Tại BV Mắt Trung ương (Hà Nội) đã bắt đầu xuất hiện bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ. Trung bình mỗi ngày có khoảng 100 bệnh nhân đến khám vì căn bệnh này.
BS Hoàng Cương (BV Mắt Trung ương) cho biết, trong ngày 5/5, trong số 50 bệnh nhân do chính bác sĩ khám đã có khoảng 10 ca bị đau mắt đỏ. 15 - 20 phòng khám khác trong bệnh viện cũng ghi nhận rải rác số ca đau mắc đỏ tương tự. Các bệnh nhân đến từ Hà Nội, Hưng Yên và một số tỉnh lân cận.
Bệnh đau mắt đỏ tuy là bệnh lành tính nhưng dễ lây lan, ảnh hưởng tới sinh hoạt, học tập của các gia đình |
Tuy là một bệnh lành tính do vi rút Adeno gây nên, chỉ cần vệ sinh mắt đúng cách bệnh sẽ lui sau 7 - 10 ngày nhưng đau mắt đỏ lại mang đến bao phiền toái cho cuộc sống của người bệnh.
Như trường hợp một bệnh nhi là học sinh tiểu học bị đau mắt đỏ đúng thời điểm sắp bước vào kỳ thi cuối cấp. Nếu không đến lớp thì lo con không nắm được bài, thi không đạt kết quả tốt, mà đến lớp lại lo lây cho các bạn. Cuối cùng nghe lời bác sĩ, phụ huynh này vẫn cho con ở nhà, buổi chiều hàng ngày đến trường lấy bài kiểm tra thử về cho con làm.
BS Cương đánh giá, đau mắt đỏ mới bước vào mùa nên số bệnh nhân còn rải rác, hiện dừng lại ở mức độ lây lan trong gia đình nhưng nếu cả nhà đau mắt, người này khỏi lại đến người kia... cũng gây tốn kém và gây nhiều phiền toái, ảnh hưởng công việc và học tập. Vì thế, ý thức phòng bệnh đau mắt đỏ không để lây lan cho người khác là rất quan trọng. Bởi nguy cơ lây dịch đau mắt đỏ rất cao.
Đáng sợ nhất là giai đoạn ủ bệnh, thời điểm lây truyền bệnh nhanh nhất. Khi mới nhiễm vi-rút, người bệnh không có triệu chứng nên không biết để phòng ngừa cho người khác. Vì thế thường xảy ra tình trạng cả nhà cùng đau mắt đỏ vì lây nhau. Nhiều trường hợp, người lớn khỏi rồi nên chủ quan khi chăm sóc con dẫn đến tái nhiễm.
Về cách phòng bệnh đau mắt đỏ, bác sĩ Cương khuyến cáo: “Người bệnh hãy rửa tay thường xuyên, vài lần một ngày bằng xà phòng xát trùng, nhất là sau khi làm vệ sinh mắt, nhỏ thuốc mắt; dùng riêng đồ dùng sinh hoạt cá nhân như khăn, chậu rửa mặt, bát ăn; ngủ riêng trong phòng thoáng; thay ga đệm thường xuyên...; Trong nhà nên đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc gần, trò chuyện, dùng chung đồ vật với người lành để phòng lây bệnh cho họ. Đồng thời cần điều trị bằng các thuốc tra nhỏ thông thườngtheo hướng dẫn của thầy thuốc, đau mắt đỏ sẽ lui giảm nhanh và khỏi trong vòng 2 tuần nêú không có biến chứng”.
Theo các bác sĩ viện Mắt, một tín hiệu đáng mừng là đa số người bệnh đến khám sớm, khi chưa bị biến chứng. Tuy nhiên các bác sĩ cũng lo ngại khi vào đỉnh dịch (thường ở tháng 7 - tháng 8) mọi người chủ quan tự chữa vì nhiều người bị đau mắt đỏ.
Mùa dịch mọi năm, không ít người vì tra đủ thứ thuốc không đúng chỉ định, đặc biệt là lạm dụng kháng sinh và corticoid khiến người bệnh bị biến chứng viêm kết mạc rất lâu khỏi. Viêm giác mạc khiến người bệnh bị khô mắt, tổn hại bề mặt giác mạc, gây khó chịu cho người bệnh và phải điều trị dài ngày. Ngoài ra cũng có nhiều trường hợp chữa đau mắt đỏ bằng xông lá trầu không khiến mi mắt bị phù nề, mắt chói cộm nhiều bởi bỏng giác mạc. Bệnh nhân khô mắt, khó chịu, kích thích, chảy nước mắt, làm cho quá trình điều trị lâu hơn.
“Đau mắt đỏ không có thuốc đặc trị, đại đa số trường hợp chỉ cần rửa mắt bằng nước muối sinh lý ngày 5-6 lần, giữ vệ sinh mắt tốt là sau 7 - 10 ngày khỏi bệnh mà không phải dùng kháng sinh. Vì thế, mọi người không nên sốt ruột khi điều trị đau mắt đỏ. Nhiều người 2 - 3 ngày rửa muối không khỏi vội vàng đi mua đủ thứ thuốc để tra mắt, có ngày tra 7 - 8 lần đủ thứ thuốc mà bệnh mãi không khỏi”, BS Cương cho biết.
Về cách rửa mắt, BS Cương hướng dẫn: bệnh nhân nên nằm nghiêng, rửa từng mắt một, nhỏ nước muối sinh lý liên tục để làm mềm dử mắt rồi dùng gạc tiệt trùng lau khô, sau đó tiếp tục nhỏ muối liên tục để rửa trôi, đẩy vi rút ra ngoài. Rồi có thể tra thêm kháng sinh phổ rộng phòng bội nhiễm nếu bác sĩ chỉ định.
“Nhưng cần lưu ý sau rửa mắt phải vệ sinh tay, bỏ gạc thấm nước rửa từ mắt vào thùng rác đúng quy định... để tránh lây lan”, BS Cương nói.