Biến đổi khí hậu đã và đang đe dọa đến cuộc sống hàng ngày của người dân, đến an ninh quốc gia.
Thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, trữ lượng nước trong nhiều hồ, đập ở miền Trung và Tây Nguyên hiện chỉ đạt 20 - 40% dung tích thiết kế. Tại Nam Bộ, hạn hán xảy ra ở nhiều nơi, cộng với tình trạng xâm mặn xuất hiện sớm so với nhiều năm, đã khiến độ mặn tại nhiều cửa sông tăng, xâm mặn lấn sâu vào nội đồng. Như vậy, khả năng thiếu nước phục vụ sản xuất, mất mùa trong vụ hè thu tới, nguy cơ hàng ngàn héc - ta lúa bị mất trắng do hạn hán, theo cảnh báo của Bộ NN&PTNT, rất dễ xảy ra.
Không chỉ lúa, mà cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề vì hạn, nhất là khi tính đến cuối tháng 3, tổng lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên, vùng trọng điểm về cà phê của cả nước thiếu hụt so với mức trung bình nhiều năm. Nỗi lo hạn hán chưa thể chấm dứt, bởi theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, mùa khô năm nay sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 5. Riêng khu vực miền Trung và một số tỉnh Tây Nguyên sẽ kéo dài đến tháng 7, tháng 8.
Tình trạng tương tự diễn ra tại nhiều nước trên thế giới sẽ khiến giá lương thực có thể đạt đỉnh cao nhất từ trước tới nay trong năm 2013. Vì vậy, bảo đảm an ninh lương thực đang là vấn đề cấp bách. Đây cũng là điều được nhiều chuyên gia cảnh báo bên thềm Hội thảo thường niên Triển vọng Thị trường nông nghiệp Việt Nam 2013 diễn ra vào ngày mai (4/4/2013) tại Hà Nội.
Từ trước tới nay, Việt Nam luôn tự hào là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, song dân số tăng nhanh cộng với tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khốc liệt, đang khiến an ninh lương thực ngày càng trở nên bấp bênh. Một khi mực nước biển dâng cao, xâm nhập mặn tăng, cộng với hạn hán cực đoan sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực quốc gia. Hơn 20 năm qua, xuất khẩu gạo Việt Nam tăng trưởng mạnh, nhưng đời sống của người nông dân ở nhiều vùng chưa được cải thiện nhiều. Đây cũng là một trong những lý do đe dọa an ninh lương thực của Việt Nam.
Hiện Việt Nam đang nỗ lực chống lại tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thể hiện qua định hướng thu hút đầu tư. Theo đó, Chính phủ khuyến khích các dự án thân thiện với môi trường, phối hợp thực hiện các dự án phát triển bền vững, đồng thời xây dựng các danh mục dự án thuộc lĩnh vực biến đổi khí hậu để kêu gọi tài trợ và tiếp nhận công nghệ từ các nước phát triển... Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp trên, Việt Nam cần tập trung nhiều hơn cho phát triển nông nghiệp, nỗ lực hơn trong cung cấp nguồn nước sạch nông thôn, tạo sinh kế cho người dân, không để người dân khai thác quá cạn kiệt nguồn nước ngầm và tài nguyên rừng. Ngoài ra, để người dân gắn bó với sản xuất nông nghiệp, việc ban hành những chính sách an ninh lương thực bền vững hướng đến người trồng lúa, người nghèo là hết sức cần thiết.
Hà Tâm