Là người đầu tiên tự bào chữa trước Hội đồng xét xử, bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên chính trong vụ án “chuyến bay giải cứu” tiếp tục phủ nhận mọi tội danh bị cáo buộc, một mực cho rằng mình bị oan.
Theo bị cáo Hưng, bản thân không nhận tiền, không hướng dẫn bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó tổng giám đốc Công ty BlueSky để khai báo gian dối.
Bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên chính, cựu Trưởng phòng 5 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an. |
Đưa ra căn cứ, bị cáo này cho biết: “Thứ nhất là khi ra tự thú trước cơ quan điều tra, Hằng đã nhận toàn bộ và khai rằng anh Sơn không liên quan. Nhưng hai tuần sau bị cáo mới gặp chị Hằng. Thứ hai là để hướng dẫn Hằng khai báo thì phải hiểu rất rõ về Hằng, Sơn và Công ty BlueSky. Trong khi thời điểm Hằng khai báo lần đầu, bị cáo không biết gì về những điều này. Còn anh Tuấn thì đã quen biết Hằng khoảng 10 năm”.
Bị cáo Hưng nhắc lại, không nhận tiền 2 lần là 350.000 USD và 450.000 USD như cựu Phó giám đốc Công an TP. Hà Nội khai báo, trong đó có lần nhận chiếc cặp từ bị cáo Tuấn trước cổng cơ quan, nhưng cặp đó chỉ chứa 4 chai rượu vang. Ngoài lời khai của bị cáo Tuấn, không có gì chứng minh được trong cặp đựng tiền.
Theo bị cáo Hưng: “Nếu cặp đó là tiền, bị cáo có nhận ở cổng cơ quan hay không? Nơi có rất nhiều camera giám sát, có nhiều người đi ra đi vào. Nếu thật là cặp tiền thì bị cáo có nhiều nơi, nhiều cách khác để nhận”.
Thêm vào đó, bị cáo này cũng khẳng định, bản thân tiếp xúc với bị cáo Hằng hoàn toàn vì công việc, để Hằng khai báo rõ ràng, làm sáng tỏ vụ án; đồng thời cho rằng, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát luận tội hoàn toàn chỉ dựa vào lời khai một chiều của Tuấn, ngoài ra không có chứng cứ gì chứng minh bị cáo nhận tiền.
Trước đó, Viện Kiểm sát khẳng định, từ quá trình điều tra, các căn cứ thu thập được, cũng như các lời khai của các bị cáo tại tòa, có đủ căn cứ xác định Hưng đã nhận 800.000 USD của Hằng thông qua Nguyễn Anh Tuấn.
Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, Hưng, Tuấn, Hằng đã liên lạc, gặp gỡ, nhận tiền theo cách thức: Khi có việc trao đổi, Hưng chủ yếu sử dụng 2 sim rác không chính chủ để liên lạc vào số điện thoại của bị cáo Tuấn; hoặc liên lạc qua ứng dụng Viber để đảm bảo bí mật.
Ngoài ra, Hưng yêu cầu Hằng không liên lạc trực tiếp với mình, mọi trao đổi, Hưng sẽ thực hiện qua Tuấn.
Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2019 đến ngày 1/1/2022, chỉ phát sinh 5 cuộc gọi. Tuy nhiên, từ tháng 1 - 12/2022, là giai đoạn điều tra chuyến bay giải cứu, bị cáo Hưng và Tuấn đã liên lạc 425 lần, chủ yếu qua Viber và sim rác là số điện thoại không chính chủ của Hưng.
Tuấn và Hằng có 2 cuộc gọi và 76 cuộc gọi qua Viber, qua các sim rác. Việc gặp mặt để trao đổi đưa tiền của Hằng và Sơn thường được tổ chức vào buổi tối, sau 22 giờ tại nhà Tuấn để đảm bảo bí mật.
Theo Viện Kiểm sát, đối với bị cáo Hưng, quá trình điều tra, truy tố và xét xử tại tòa không thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, khắc phục hậu quả, do đó, cần phải có hình phạt nghiêm khắc.