Đó là lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trong cuộc đối thoại với các doanh nhân do Báo Đầu tư tổ chức tháng 3 năm 2015. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: thiếu môi trường nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo, tình trạng tham nhũng, chất lượng tăng trưởng thấp và kém minh bạch, chính là những thách thức lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam.
Góp sức vì một nền kinh tế minh bạch
Khái niệm minh bạch lần đầu tiên xuất hiện trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vào năm 1998, khi Ủy ban Chứng khoán nhà nước xây dựng Nghị định số 48/1998/NĐ-CP về thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Hai năm sau, TTCK mở cửa hoạt động với 2 doanh nghiệp niêm yết và 6 công ty chứng khoán đầu tiên. Từ đây, trách nhiệm minh bạch bắt đầu được thực thi trong nền kinh tế, với việc các doanh nghiệp trên TTCK phải công bố 3 loại thông tin cơ bản: thông tin định kỳ (báo cáo tài chính quý, năm); thông tin bất thường (khi xảy ra những sự kiện bất thường tại doanh nghiệp) và thông tin theo yêu cầu (khi nhà quản lý yêu cầu công bố).
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư trao giải Báo cáo thường niên tốt nhất cho Top 30 doanh nghiệp năm 2015 |
Cùng đặt viên gạch đầu tiên xây dựng TTCK, năm 1999, Báo Đầu tư, Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính thức ra mắt ấn phẩm hoàn toàn mới – Báo Đầu tư Chứng khoán. Ra đời trước thời điểm TTCK mở cửa, Báo Đầu tư Chứng khoán mang sứ mệnh truyền tải kiến thức, kết nối thông tin, thúc đẩy sự hiểu biết của doanh nghiệp và công chúng về một định chế thị trường tài chính bậc cao, đồng thời khích lệ và giám sát sự minh bạch trên TTCK Việt Nam.
Sau những năm đầu đầy bỡ ngỡ, thăng trầm, TTCK bùng nổ vào năm 2007 từ hiệu ứng nền kinh tế Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Lượng doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên niêm yết, lượng doanh nhân góp vốn mở công ty chứng khoán tăng mạnh mẽ. Tại thời điểm này, TTCK Việt Nam có khoảng 300 doanh nghiệp niêm yết và gần 100 CTCK, thu hút hàng vạn nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sức nóng của thị trường lớn chưa từng có, cũng là lúc những người có trách nhiệm nhận ra rằng, có một khoảng hở rất lớn về chuẩn mực minh bạch, chuyên nghiệp trong hoạt động công bố thông tin trên TTCK. Trong môi trường thiếu sự minh bạch, thị trường càng tăng nóng, càng tiềm ẩn rủi ro mất vốn của hàng vạn người tham gia.
Ngay giữa thời điểm TTCK nóng bỏng nhất, giữa năm 2007, ý tưởng thực hiện một sự kiện thường niên, thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết thực thi sự minh bạch theo đúng quy chuẩn pháp lý và hướng tới quy chuẩn minh bạch của các nước trong khu vực, là chủ điểm được đưa ra bàn thảo bởi 3 tổ chức đặc biệt: Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (nơi khai sinh TTCK), Dragon Capital (quỹ đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam) và Báo Đầu tư Chứng khoán (tờ báo đầu tiên và duy nhất song hành cùng TTCK Việt Nam). Bằng sự hợp sức của 3 đơn vị tạo dựng, Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất đã chính thức ra đời vào năm 2008. Từ năm 2009 có thêm sự tham gia của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và sau đó là Tổ chức Tài chính quốc tế IFC, ACCA, Cuộc bình chọn sau 8 năm vận hành, đã trở thành một sự kiện lớn trên thị trường tài chính Việt Nam.
Theo sát các nấc thang quy chuẩn pháp lý, góp sức cùng Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn bước các doanh nghiệp đến với sự minh bạch, Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên đã và sẽ trao tặng cho các doanh nghiệp phần thưởng đặc biệt, đó là sự khích lệ, niềm tự hào đích thực khi các doanh nghiệp vượt qua được những quy chuẩn khắt khe, ghi tên mình vào tốp các doanh nghiệp minh bạch nhất nền kinh tế Việt Nam.
