Thời sự
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu lập đường dây nóng kết nối giữa doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh
Gia Huy - 16/08/2018 21:39
Chỉ đạo trên được ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư tỉnh Ủy tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói trong buổi đối thoại của lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với doanh nghiệp và nhà đầu tư trong tỉnh lần I năm 2018 diễn ra ngày 16/8.

Cụ thể, sau khi lắng nghe những ý kiến nêu khó khăn của doanh nghiệp, ông Lĩnh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phải thành lập ngay đường dây nóng để có thể kết nối giữa doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh nhằm xử lý ngay những vướng mắc cho doanh nghiệp, không để doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh như thời gian qua.

Trước đó, mở đầu cuộc đối thoại, đại diện Công ty TNHH Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép cho biết, vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp phải là cần nhà nước hỗ trợ về việc nạo vét. Thực tế, trong thời gian qua, các hãng tàu đang cạnh tranh bằng việc tăng kích cỡ của tàu. Với việc nâng trọng tải và size tàu về cơ bản rất tốt cho các nhà xuất nhập khẩu, giúp cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, việc tiếp nhận các tàu lớn vận chuyển quốc tế vừa là cơ hội, vừa là thách thức bởi vấn đề nạo vét.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư tỉnh Ủy tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đối thoại với doanh nghiệp. Ảnh: Gia Huy

Trả lời cho vấn đề này, người đứng đầu Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa -  Vũng Tàu cho biết sẽ hỗ trợ cho việc đổ bùn, nạo vét cảng cũng như đảm bảo những tác động có thể gây ra với môi trường biển bởi hiện tỉnh cũng nhận rất nhiều thông tin từ doanh nghiệp kiến nghị vấn đề đổ bùn nạo vét.

Còn phía Công ty TNHH Song Quang phản ánh, quy định việc thanh tra doanh nghiệp 1 năm sẽ không quá một lần, tuy nhiên từ đầu năm tới nay doanh nghiệp đã phải tiếp ba đoàn thanh tra. Việc này khiến doanh nghiệp phải mất quá nhiều thời gian để tiếp các đoàn thanh tra doanh nghiệp thay vì tập trung vào kinh doanh.

Lãnh đạo Công ty TNHH Thép Vina Kyoei nêu vấn đề, quy định là nhập khẩu thép phế phải ký quỹ 20% sẽ làm tăng chi phí tổng sản xuất kinh doanh. Tỉnh nên có sự hỗ trợ bảo lãnh cho doanh nghiệp. Việc kiểm tra thép phế các cơ quan có thể sử dụng kết quả của nhau thay vì kiểm tra 3 lần từ cơ quan ban ngành đến sở môi trường rồi cơ quan hải quan, khiến thời gian lưu tàu tăng, làm tăng chi phí doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp đang đọng 210 tỷ đồng thuế mà không được giải quyết là thiệt hại cho việc kinh doanh của doanh nghiệp.

Lãnh đạo của CTCP Hải Phương thì cho biết, Công ty đã bỏ ra trên 70 tỷ đồng để mua quỹ đất từ năm 2010 nhưng đến hiện tại doanh nghiệp vẫn chưa thể tiến hành triển khai dự án vì thủ tục xây dựng, chuyển nhượng…. Điều này khiến doanh nghiệp cảm thấy vấn đề đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ chưa được quan tâm như với các doanh nghiệp lớn. Tỉnh nên đẩy nhanh thời gian xét duyệt thủ tục vì doanh nghiệp phải gánh lãi ngân hàng trong rất nhiều năm nhưng dự án thì vẫn dậm chân tại chỗ…

Sau khi nghe nhiều ý kiến của phía doanh nghiệp cũng như phía lãnh đạo sở, ngành trả lời doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, sự chia sẻ của lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp là cần thiết để kinh tế của tỉnh phát triển, bên cạnh đó cũng là dịp để lãnh đạo tỉnh nắm bắt được khó khăn của doanh nghiệp đang gặp phải để đi vào giải quyết các vấn đề một cách bài bản và hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

“Việc gặp gỡ các doanh nghiệp 6 tháng một lần chỉ là 1 kênh trong rất nhiều kênh mà lãnh đạo tỉnh đưa ra để lắng nghe và hỗ trợ doanh nghiệ, bởi chúng tôi biết rằng phải tiếp tục có nhiều kênh chia sẻ thông tin để có giải pháp kịp thời hơn cũng như phải có cải thiện ở việc tiếp cận thông tin và tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp. Tôi đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phải lập ngay một đường dây nóng để kết nối thông tin giữa các ban ngành và doanh nghiệp để kịp thời xử lý thông tin cho doanh nghiệp. Không thể để xuất hiện tình trạng thiếu trách nhiệm, bỏ lọt vấn đề xử lý thông tin cho doanh nghiệp và gây thiệt hại cho phát triển kinh tế của tỉnh”, ông Lĩnh cho biết.

Cũng tại buổi đối thoại, ông Lĩnh cho biết từ nay giữa các sở, ngành phải có trách nhiệm giám sát kiểm tra trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp ở các cơ quan chính quyền cấp cơ sở để tăng chỉ số phục vụ nhân dân một cách tốt nhất.

Cũng như phải tăng việc đối thoại với doanh nghiệp, để pháp luật không phải sở hữu riêng của cơ quan nhà nước mà là của cả xã hội. Lãnh đạo tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp lên tiếng, để đội ngũ cán bộ các cơ quan chức năng, lãnh đạo tỉnh kịp thời khắc phục, tạo môi trường tốt cho các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước phải giải trình trước nhân dân.

“Tôi động viên doanh nghiệp phải nói lên sự thật của việc bị vòi vĩnh, nhũng nhiễu và những tiêu cực trong bộ máy chính quyền. Còn về ý kiến của doanh nghiệp, tôi đề nghị tỉnh phải tham gia tháo gỡ về quỹ đất, giải phóng mặt bằng. Về thuế, đây là đòn bẩy để nói lên cái nào cần khuyến khích, cái nào không khuyến khích. Chính quyền phải giải quyết xử lý đến nơi đến chốn, làm cho doanh nghiệp và người dân tâm phục khẩu phục”, ông Lĩnh đề nghị.

Tin liên quan
Tin khác