Thông tin từ Khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, chỉ trong 2 tuần nay, Khoa đã tiếp nhận 9 trường hợp mắc bệnh thủy đậu.
Tiêm vắc-xin phòng thủy đậu là biện pháp quan trọng phòng chống bệnh thủy đậu. |
Đặc biệt, trong số 9 bệnh nhân này có tới 8 người cùng chung sống tại một địa chỉ, còn lại một bệnh nhân hiện đang sinh sống trên địa bàn phường Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Khoa Bệnh nghề nghiệp cho biết, cách đây hơn 1 tuần, Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận 4 bệnh nhân được xác định cùng mắc thủy đậu, sau khi được điều trị các bệnh nhân đã được xuất viện. Tiếp đó, lại có 4 bệnh nhân khác nhập viện với biểu hiện lâm sàng tương tự. Qua khai thác thông tin được biết, các bệnh nhân này cùng sinh sống tại một địa chỉ.
Được biết, hàng năm, bệnh thủy đậu thường diễn ra vào vụ đông - xuân (khoảng tháng 11), tuy nhiên, hiện tại mới đang là đầu năm nhưng đã xuất hiện bệnh thủy đậu, ca bệnh lại chủ yếu ở người lớn, đây là điều khác thường.
Trước đó, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng thông tin, thời gian gần đây, tại Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện 108 liên tiếp tiếp nhận các ca bệnh với chẩn đoán thủy đậu.
Bệnh nhân vào viện với các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau nhức cơ, có những nốt đỏ tròn nhỏ mọc nhanh khắp cơ thể hoặc mọc rải rác trong vòng 12 giờ đến 24 giờ. Sau đó, các nốt này tiến triển thành những mụn nước, bọng nước, mưng mủ, bệnh nhân có ho và đi ngoài phân lỏng.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần vừa qua, Hà Nội ghi nhận khoảng 70 trường hợp mắc bệnh thủy đậu. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận tổng số 548 ca mắc thủy đậu; số mắc tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học.
Đặc biệt, trong tuần qua, trên địa bàn huyện Chương Mỹ cũng đã ghi nhận 23 ca mắc thủy đậu (từ đầu năm đến nay tại huyện Chương Mỹ đã có 237 ca thủy đậu). Trên địa bàn mới xuất hiện một ổ dịch mới tại Trường Tiểu học Phú Nghĩa với 6 ca mắc.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm nay tăng cao hơn.
Theo các chuyên gia, hiện nay, điều kiện thời tiết thất thường, độ ẩm không khí cao, là điều kiện cho virus gây bệnh thuỷ đậu phát triển và lây lan.
Vì vậy, người dân cần chủ động các biện pháp phòng bệnh, tránh không để dịch lây lan. Đặc biệt, biến chứng của bệnh thuỷ đậu có thể rất nặng nề, dễ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại di chứng sau này.
Các chuyên gia lý giải, thủy đậu lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp, lây qua đường không khí từ các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp hoặc chất dịch của nốt phỏng.
Bệnh có thể lây gián tiếp qua các đồ vật vừa bị nhiễm chất dịch của nốt phỏng hoặc niêm mạc. Do đó, thủy đậu được xem là một trong những bệnh dễ lây lan nhất.
Bệnh có tính chất lành tính, bệnh nhân thường được theo dõi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, một số trường hợp thủy đậu ở trẻ nhỏ, người suy giảm miễn dịch hay mắc các bệnh mạn tính có thể gây biến chứng viêm màng não, viêm phổi hoặc để lại các di chứng sau này, thậm chí có thể mất mạng.
Tùy vào mức độ mắc bệnh, đã được tiêm phòng hay chưa và sức đề kháng của trẻ, các biến chứng có thể xảy ra nhiều hay ít. Nếu phát hiện trẻ phơi nhiễm với bệnh thủy đậu, trường hợp đã mắc bệnh thủy đậu trước đây hoặc đã tiêm phòng, người dân không cần phải lo lắng.
Trong khi đó, người nhạy cảm (chưa từng mắc thủy đậu) được khuyến cáo nên chủng ngừa thủy đậu càng sớm càng tốt sau khi tiếp xúc với virus.
Có bằng chứng cho thấy vắc-xin giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu được tiêm trong vòng 3-5 ngày sau khi phơi nhiễm. Đặc biệt, mức độ hiệu quả của vắc-xin có thể đạt được 70-100% nếu tiêm trong vòng 72 giờ.
Khi mắc bệnh thủy đậu, cần lưu ý ngoài việc hạ sốt và uống thuốc theo đơn bác sĩ, chăm sóc các nốt tổn thương da rất quan trọng. Nếu tổn thương da không chăm sóc cẩn thận, bị nhiễm trùng, vết sẹo sau này sẽ rất xấu và có thể bội nhiễm, gây nhiễm trùng các cơ quan khác.
Người bệnh cần giữ sạch sẽ các tổn thương da bóng nước, có thể sử dụng thuốc sát trùng nếu bội nhiễm; tuyệt đối không bôi loại thuốc không rõ nguồn gốc lên các vết bóng nước. Bệnh thủy đậu không hạn chế tắm rửa, ngược lại, càng vệ sinh cơ thể sạch sẽ càng tốt.
Về dinh dưỡng, người bị thủy đậu cần ăn uống hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi, uống nhiều nước.
Trong quá trình chăm sóc, nếu có sốt cao liên tục không hạ được kèm theo các dấu hiệu thần kinh như li bì, khó đánh thức, nôn, co giật, khó thở… người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế kịp thời.
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
Bên cạnh đó bệnh nhân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tiêm vắc-xin phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu phòng bệnh thủy đậu, hạn chế các biến chứng nặng của bệnh. Vắc-xin bệnh thủy đậu được tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi.