doanh nghiệp chuyên kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông sự kiện, anh Hoàng Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH M&T cho biết, từ tháng 12/2016, anh đã bắt đầu tìm kiếm mặt bằng để làm văn phòng, tuy nhiên tới nay vẫn chưa thể tìm thuê được mặt bằng vừa ý. Có một thực tế là, nếu thuê tại các trung tâm thương mại, thì diện tích quá rộng so với nhu cầu và giá cũng khá cao đối với khả năng chi trả của một công ty mới đi vào hoạt động, vốn không nhiều. Lựa chọn cuối cùng của anh Tuấn là tìm thuê tại những tòa nhà văn phòng nhỏ tại các quận vùng ven.
“Giá tại đây cũng không hề rẻ, 500.000 – 1.000.000 đồng/m2 tại các quận như Tân Bình, Bình Tân… nhưng những văn phòng này đều kín chỗ, đành phải chờ qua Tết, các doanh nghiệp trả văn phòng thì tôi mới chính thức thuê lại được”, anh Tuấn nói.
Một lý do nữa khiến thị trường này sôi động, khi trong năm 2016, Bộ Xây dựng đưa ra việc cấm các công ty đặt văn phòng tại các chung cư. Chính vì vậy, các công ty bắt đầu dịch chuyển văn phòng từ chung cư ra ngoài, khiến thị trường đạt được mức sôi động cao. Cũng từ đây, giá cho thuê văn phòng bắt đầu tăng.
Khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư cho thấy, giá cho thuê trung bình đầu năm 2017 là 40 USD/m2/tháng đối với hạng A và 25 USD/m2/tháng đối với hạng B. Tại khu vực ngoài trung tâm, giá cho thuê không thay đổi nhiều so với năm 2016, chỉ tăng 1,2% so với quý trước và 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Giá thuê cao nhất thuộc về những mặt bằng bán lẻ là nhà nguyên căn, mặt bằng tại các trục đường chính như Lê Văn Sỹ, Cách Mạng Tháng Tám… với giá thuê từ 1 đến 3 triệu/m2, nhưng vẫn không có diện tích thuê.
Thị trường cho thuê văn phòng, mặt bằng bán lẻ được đánh giá là sôi động nhất, bởi ngành dịch vụ của TP.HCM đang phát triển bạnh, trong khi nguồn cung về mặt bằng cho thuê thì hạn hẹp. Sự hạn hẹp này được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, do quỹ đất tại trung tâm TP.HCM dần thu hẹp, thêm nữa, từ trước tới nay, phân khúc này luôn bị bỏ trống và ít được các doanh nghiệp địa ốc nhắm tới. Điều này đã tạo ra cầu vượt cung và giá thành cho thuê cũng bị đẩy lên cao.
“Với tâm lý khởi đầu lại trong năm mới, doanh nghiệp và nhà đầu tư thị trường bán lẻ tiếp tục săn mặt bằng để kinh doanh. Chưa kể, việc kinh doanh lại chỉ được nhắm tới tại các quận trung tâm TP.HCM, càng tạo điều kiện để người có mặt bằng cho thuê tăng giá. Điều này ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp đã thuê mặt bằng trước đó, vì theo thị trường, hợp đồng thuê nhà thường được tăng từ 10% trở lên theo từng năm. Do đó, nếu không có giải pháp, phân khúc này sẽ dần bóp nghẹt ngành dịch của của TP.HCM”, ông Châu nói.
Bà Dương Thị Thùy Dung, đại diện CBRE cho biết, giá chào thuê trung bình dự kiến sẽ tăng trưởng đều với tỷ lệ tăng trưởng trung bình 1,5%. Giá chào thuê cho hạng B dự kiến sẽ ngày càng trở nên cạnh tranh, do nguồn cung cả hạng A, lẫn hạng B đều chuẩn bị gia tăng.