Doanh nghiệp
Bauxite lỗ dài, Vinacomin vật nài xin ưu đãi
Phạm Huyền - 04/01/2014 11:18
Sau 2 lần bị Bộ Tài chính khước từ vụ giảm phí môi trường trong khai thác bauxite, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đã kêu lên Thủ tướng can thiệp giúp, nhất là trong bối cảnh 2 dự án bauxite sẽ lỗ 5-7 năm đầu.

Thành công với việc xin giảm thuế xuất khẩu than, trong năm 2013, Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tiếp tục xin nhiều ưu đãi thuế, phí, vay vốn cho 2 dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng và dự án sản xuất alumin Nhân Cơ- Đăk Nông.

Tính đến nay, Vinacomin đã được ưu đãi ít nhất 5 loại thuế như được miễn giảm tiền thuế đất, được miễn thuế nhập khẩu thiết bị, tạo tài sản cố định, được miễn thuế nhập khẩu cho linh kiện, vật tư nhập khẩu lắp đặt đồng bộ với thiết bị tại dự án alumin Lâm Đồng, miễn thuế nhập khẩu chất trợ lắng cho sản xuất trong 5 năm, giảm thuế nhập khẩu xút lỏng từ 20% xuống chỉ còn 3%, miễn thuế xuất khẩu alumin, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đồng thời, Vinacomin cũng đã được cấp bảo lãnh của Chính phủ trong việc vay vốn nước ngoài cho dự án alumin Lâm Đồng và đã được chấp thuận về mặt chủ trương cấp bảo lãnh Chính phủ trong vay vốn đối với dự án alumin Nhân Cơ.


Dự án alumin Nhân Cơ dự kiến lỗ 5-7 năm đầu (Ảnh: theo nangluongvietnam)

Tuy nhiên, theo một công văn trình lên Thủ tướng tuần trước, Tập đoàn này vẫn chưa “thỏa mãn”. Vinacomin vẫn đau đáu đề xuất giảm khoảng 10 lần phí môi trường cho khai thác bauxite chưa được toại nguyện.

Theo Tập đoàn này, Bộ Công Thương - cơ quan quản lý chuyên ngành - cũng đã đồng tình, ủng hộ đề xuất giảm phí môi trường trên. Hôm 27/11/2013, Bộ Công Thương đã gửi công văn sang Bộ Tài chính để “xin hộ” cho Vinacomin.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Tài chính cần trình Chính phủ giảm mức phí môi trường đối với khai thác bauxite từ mức 30.000- 50.000 đồng/tấn xuống mức 4.000 đồng/tấn. Mức này bằng 10% giá thành 1 tấn bauxite nguyên khai.

Lý do được Bộ này đưa ra là khai thác bauxit không hề độc hại như dư luận lầm tưởng. Sau 3-4 năm có thể hoàn thổ, đất trồng được cải thiện hơn để trả cho người dân. Quá trình khai thác quặng bauxite tương tự như khai thác đất trong việc san lấp, xây dựng công trình. Vì vậy, quy định mức phí môi trường cho khai thác bauxite theo Nghị định 74 của Chính phủ là từ 30.000- 50.000 đồng/m3 là quá cao, không hợp lý.

Theo so sánh của Bộ này, mức phí hiện hành gấp 25-30 lần mức phí môi trường trong khai thác đất để xây dựng, gần bằng giá thành khai thác một tấn bauxite nguyên khai. Trong khi đó, phí môi trường đối với khai thác than cũng chỉ bằng 1% giá thành than.

Bộ Công Thương khẳng định, tác động nhạy cảm tới môi trường mà dư luận quan tâm là bùn đỏ thuộc khâu chế biến bauxite. Khi xây dựng nhà máy, dự án đã phải đầu tư rất lớn cho việc xử lý bùn đỏ, cùng đó, còn có sự giám sát của các cơ quan chức năng.

Mặc dù có bảo lãnh của Bộ chuyên ngành, xong Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên quan điểm, có công văn ngay sau đó, hôm 10/12/2013, yêu cầu Vinacomin chấp hành đúng quy định hiện hành.

Đây cũng là lần thứ hai liên tiếp, Bộ Tài chính khước từ đề nghị xin giảm phí môi trường của Tập đoàn Vinacomin.

Không khuất phục, tuần cuối cùng của năm 2013, Vinacomin đã tiếp tục gửi công văn “kêu lên” Thủ tướng, giãi bày lại hành trình xin giảm thuế phí và đề nghị Thủ tướng có chỉ đạo các bộ giải quyết.

Vinacomin còn nhấn mạnh, hai dự án alumin Lâm Đồng và Nhân Cơ đều rất khó khăn về dòng tiền trong những năm đầu, do phải trả lãi vay đầu tư. Dự kiến, năm thứ 3, các nhà máy mới vận hành đạt công suất thiết kế. Do đó, doanh thu sẽ rất thấp. Theo tính toán, dự báo thời gian lỗ kế hoạch của 2 dự án này sẽ kéo dài 5-7 năm.

Vì vậy, Vinacomin đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, giảm phí môi trường khai thác bauxite xuống mức trần 4.000 đồng/tấn như Bộ Công Thương đề xuất, trong thời hạn 5-7 năm kể từ ngày dự án đi vào sản xuất.

Cũng trong văn bản trên, Vinacomin đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính cho phép ưu đãi miễn thuế nhập khẩu linh kiện, vật tư lắp đặt đồng bộ cho thiết bị ở dự án alumin Lâm Đồng mà không cần các bộ liên quan xác nhận.

Tin liên quan
Tin khác