Cô chủ Nấm tươi cười, Phạm Hồng Vân |
"Bí Kíp"
Là start-up tham dự và giành giải thưởng ở nhiều cuộc thi chị có thể chia sẻ kinh nghiệm mà mình đã chuẩn bị cho cuộc thi? Theo chị yếu tố nào quan trọng nhất?
Sự chuẩn bị tốt nhất cho các cuộc thi đó là mình phải là người hiểu rõ về dự án của mình. Hiểu về tổng quan ngành của mình và mình thật sự hiểu giá trị của dự án : là ai, đang ở đâu , nguồn lực của mình như thế nào so với dự án tại thời điểm hiện tại. Có như vậy. mọi câu hỏi của ban giám khảo hay thắc mắc của họ bạn cũng sẽ trả lời được thuyết phục.
Một tâm thế nữa đó là, không quá coi trọng việc thắng –thua, mà hãy coi đó là 1 cơ hội để được trải nghiệm, để được trò truyện chia sẻ, lấy ý kiến phản hồi của những ban giám khảo - bậc lão làng, đại thụ trong giới kinh doanh, những chuyên gia hàng đầu có kiến thức sâu rộng và sự trải nghiệm dày dặn thì tâm thế của bạn đứng trên sân khấu sẽ thư thái, tự tin và thuyết trình tốt hơn với nội hàm cá nhân của từng người, sẽ rất khác nhau.
Để hình thành và phát triển một start-up theo chị các bạn trẻ cần phải chuẩn bị và làm những việc gì?
Các bạn cần phải hiểu rõ các nguồn lực mà mình đang có và đối chiếu với lĩnh vực ngành nghề mà các bạn muốn kinh doanh, khởi sự như thế nào để từ đó biết mình đang có gì, thiếu gì và cần bổ sung nguồn lực gì. Nguồn lực ở đây được hiểu là kiến thức chuyên môn và kiến thức ngành tham gia, nhân sự/con người, nguồn vốn, các mối quan hệ…Điều quan trọng nữa không thể thiếu đó là ĐAM MÊ và KHÁT VỌNG nếu thiếu những yếu tố này các bạn sẽ dễ bỏ cuộc khi gặp những thách thức khó khăn
Chị có thể “hé lộ” về kỹ năng mềm về thuyết trình, kêu gọi vốn, tìm hiểu nhà đầu tư,... mà chị đang có? Vì sao chị có thể hình thành kỹ năng đó?
Kỹ năng là thứ có thể được đào tạo và được học, nhưng tố chất của mỗi người là thứ có mài dũa mấy cũng khó lẫn lộn giữa các cá thể với nhau. Mình cũng có may mắn tham gia một số lớp đào tạo khởi nghiệp tại Việt Nam để hiểu được những form chuẩn cơ bản của một bài thuyết trình tùy theo tính chất mục đích của bài thuyết trình đó hướng tới đối tượng người nghe là ai. Những gì dự án và mình có ngày hôm nay là cả một quá trình đúc kết dài lâu dựa trên thực tế trải nghiệm hàng ngày trong nhiều năm. Cho đến một lúc nào đó khi những kỹ năng bạn học hỏi và được đào tạo nó trở thành “cái vốn có” tự nhiên sẵn trong mình rồi thì việc bạn nói ra như việc mình kể câu chuyện nó sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Lại quay về câu chuyện hiểu rõ câu chuyện kinh doanh của mình, biết mình muốn gì và cần gì.
Một điều các bạn khởi nghiệp khi gọi vốn làm việc với nhà đầu tư hay mắc phải đó là đưa những thông tin không phải là thông tin nhà đầu tư cần, không gây được ấn tượng với nhà đầu tư. Như vậy câu chuyện ở đây là mình không những phải hiểu rõ mình mà còn phải hiểu rõ mình đang nói chuyện với người nào? Người ta muốn nghe gì và cần gì ở mình? Ví dụ là các bạn quá say mê nói về sản phẩm trong khi nhà đầu tư lại muốn nghe về con số, số liệu tài chính nhiều hơn.
Câu chuyện ở Slush
Sau khi giành tấm vé đến Helsinki (Phần Lan) cảm giác của chị lúc đó như thế nào? Chị có chuẩn bị nhiều “hành trang” đến đó?