Nếu 15 năm trước, khái niệm minh bạch chưa được biết đến trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, thì nay, minh bạch trở thành tiêu chí hàng đầu khi đánh giá doanh nghiệp, đánh giá nền kinh tế. Dịp TTCK kỷ niệm 15 năm hoạt động vào tháng 7/2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dành thời gian tham dự. Chứng kiến một TTCK với quy mô trên 55 tỷ USD với 1,6 triệu nhà đầu tư, Thủ tướng khẳng định: “Việt Nam, không còn cách nào khác, phải hoàn thiện thể chế, thúc đẩy TTCK hoạt động minh bạch, tăng tính thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, có như vậy mới hoàn thiện được nền kinh tế thị trường”.
Với nỗ lực thúc đẩy sự minh bạch, từ 3 năm trở lại đây, Chính phủ đã và đang chỉ đạo mạnh mẽ Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành, công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, gắn các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đưa cổ phiếu lên sàn. Biểu hiện mới nhất là Chính phủ vừa ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/9/2015, theo đó quy định thời gian từ khi đấu giá doanh nghiệp nhà nước đến khi đưa cổ phiếu lên sàn tối đa chỉ có 90 ngày.
Hướng doanh nghiệp phát triển bền vững
Không chỉ doanh nghiệp đại chúng phải minh bạch, phải đưa cổ phiếu lên sàn, các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước cũng phải thực thi quy chuẩn minh bạch, công bố thông tin định kỳ. Chia sẻ với người viết, doanh nhân Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn cho rằng, sự minh bạch đã và đang thấm dần vào nền kinh tế. “Chỉ có sự minh bạch mới giúp các nguồn lực được nhận diện đúng, phân bổ đầu tư hiệu quả, khẳng định những giá trị thực trong nền kinh tế và giúp nền kinh tế vững mạnh”, ông nói.
15 năm tạo dựng TTCK, tạo dựng văn hóa minh bạch, so với chính mình, ý thức về trách nhiệm minh bạch của các doanh nghiệp, các chủ thể trong nền kinh tế tiến một bước rất dài, nhưng nhìn ra khu vực, Việt Nam vẫn đang ở thứ bậc rất thấp. Kết quả sơ khảo chấm Thẻ điểm Quản trị công ty năm 2015 khu vực ASEAN (sẽ công bố chính thức vào tháng 11/2015) cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đứng hàng “đội sổ”, sau các doanh nghiệp của Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines. Ba phần yếu nhất của doanh nghiệp Việt Nam là công bố thông tin minh bạch, trách nhiệm của hội đồng quản trị và vai trò của các bên liên quan.
Một điểm yếu kém khác đó là, khi doanh nghiệp trong khu vực và toàn cầu đã thực thi trách nhiệm phát triển bền vững, thì với các doanh nghiệp Việt Nam, đây vẫn là một khái niệm mới mẻ. Từ năm 2013, trong khuôn khổ cuộc bình chọn Báo cáo thường niên, Giải thưởng Báo cáo phát triển bền vững đã được Ban Tổ chức khởi động, với mục tiêu hướng các doanh nghiệp niêm yết quan tâm đến trách nhiệm này. Năm 2014, số doanh nghiệp có báo cáo phát triển bền vững là 70/700 doanh nghiệp niêm yết; năm 2015 là 121/700 doanh nghiệp niêm yết. Dù mới có rất ít doanh nghiệp biết và thực thi trách nhiệm phát triển bền vững, nhưng những doanh nghiệp nổi trội như FPT, Vinamilk, PVDrilling, Imexpharm... đã được Ban Tổ chức ghi nhận, vinh danh, trở thành những doanh nghiệp hạt nhân, điển hình thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng, quan tâm đến phát triển bền vững trên con đường kinh doanh.
“Cứ đi sẽ thành đường”, với sự quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ngành, nền kinh tế nước ta đang tiếp tục cải thiện sự minh bạch, tôn trọng giá trị thực và tăng sức hấp dẫn với các dòng vốn đầu tư.