Diễn đàn ngành nước Đức - Việt 2019 đang được tổ chức tại thành phố Hà Nội |
“Ngành nước Việt Nam là một thị trường thú vị cho các nhà đầu tư quốc tế”, ông Frank Pogade, Trưởng văn phòng đại diện Tillia GmbH tại Việt Nam nêu đánh giá dưới góc nhìn của một nhà đầu tư nước ngoài tại Diễn đàn ngành nước Đức - Việt đang được diễn ra trong 2 ngày 19 - 20/3. Theo nhà đầu tư này, trong khi các quỹ ODA đang giảm thì ngày càng nhiều nhà đầu tư tư nhân đến Việt Nam để lấp đầy khoảng trống.
Ông Frank Pogade cho rằng, phần lớn các dự án nước và vệ sinh quy mô lớn được tài trợ bởi các nhà đầu tư quốc tế, chính quyền và các tổ chức của Việt Nam đã chứng tỏ khả năng tiếp nhận và thực hiện các khoản vay và tài trợ. “Việc tư nhân hóa các công ty cấp nước và thoát nước đang diễn ra tốt đẹp, mở chỗ cho sự tham gia của tư nhân và các dòng ý tưởng mới”, vị đại diện này khẳng định.
Đơn cử, tại Hà Nội, dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống do CTCP Nước mặt sông Đuống (Aqua One) hợp tác với CHLB Đức xây dựng, sau gần 2 năm triển khai đã khánh thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng, đưa vào hoạt động với công suất 150.000 m3/ngày đêm. Hiện, dự án đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 nâng công suất lên 300.000 m3/ngày đêm vào tháng 10/2019.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, nhu cầu sử dụng nước sạch của Thủ đô là rất lớn, dự kiến đến năm 2020 là khoảng 2 triệu m3/ngđ; năm 2030 là khoảng 3 triệu m3/ngđ; năm 2050 là khoảng 3,5 triệu m3/ngđ. Mục tiêu về nước sạch của Thành phố đến năm 2020 là phấn đấu tỷ lệ người dân nông thôn có nước sạch là 100%. Để hoàn thành chỉ tiêu về nước sạch cho nhân dân Thủ đô, Thành phố đã kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án cấp nước theo hình thức xã hội hóa.
Đối với việc tiêu thoát nước khu vực đô thị, ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, hiện nay, hệ thống thoát nước thủ đô Hà Nội mới có lưu vực sông Tô Lịch có diện tích khoảng 77,5 km2 bao gồm toàn bộ khu vực trung tâm các quận như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và một phần các quận Tây Hồ, Thanh Xuân là đã được cải tạo đồng bộ, các khu vực còn lại chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ do đó vào mùa mưa thường xảy ra úng ngập khi mực nước sông Nhuệ, sông Cầu Bây dâng cao, hệ thống thoát nước không tự chảy được.
"Thành phố Hà Nội hiện đang rất mong muốn, khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có năng lực tài chính, kinh nghiệm tham gia triển khai các dự án thoát nước, xử lý nước thải, cải tạo môi trường Hà Nội, bằng những công nghệ, thiết bị mới nhất của khoa học, kỹ thuật", ông Hùng nhấn mạnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng, nhằm thu hút các dự án đầu tư phát triển hệ thống cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, thành phố Hà Nội tập trung hỗ trợ thủ tục đầu tư, đảm bảo thông thoáng, nhanh gọn như thành lập tổ công tác liên ngành thẩm định dự án, chỉ đạo các Sở ngành tạo điều kiện cho các Nhà đầu tư rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Thành phố Hà Nội khẳng định sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại; ưu đãi đầu tư đối với dự án đầu tư nước sạch tại các vùng sâu, vùng xa; giới thiệu ngân hàng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi từ ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư phát triển Thành phố.