Chính phủ đã thống nhất cáo về dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Quy mô dự kiến của gói hỗ trợ này lên tới hơn 61.500 tỷ đồng với gần 20 triệu đối tượng chính sách và người lao động được thụ hưởng. Đây sẽ là gói hỗ trợ kịp thời giúp những người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 vượt qua khó khăn.
Không bỏ sót đối tượng
Theo ông Patrick Belser, Chuyên gia Kinh tế Cao cấp của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), đại dịch COVID-19 đang khiến cho những bất bình đẳng thu nhập đó trở nên tồi tệ hơn. Một số nhóm đối tượng như lao động di cư và người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức sẽ bị tác động nặng nề bởi những hậu quả về kinh tế do virus gây ra.
Ông Patrick Belser nhấn mạnh những phản ứng chính sách cần phải đảm bảo rằng hỗ trợ đến được với những người lao động và doanh nghiệp đang cần được giúp đỡ nhất, bao gồm nhóm lao động được trả lương thấp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lao động tự làm và rất nhiều người dễ bị tổn thương khác.
Để đảm bảo tất cả những người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đều được giúp đỡ, Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện một chính sách hỗ trợ với sáu nhóm đối tượng đã bao phủ gần hết những người dân thuộc hệ thống an sinh xã hội của đất nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đánh giá cao chủ trương của Chính phủ đối với "gói hỗ trợ chưa hề có tiền lệ" này. Về cơ bản, các nhóm đối tượng được nêu trong chính sách đã bao phủ toàn diện người dân thuộc hệ thống an sinh xã hội của đất nước.
Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh nguyên tắc: Chỉ hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập; mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19 gây ra. Trước mắt thời gian hỗ trợ 3 tháng là phù hợp. Nếu dịch bệnh diễn biến xấu hơn chắc chắn Chính phủ sẽ có giải pháp cụ thể sau.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đồng tình và nhận định chính sách hỗ trợ an sinh của Chính phủ rất có ý nghĩa cho người lao động và doanh nghiệp. Chính sách hỗ trợ này chắc chắn sẽ làm ấm lòng người lao động và tạo thông điệp mạnh mẽ về sự đoàn kết, chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn, tiếp tục xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định, tiến bộ.
Bên cạnh đó, việc kê khai, chi hỗ trợ cho người lao động có hợp đồng lao động sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn, bởi doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, bảo hiểm xã hội đều đã có cơ sở dữ liệu thông tin.
Ông Quảng nói thêm, chính sách hỗ trợ sẽ có tác dụng to lớn hơn khi nó được triển khai kịp thời, trực tiếp, đúng đối tượng, tránh việc trục lợi chính sách.
Xử nghiêm trường hợp trục lợi chính sách
Thực tế, một gói chính sách với số lượng đối tượng hưởng thụ lên tới gần 20 triệu người sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ khi triển khai trong thực tế, đặc biệt là đối với vấn đề trục lợi chính sách. Các cơ quan chức năng đang chú trọng đến việc đưa tiền hỗ trợ đến đúng với người khó khăn thật sự.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay Nghị quyết phân công rất rõ ràng trách nhiệm của từng bộ ngành, cơ quan, địa phương, nhất là người đứng đầu. Từ đó, làm sao thực hiện nghị quyết chi đúng đối tượng, minh bạch công khai trong nhân dân để hưởng hưởng đúng, hưởng đủ và nhanh nhất. Kế hoạch triển khai chi tiết triển khai đối với từng nhóm như: Nhóm người có công, hưởng chính sách bảo trợ xã hội, nhóm hộ nghèo và cận nghèo… sẽ được lập danh sách cụ thể, giao cho địa phương trực tiếp chuyển tiền đến những người này. Các đối tượng khác thì chính quyền cơ sở, doanh nghiệp có trách nhiệm lập danh sách, các cơ quan chức năng xem xét, rà soát kỹ và người đứng đầu địa phương có trách nhiệm xác nhận.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định quan trọng nhất là việc thực hiện phải đảm bảo công khai, minh bạch trong dân, các cơ quan đoàn thể giám sát chặt chẽ việc này và sẽ xử lý nghiêm minh tất cả những trường hợp trục lợi.
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng nhấn mạnh khi Chính phủ ban hành Nghị quyết, các ngành, các cấp, các địa phương phải kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện; thống kê, tổng hợp công khai minh bạch. Đặc biệt, phải tổng hợp đúng đối tượng, tránh trùng lặp hoặc bỏ sót.
“Phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của chính quyền các cấp, sự giám sát của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị để bảo đảm chính xác, công bằng, tạo sự đồng thuận cao và thực hiện đúng mục tiêu an sinh xã hội,” ông Bùi Sỹ Lợi nói./.
Thứ nhất là hỗ trợ thêm (ngoài mức trợ cấp thường xuyên) 500.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4-6/2020 cho các đối tượng là người có công với cách mạng (1,135 triệu người) đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Thứ hai, hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng trong 3 tháng từ tháng 4-6/2020 cho các đối tượng là hộ nghèo (984.000 hộ), hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019.
Thứ ba, hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4-6/2020 cho các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp.
Thứ tư, người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động.
Thứ năm, hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng trong 3 tháng từ tháng 4-6/2020 cho đối tượng là hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ sáu, hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4-6/2020 cho các đối tượng là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm.