Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, gói hỗ trợ Chính phủ trình không có nội dung trái luật và hiện nay chưa có quy định cụ thể. Do đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện là đúng thẩm quyền. Trong ảnh: Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 43 (Ảnh: Quochoi.vn) |
Nhiều ý kiến trong Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, do tình hình dịch bệnh còn có thể diễn biến phức tạp, khó lường, Chính phủ cần tính đến những biện pháp trong dài hạn để tiếp tục kiểm soát dịch bệnh và ổn định xã hội, phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Không trái luật và đúng thẩm quyền
Như Đầu tư online đã đưa tin, ngày 7/4/2020, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thẩm tra báo cáo số 121/BC-CP ngày 6/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Ý kiến của uỷ ban thẩm tra - cơ quan giúp Quốc hội "gác cửa" ngân sách - được báo cáo tại phiên họp sáng 8/4 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, phiên họp sớm hơn dự kiến để cho ý kiến về báo cáo số 121 của Chính phủ.
Tại báo cáo số 121, Chính phủ dự kiến gói hỗ trợ khoảng 62.000 tỷ đồng cho khoảng 20 triệu đối tượng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp khoảng 36.000 tỷ đồng, bao gồm khoảng 19 - 20.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu và nguồn còn lại của năm 2019 của ngân sách Trung ương; nguồn dự phòng năm 2020, tiết kiệm chi thường xuyên và các nguồn hợp pháp khác theo quy định, nguồn ngân sách địa phương khoảng 13 - 14.000 tỷ đồng.
Chính phủ cũng đề xuất hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho phép doanh nghiệp và người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động khoảng 3.000 tỷ đồng. Cho vay với lãi suất 0% để chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động qua Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 16.000 tỷ đồng.
Theo cơ quan thẩm tra thì những biện pháp Chính phủ trình không có nội dung trái luật và hiện nay chưa có quy định cụ thể. Do đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện là đúng thẩm quyền.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý đối với phần tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách địa phương do Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định không thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.
Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát quy định này để bảo đảm đúng quy định của pháp luật và tính khả thi trong thực tiễn, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của các địa phương (thực tế, có địa phương đã quyết định sử dụng nguồn lực này).
Về hỗ trợ gián tiếp, cơ quan thẩm tra nêu rõ đây là những nội dung áp dụng khác với quy định của pháp luật hiện hành, cần trình Quốc hội xem xét, quyết định. Song, trong điều kiện khẩn cấp cần có những biện pháp kịp thời, cấp thiết để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, trong khi Quốc hội chưa thể họp thì Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để xin chủ trương và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất là cần thiết.
Chỉ được điều chỉnh trong phạm vi nguồn lực đã đề xuất
Cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ về các nhóm đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ , song cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ quy định tiêu chí cụ thể, rõ ràng để xác định đối tượng thụ hưởng (như đối với người có công và lao động tự do…) để không gây cách hiểu khác nhau, lúng túng trong triển khai thực hiện.
Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cũng nhất trí việc cho phép Chính phủ điều chỉnh đối tượng, mức và thời gian hỗ trợ, nhưng chỉ được điều chỉnh trong phạm vi nguồn lực mà Chính phủ đề xuất.
Từ những phân tích về sự cần thiết, thẩm quyền quyết định, cơ quan thẩm tra kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về chủ trương, nguyên tắc triển khai thực hiện giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid -19 như đề xuất của Chính phủ. Sử dụng 20.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu và nguồn còn lại của năm 2019 của ngân sách trung ương để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trường hợp không sử dụng hết thì chuyển về dự phòng ngân sách trung ương năm 2020. Chính phủ sớm trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phương án phân bổ tổng thể nguồn tăng thu và nguồn còn lại của của ngân sách trung ương năm 2019 theo quy định.
Đề nghị nữa từ cơ quan thẩm tra là Chính phủ rà soát lại, quy định cụ thể, chặt chẽ về đối tượng thụ hưởng, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ, cơ chế kiểm tra, giám sát và chủ động điều chỉnh khi cần thiết, bảo đảm phù hợp với thực tiễn trong phạm vi tổng mức vốn ngân sách Trung ương nêu trên và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước các cấp.