Hút vốn ngoại cuối năm
Ngân hàng BIDV vừa có tờ trình xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chào bán cổ phần và tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Như vậy, sau nhiều đồn đoán, BIDV đã chính thức công bố kế hoạch chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để tăng vốn.
BIDV và Vietcombank muốn tăng vốn nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và đáp ứng chuẩn Basel II |
Theo phương án trình cổ đông, BIDV sẽ phát hành 603 triệu cổ phần, tương đương 17,65% vốn hiện tại và 15% vốn sau khi tăng vốn cho một nhà đầu tư nước ngoài là KEB Hana Bank (Hàn Quốc). Theo đó, vốn điều lệ của Ngân hàng sẽ tăng từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng.
Thời gian phát hành dự kiến là năm 2018 - 2019. Giá phát hành chưa được công bố, nhưng sẽ thực hiện theo quy định hiện hành liên quan. Toàn bộ vốn huy động đợt này sẽ được sử dụng để bổ sung vốn kinh doanh. Nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng cổ phần thuộc sở hữu của mình trong thời hạn tối thiểu 5 năm kể từ ngày nhà đầu tư trở thành cổ đông của BIDV.
Trong khi đó, Vietcombank cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức chấp thuận kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn.
Cụ thể, NHNN chấp thuận cho Vietcombank tăng vốn điều lệ từ hơn 35.977 tỷ đồng lên hơn 39.575 tỷ đồng (tương ứng phát hành thêm 10%), theo phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2018, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, Quỹ đầu tư quốc gia Singapore (GIC) là một trong những nhà đầu tư tiềm năng của Vietcombank.
Cổ đông chiến lược hiện hữu là Mizuho cũng sẽ mua cổ phiếu VCB của Vietcombank trong thời gian tới để đảm bảo cân đối tỷ lệ sở hữu 15% tại ngân hàng này.
Với kế hoạch bán vốn trên, mức phát hành thêm 10% là tỷ lệ sở hữu khá lớn và Vietcombank cũng đã cân nhắc khả năng có nhà đầu tư nước ngoài lớn mua và tham gia HĐQT.
Giá bán cổ phiếu của hai ngân hàng trên sẽ căn cứ theo giá thị trường, do công ty thẩm định giá tư vấn và xác định theo 10 phiên giao dịch gần nhất.
Nâng hệ số an toàn vốn
Thực tế, áp lực tăng vốn của nhóm 3 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối (Vietcombank, BIDV, VietinBank) đang ngày một cấp bách. Điểm chung tại 3 ngân hàng này trong 2 năm qua là luôn phải thực hiện giải pháp tình thế, chấp nhận vay trái phiếu dài hạn với lãi suất cao.
Tuy nhiên, Chính phủ và NHNN đã bật đèn xanh cho các nhà băng này hút vốn ngoại. Theo đánh giá của giới phân tích tài chính, phương án tăng vốn khả thi nhất với các ngân hàng trên là phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài. Tại BIDV, trong cơ cấu cổ phần hiện nay, chỉ có 4,72% thuộc cổ đông ngoài nhà nước, trong khi tới 95,28% thuộc cổ đông nhà nước. Sau khi phát hành theo kế hoạch tăng vốn trên, cổ đông nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu còn 80,99%, cổ đông nước ngoài chiếm 15% và cổ đông ngoài nhà nước khác chiếm 4,01%.
BIDV, Vietcombank, VietinBank đều muốn tăng vốn nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và đáp ứng chuẩn Basel II. Trong đó, Vietcombank đã triển khai chương trình Basel II từ nhiều năm qua và phần lớn sáng kiến đã được ứng dụng trong hoạt động quản trị - kinh doanh.
Theo số liệu thống kê của NHNN, hệ số an toàn vốn (CAR) của toàn hệ thống đang ở mức khoảng 12% (quy định tối thiểu là 9%). Chia theo nhóm thì hệ số CAR của khối ngân hàng TMCP quốc doanh là 9,4%, trong khi của khối ngân hàng TMCP là hơn 11,3%. Tới năm 2020, khi Basel II được triển khai rộng rãi, hệ số CAR của nhiều ngân hàng sẽ bị đánh giá giảm hơn nữa dựa theo công thức mới.
Thời gian qua, tín dụng tăng nhanh, trong khi vốn chủ sở hữu tăng chậm đã khiến hệ số CAR của nhiều ngân hàng giảm sút. Nếu không tìm được cách cải thiện, các ngân hàng này phải hạn chế mức độ tăng trưởng tín dụng để giữ hệ số CAR trên ngưỡng tối thiểu.
Theo đánh giá của giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, việc bán thêm vốn của các ngân hàng quốc doanh sẽ thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư ngoại. Thế nhưng, điều được giới đầu tư chứng khoán quan tâm hơn là liệu kế hoạch tăng vốn của BIDV, VCB có được thực hiện thành công vào cuối năm nay hay không.