Thật ra, chuyến đi đến Helsinki đáng ra Nấm Tươi Cười cũng được 1 phần tài trợ vào năm 2016 của tổ chức IPP – Phần Lan vì nhận thấy dự án Nấm Tươi Cười đủ điều kiện để nhận tài trợ. Tuy nhiên vì một số lý do vào thời điểm đó mà Nấm Tươi Cười lỗi hẹn với Slush Helsinki 2016. Đúng là có duyên với sự kiện này thì năm 2017, Nấm Tươi Cười lại được giải thưởng đến Helsinki 1 lần nữa. Lần này đến với Helsinki, Nấm Tươi Cười đã có sẵn những liên hệ đối tác được lên kế hoạch trước chuyến đi để sang đó làm việc với họ.
Những đối tác cho chuyến đi Slush chủ yếu nằm ở khâu thương mại hóa sản phẩm xuất khẩu sang Phần Lan, và kết nối với 1 số quỹ/ tổ chức đầu tư có quan tâm đến lĩnh vực ngành của Nấm Tươi Cười.
Vì những chuyến đi như vậy sẽ chỉ hiệu quả khi dự án lên kế hoạch từ trước sẽ làm việc với ai, như thế nào nên “hành trang” mang đi cũng phục vụ như những kế hoạch đó. Ví dụ như, trong trường hợp của mình là mẫu sản phẩm, bản chào hàng, profile giới thiệu công ty…
Đến Helsinki chị có cảm nhận gì? Điều đó mang đến cho chị tâm trạng nào? ở đó chị có câu chuyện đặc biệt làm chị nhớ nhất ?
Slush là sàn giao dịch rất lớn. Vì vậy các startup đến đó mà không có sự chuẩn bị trước, tìm hiểu thông tin và hẹn lịch với các đối tác từ trước thì gần như chuyến đi đó các bạn sẽ không đạt được hiệu quả
Ấn tượng của mình về Helsinki là thành phố rất lạnh và đắt đỏ. Cộng đồng người Việt ở đó cũng vài trăm ngàn người. Xu hướng tiêu dùng thực phẩm ở Phần Lan đang chuyển dịch về hướng sử dụng chay nhiều rau xanh hơn là thịt từ các loại động vật. Và ở đây hướng đến tự động hóa rất cao. Ví dụ như bạn đi vào những khách sạn mức giá trung bình thì mọi thứ đều hoạt động tự động, và online không có bóng dáng của người lao động/ lễ tân. Mức lương của người lao động cũng rất cao.
Hành động của các start-up ở đó có gì khác biệt?
Start-up quy tụ tại Helsinki là từ các nơi trên thế giới. Mình nhận thấy họ là những công dân, những start-up toàn cầu vì sự hội nhập, bắt nhịp của họ đã sẵn có, không thấy có sự lạc lõng nào ở đây cả. Họ chủ động, tràn đầy năng lượng và khả năng giao tiếp mình nghĩ là hơn các bạn start-up Việt mình nhiều trong đó có cả mình nữa.
Được tiếp xúc với nhiều start-up ở nới được coi là trung tâm khởi nghiệp của Châu Âu chị thấy điểm mạnh điểm yếu của họ là gì? So sánh với các starts Việt? Theo chị start-up Việt có cần thay đổi cái gì?
Start-up Việt còn thiếu sự chủ động, và khả năng hội nhập toàn cầu hóa khi ra thế giới. Vì nói đến start-up là nói đến quy mô toàn cầu chứ không phải doanh nghiệp địa phương. Còn lại mình thấy về kiến thức chuyên môn của các bạn start-up Việt mình không thua kém.
Sau khi trở về chị có đúc rút gì cho công ty của mình?
Việc mở rộng mối quan hệ, biết thêm các đối tác mới đã là quan trọng rồi thì việc tiếp tục duy trì nó còn quan trọng hơn để có thể chuyển hóa các mối quan hệ đó thành các sự hỗ trợ, đối tác, bạn hàng thiết thực cho việc kinh doanh.
Nói cho cùng một mô hình kinh doanh phải sinh lời, phải thương mại hóa thành công còn những việc khác như gọi vốn hay tham gia các cuộc thi….chỉ là các công cụ hỗ trợ tiếp sức cho mô hình kinh doanh đó.