Y tế - Sức khỏe
Bệnh viện quá tải, nguy cơ lây chéo bệnh truyền nhiễm
Dương Ngân - 01/10/2022 17:42
Ngành y tế đang chịu áp lực về giảm tải, phòng tránh lây nhiễm chéo tại các bệnh viện do bệnh nhân mắc Adenovirus, viêm phổi, viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết, cúm ngày càng tăng cao.
Ảnh minh họa

Một phụ huynh tại Hà Nội khi thấy con sốt cao, ho, khó thở, đã đưa bé đi khám và được các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương chẩn đoán bị suy hô hấp, nhưng do bệnh viện quá tải, nên Bệnh viện không tiếp nhận được mà phải chuyển về Bệnh viện Thanh Nhàn. Phụ huynh này rất lo lắng vì  Bệnh viện Thanh Nhàn cũng đông, nhiều bệnh nhi một phòng, nguy cơ lây nhiễm chéo rất lớn.

Bác sỹ Vũ Thị Mai, khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, trẻ nhập viện tăng mạnh trong khoảng 1 tháng nay, chủ yếu mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, sốt xuất huyết, cúm. Đặc biệt tăng đột biến những ngày gần đây, khoa tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhi nhập viện. Trong đó, đã ghi nhận một số trẻ bị viêm phổi do nhiễm Adenovirus. “Số bệnh nhân tăng đột biến nên khoa Nhi đang phải mượn thêm 2 phòng bệnh của khoa Ngoại tổng hợp để phục vụ điều trị”, bác sỹ Mai nói.

Tháng 9 là thời điểm trẻ nhập học, cộng với thời tiết giao mùa nên số trẻ mắc các bệnh hô hấp tăng cao. Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương, đã ghi nhận hơn 1.400 ca mắc Adenovirus từ đầu năm tới nay, trong đó 80% là bệnh nhi tại các quận, huyện của Hà Nội. Hiện đã có 7 ca tử vong là bệnh nhân mắc các bệnh lý nền đồng nhiễm Adenovirus.

Hiện nay, khoa hô hấp của bệnh viện này đã kín giường, phải tăng giường điều trị để thu dung theo 3 nhóm là nhẹ; có tổn thương hô hấp đơn thuần; có bệnh lý nền, kèm theo bệnh nặng. Tuy nhiên, do lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện rất đông, nguy cơ quá tải và lây nhiễm chéo luôn thường trực.

Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cũng chật kín bệnh nhi tới khám. Có mặt tại khu vực khám nhi, chỉ trong buổi sáng đã có gần 150 bệnh nhi tới khám, nhiều cháu bệnh nặng đã được chỉ định nhập viện. Khoa Nhi của bệnh viện này cũng chật kín giường.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, khoảng 3 tuần trở lại đây, số lượng bệnh nhân cũng tăng đột biến. Theo báo cáo của Bệnh viện, từ tháng 6 đến nay đã có hơn 60.000 lượt khám bệnh ngoại trú. Tất cả các khoa phòng về bệnh hô hấp tại đây đều kín chỗ.

Trước tình hình bệnh nhân đông, Bệnh viện Thanh Nhàn đã phân loại bệnh nhân: nếu bác sỹ chỉ định trẻ có thể điều trị tại nhà thì cho ngoại trú để bố mẹ theo dõi tại nhà, khi có vấn đề có thể gọi trực tiếp đến số hotline của khoa Nhi để được hỗ trợ kịp thời.

Đại diện Bệnh viện Nhi trung ương thì cho hay, cơ sở đã bố trí 300 giường bệnh để thu dung điều trị bệnh nhi nhiễm Adenovirus. Các bệnh nhi nằm viện được chăm sóc và điều trị tại khu vực riêng, không phải nằm ghép, bảo đảm mỗi trẻ một giường.

Bệnh viện cũng đặt ra tiêu chí để phân loại. Theo đó, những trường hợp nhẹ như đã hết sốt, không suy hô hấp... sẽ được chuyển xuống tuyến dưới. Bệnh viện chỉ tiếp nhận các ca bệnh nặng như khó thở, suy hô hấp, giảm ô xy máu, dấu hiệu toàn thân nặng, có bệnh nền nặng, suy giảm miễn dịch...

Còn theo Đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, Bệnh viện phải liên tục kiểm soát số lượng người nhà vào đây chăm sóc bệnh nhi, sử dụng rèm vải che chắn ngăn cách các giường bệnh với nhau để hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo, đồng thời liên tục sát khuẩn. 

Theo các chuyên gia, để hạn chế lây nhiễm chéo đối với những bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, cần lưu ý cách ly bệnh nhân theo từng khoa phòng, hạn chế nhập viện. Bởi nếu cho trẻ nhập viện khi chưa cần thiết, khi gặp những trường hợp nặng hơn thì dễ nhiễm virus, vi khuẩn kháng thuốc, khiến trẻ còn bị nặng hơn. 

Những trường hợp không có chỉ định nhập viện thì nên giữ cách ly, cũng như rửa tay, mang khẩu trang và tránh lây cho những thành viên khác của gia đình. Với trường hợp phải nhập viện, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn phụ huynh không cho trẻ qua các khoa phòng khác để chống lây nhiễm chéo. Khoa chống nhiễm khuẩn cũng thường xuyên đi kiểm tra, giám sát.

Thông tin thêm về Adenovirus, TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Adenovirus là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. Nếu bệnh nhi đã mắc các bệnh lý nặng, phức tạp hoặc phải can thiệp phẫu thuật mà mắc thêm Adenovirus sẽ có nguy cơ tử vong cao. Do đó, các bệnh viện cần bố trí buồng riêng cho bệnh hô hấp, không nằm chung với nhóm bệnh khác, đồng thời thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, như đeo khẩu trang, khử khuẩn… không để lây lan dịch bệnh.

Tin liên quan
Tin khác