Ca tử vong số 95 là bệnh nhân 17901, nữ, 68 tuổi, địa chỉ ở huyện Bình Chánh, TP. HCM. Bệnh nhân nhập viện ngày 1/7, tử vong ngày 3/7 với chẩn đoán viêm phổi do nhiễm SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển, nghi ngờ nhồi máu cơ tim cấp hoặc thuyên tắc phổi.
Trong ngày Bộ Y tế đã công bố 7 bệnh nhân Covid-19 tử vong. |
Ca tử vong số 96 là bệnh nhân 16339, nữ 64 tuổi, địa chỉ huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường type 2, tăng huyết huyết áp, suy vỏ thượng thận.
Ca tử vong thứ 97 là bệnh nhân 20261, nam 64 tuổi, địa chỉ ở Sa Đéc, Đồng Tháp. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, là F1, trong quá trình cách ly bệnh nhân vẫn sốt, ho, khó thở, chuyển đến khu điều trị cách ly của Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, Đồng Tháp.
Trước đó, trưa ngày 6/7, Bộ Y tế công bố 4 ca tử vong, tính chung trong ngày đã ghi nhận 7 bệnh nhân Covid-19 tử vong.
Trước sự lây lan nhanh của dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, ngày 6/7, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Phú Yên.
Tại buổi làm việc, tỉnh Phú Yên cũng cho biết đang gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực thực hiện truy vết, lấy mẫu, đội ngũ y, bác sĩ chuyên khoa nhiễm, chuyên khoa xét nghiệm vi sinh; thiếu kinh nghiệm trong xử lý tình huống có dịch lây lan nhanh, mạnh trong cộng đồng, điều trị ca bệnh Covid-19 nặng và khó khăn trong xử lý rác thải y tế.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ trang thiết bị và chuyên gia điều trị bệnh nhân nặng cần can thiệp bằng hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO). Phú Yên hiện đã có bệnh nhân rất nặng, tỉnh đã chủ động tăng cường thêm 5 máy lọc máu liên tục. Lãnh đạo Phú Yên đề nghị được áp dụng hình thức cách ly tập trung F1 tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế…
Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, Phú Yên cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền người dân tuân thủ nguyên tắc 5K + vắc- xin trong phòng chống dịch. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Phú Yên cần làm tốt việc phát hiện sớm ca bệnh, kể cả ca nghi ngờ, thực hiện cách ly nhanh, ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay, qua kiểm tra thực tiễn công tác cách ly, phong toả tại khu vực có ca F0 trên địa bàn TP Tuy Hoà, đoàn công tác đánh giá cao địa phương đã thiết lập nhanh chóng các khu vực cách ly, phong toả.
Tuy nhiên Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý, khi phát hiện F0 cần thực hiện khoanh vùng thật rộng, nhưng sau khi xác định được các F1 thì thu gọn lại, phong tỏa trên diện hẹp. Đồng thời, phải tuyệt đối tuân thủ quy định phòng chống dịch, không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly, phong toả.
Về cách ly y tế, Phú Yên cần chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly đảm bảo năng lực cách ly từ 10.000 chỗ trở lên (tận dụng tối đa các cơ sở quân đội, trường học, thành lập ban quản lý trong khu cách ly, phân công trách nhiệm quản lý, kiên quyết không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly)…
Địa phương cũng cần phát huy vai trò của Tổ Covid cộng đồng - "vũ khí" hữu hiệu trong phòng chống dịch; phát huy vai trò lực lượng cảnh sát khu vực để giám sát dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt trong khu vực cách ly, phong toả. Tỉnh cần yêu cầu 100% các hộ gia đình ký cam kết thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch. Nếu ai vi phạm thì xử lý nghiêm.
Về lấy mẫu xét nghiệm, Phú Yên cần làm tốt công tác xét nghiệm sàng lọc đối với khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt trong các bệnh viện, không những xét nghiệm cho ca bệnh mà thực hiện xét nghiệm cho nhân viên y tế, đội ngũ hỗ trợ cung cấp thực phẩm, tránh để lây nhiễm chéo từ bệnh nhân ra nhân viên trong bệnh viện.
Trong khu phong toả cũng phải phân biệt rõ hộ gia đình nào lấy mẫu đơn, hộ gia đình nào lấy mẫu gộp. Công tác lấy mẫu cần chọn lọc ưu tiên khu vực có nguy cơ cao, sàng lọc ngoài cộng đồng.
Phú Yên cần huy động thêm nguồn lực nâng cao năng lực xét nghiệm đảm bảo thực hiện được 5.000 mẫu đơn/ngày.
Đồng thời, tỉnh phải tập huấn cho lực lượng lấy mẫu và làm xét nghiệm. Riêng về lấy mẫu, phải tập huấn cho 100% cán bộ y tế từ tuyến xã trở lên để tất cả đều làm được.
Về phòng chống dịch trong doanh nghiệp, Thứ trưởng yêu cầu, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thì ban quản lý khu công nghiệp, chế xuất quản lý và tiến hành tập huấn về các quy định phòng chống dịch. Đối với các cụm doanh nghiệp, nhà máy sản xuất nhỏ lẻ thì UBND huyện, thị tổ chức tập huấn.
Trong trường hợp cần tập huấn trực tuyến thì tỉnh liên hệ Bộ Y tế để Bộ hỗ trợ. Việc tập huấn phải đến chủ doanh nghiệp, không qua loa, chiếu lệ.
Cùng đó phải tăng cường thanh kiểm tra, giám sát. Nếu doanh nghiệp nào đạt yêu cầu thì cho tiếp tục hoạt động, doanh nghiệp nào không đạt thì dừng. Yêu cầu các doanh nghiệp phải xét nghiệm sàng lọc 20% công nhân.