Theo Ủy ban Kinh tế, việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho doanh nghiệp còn chậm (Ảnh- QP). |
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam và các biện pháp trong thời gian tới.
Doanh nghiệp tiếp cận vốn còn khó khăn
Theo báo cáo, tại Việt Nam, đến nay, ước tính quy mô tổng số biện pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội khoảng 600.000 tỷ đồng, bao gồm hỗ trợ tài khóa từ ngân sách nhà nước 256.600 tỷ đồng, tương đương khoảng 4% GDP, Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn 16.200 tỷ đồng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam 9.500 tỷ đồng, các tổ chức tín dụng 300.000 tỷ đồng và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) 11.000 tỷ đồng, các doanh nghiệp viễn thông 15.000 tỷ đồng.
Đây là mức hỗ trợ có quy mô lớn với các biện pháp mạnh chưa từng có ở nước ta để giảm nhẹ tác động của đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, Ủy ban Kinh tế nhìn nhận.
Cho rằng các chính sách đang được tích cực triển khai, tuy nhiên, cơ quan của Quốc hội cũng nêu một số điểm cần lưu ý.
Cụ thể, với chính sách tiền tệ, tín dụng, điểm cần lưu ý là việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho doanh nghiệp còn chậm, tỷ lệ dư nợ được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại mới chiếm chưa đến 10% tổng dư nợ dự kiến ảnh hưởng của Covid-19.
Nguyên nhân là do việc thực hiện dựa chủ yếu vào thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng với khách hàng vay, trong khi chưa có những hướng dẫn cụ thể để nhất quán trong thực hiện.
Báo cáo cũng nêu rõ, nhiều doanh nghiệp phản ánh còn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp do các yêu cầu về tài sản bảo đảm, chứng minh thiệt hại do Covid-19 cũng như chứng minh dòng tiền trả nợ… Do vậy, hiệu quả của chính sách này chưa đạt như mong muốn.
Điều này thể hiện qua doanh số cho vay theo các chương trình ưu đãi hơn 165.000 tỷ đồng nhưng dư nợ tín dụng đến ngày 10/4/2020 giảm 0,53% so với cùng kỳ tháng trước. Trong tổng số 354.286 khách hàng được vay các chương trình tín dụng ưu đãi đến nay, số khách hàng tiếp cận được các chương trình cho vay ưu đãi của tổ chức tín dụng còn thấp, chỉ chiếm 22,4%.
Theo cơ quan phát hành báo cáo, khả năng giảm tiếp mặt bằng lãi suất cho vay khó thực hiện do chi phí huy động vốn của các ngân hàng đã cao, năng lực tài chính và lợi nhuận của các ngân hàng còn hạn chế, nhất là trong điều kiện nợ xấu đang có nguy cơ gia tăng do Covid-19. Hơn nữa, việc giảm lãi suất và nới lỏng chính sách tiền tệ có thể gây ảnh hưởng đến lạm phát và tỷ giá VND trong trung hạn.
Giao dịch tiền mặt dễ rủi ro trục lợi chính sách
Khẳng định các gói hỗ trợ liên quan đến chính sách tài khoá được đưa ra rất kịp thời, song Ủy ban Kinh tế cho rằng, các cơ quan quản lý các cấp chưa nắm được đầy đủ, chính xác các đối tượng thụ hưởng nên mất nhiều thời gian để xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành và triển khai công tác rà soát, thống kê và xác minh. Điều này có thể dẫn đến độ trễ trong thực hiện chính sách, đặc biệt với nhóm lao động tự do.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ chủ yếu là giao dịch tiền mặt, nếu thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ có thể có rủi ro trục lợi chính sách, tiêu cực phát sinh trong quá trình thực hiện.
Theo Ủy ban KInh tế, các biện pháp gia hạn thời gian nộp thuế và miễn, giảm phí, lệ phí, thuế VAT, giá hàng hóa, dịch vụ công có ý nghĩa thiết thực đối với sản xuất kinh doanh và đời sống, tuy nhiên, các biện pháp giảm thuế thu nhập không có tác dụng lớn trong ngắn hạn khi mà hầu hết các doanh nghiệp giảm mạnh doanh thu, lợi nhuận và thua lỗ trong thời gian dịch bệnh. Biện pháp này sẽ có ý nghĩa trong dài hạn, khi các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi dần hoạt động sản xuất kinh doanh.
Gợi ý từ Ủy ban là có thể xem xét một số biện pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp (như Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa) để doanh nghiệp có nguồn vốn cần thiết vượt qua giai đoạn khó khăn.
Cơ quan của Quốc hội cũng lưu ý, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP chỉ được tính trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày 1/4/2020. Do vậy, cần dự tính trong trường hợp dịch bệnh còn kéo dài và người dân, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn.