Đầu tư và cuộc sống
Bình chọn 10 sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiêu biểu năm 2023
Hạnh Nguyên - 05/12/2023 16:50
Sáng 5/12, Báo Văn hóa tổ chức Họp báo bình chọn 10 sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiêu biểu năm 2023.

Phát biểu tại Họp báo, Tổng Biên tập Báo Văn hoá, ông Nguyễn Anh Vũ cho biết, năm 2023, trong bối cảnh trong nước và thế giới còn nhiều biến động, nhằm tiếp tục khắc phục hậu quả do dịch Covid-19 gây ra, đẩy mạnh phục hồi, phát triển, ngành VHTTDL đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Báo Văn hoá là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hoạt động bình chọn 10 sự kiện Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiêu biểu năm 2023.

Với những kết quả đã đạt được, ngày 14/11/2023, Bộ VHTTDL đã có quyết định số 3465/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức bình chọn 10 sự kiện Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiêu biểu năm 2023. Báo Văn Hoá là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hoạt động bình chọn.

Ngay sau đó, Ban Tổ chức đã khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị, thực hiện các bước trong quy trình bình chọn theo Quy chế đã được ban hành.

Ban Tổ chức đã gửi công văn đến các đơn vị thuộc Bộ; các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch trên toàn quốc; Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam; Hội Di sản văn hoá Việt Nam; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Uỷ ban Olympic Việt Nam đề nghị đề cử các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình tiêu biểu trong năm 2023.

Kết thúc thời gian đề cử theo quy định, Ban Tổ chức đã nhận được gần 100 đề cử của 50 đơn vị. Trên cơ sở đó, Tổ giúp việc đã họp, bỏ phiếu chọn 30 sự kiện trình lên Ban Tổ chức.

Các nhà báo bình chọn 10 sự kiện Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiêu biểu năm 2023.

Từ kết quả này, Ban Tổ chức đã tổng hợp, lựa chọn 15 sự kiện, báo cáo Lãnh đạo Bộ để tổ chức Họp báo bình chọn 10 sự kiện Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiêu biểu năm 2023, với sự tham gia của đại diện phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.

Tổng Biên tập Báo Văn Hoá Nguyễn Anh Vũ cho biết, ngoài bình chọn trực tiếp tại Họp báo, Ban Tổ chức tổ chức bình chọn trực tuyến tại các địa chỉ http://sukienvhttdl.bvhttdl.gov.vn/; Báo Văn hoá điện tử: www.baovanhoa.vn; Báo Điện tử Tổ quốc: www.toquoc.vn. Thời gian bình chọn trực tuyến từ 8h30 ngày 5/12/2023 - 17h ngày 7/12/2023.

Danh sách 10 sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiêu biểu năm 2023 sẽ được Ban Tổ chức công bố ngày sau khi tổng hợp kết quả bình chọn từ hai hình thức trên.

Tại buổi Họp báo, ông Phan Thanh Nam, Phó tổng Biên tập Báo Văn Hoá đã trình bày thuyết minh đề cử 10 sự kiện.

ĐỀ CỬ 15 SỰ KIỆN VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TIÊU BIỂU NĂM 2023
Lĩnh vực văn hóa:
1. Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam
Chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm 80 năm ra đời bản đề cương về văn hóa Việt Nam đã được Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp cùng các Ban, Bộ, ngành và địa phương tổ chức nhằm nhìn lại và tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn của bản đề cương. Điểm nhấn là Hội thảo khoa học quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” do Bộ VHTTDL, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
Cùng với đó là các hoạt động: Tuần phim kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam; Phim tài liệu 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam; Triển lãm ảnh; Lễ kỷ niệm và Chương trình nghệ thuật với chủ đề Đề cương Văn hóa Việt Nam- Những dấu ấn lịch sử…
2. Lần đầu tiên tổ chức sự kiện “Tuyên dương 78 gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023” và Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc
Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa (28/8/1945 – 28/8/2023), lần đầu tiên, Bộ VHTTDL trang trọng tổ chức Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023, tôn vinh 78 gương điển hình có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực phát triển của toàn ngành. Có thể nói đây là một Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực đối với đội ngũ cán bộ ngành VHTTDL. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư chúc mừng Hội nghị, động viên đội ngũ cán bộ toàn ngành tiếp tục cố gắng, nỗ lực phấn đấu để đạt được những thành tựu mới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng trân trọng những cống hiến, đóng góp của đội ngũ làm văn hóa trên toàn quốc; nhiệt liệt chúc mừng 78 điển hình tiên tiến được tuyên dương và ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được của toàn Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thời gian qua.
Cũng trong dịp kỷ niệm 78 năm ngày thành lập ngành, Bộ VHTTDL lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Cán bộ Văn hóa toàn quốc. Hơn 1.000 cán bộ làm công tác văn hóa đã tham dự Hội nghị để gặp gỡ, cùng nhìn lại chặng đường đã đi qua và nhận diện các mô hình tiêu biểu trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở nhằm nhân rộng, lan tỏa trong đời sống xã hội.
3. Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới
Vào hồi 17h39 phút ngày 16/9/2023 giờ địa phương (tức 21h39 phút ngày 16/9/2023 giờ Việt Nam), tại Thủ đô Riyadh nước Cộng hòa Ả-rập Xê-út, Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã gõ búa thông qua hồ sơ đề cử, công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Đây là Di sản Thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên ở Việt Nam, là bài học kinh nghiệm hữu ích trong việc kết hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới ở Việt Nam trong những năm tới.
4. Việt Nam trúng cử Thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023 – 2027
Ngày 22/11/2023 tại thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp, trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 24 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới (Công ước Di sản Thế giới), Việt Nam đã trúng cử trở thành Thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027. Có 173 quốc gia bỏ phiếu, 171 phiếu hợp lệ, Việt Nam đạt 121 phiếu, đứng thứ nhất trong nhóm 4 khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đứng thứ 2 trong tổng số 9 nước ở 5 khu vực được bầu, trong tổng số 195 quốc gia thành viên.
Với tư cách là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để đóng góp hơn nữa cho việc hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu và ưu tiên của Công ước Di sản Thế giới, chia sẻ các kinh nghiệm trong xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển các Di sản Thế giới tại Việt Nam.
5. Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” hồi hương
Sự kiện này là kết quả của hơn một năm đàm phán, thương thảo và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan về việc dừng đấu giá công khai Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” tại Paris, Pháp tháng 11/2022 và cùng thỏa thuận thống nhất các yêu cầu cho việc chuyển giao Ấn vàng cho phía Việt Nam theo đề nghị của Đoàn công tác liên ngành do Bộ VHTTDL chủ trì cùng các Bộ Ngoại giao, Tư Pháp, Tài chính, Công an và sự hỗ trợ đặc biệt của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.
Bên cạnh giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật…, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là di sản văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng với dân tộc, là biểu trưng quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định của tiến trình lịch sử Việt Nam, đánh dấu mốc quan trọng cho sự chuyển giao từ chế độ quân chủ hơn nghìn năm sang nền dân chủ của nhân dân Việt Nam - nhà nước Việt Nam mới - Dân chủ cộng hòa, tiền thân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thời đại Hồ Chí Minh.
6. Công nghiệp văn hóa có nhiều thành tựu nổi bật. Hội An, Đà Lạt được công nhận Thành phố sáng tạo của UNESCO
Trong dịp kỷ niệm Ngày Các thành phố Thế giới (31/10/2023), Tổng Giám đốc UNESCO đã ký Quyết định công nhận Đà Lạt và Hội An chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN).
Năm 2023 cũng là năm ghi nhận nhiều điểm sáng trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Việc tạo điều kiện tổ chức thành công 2 đêm diễn của nhóm nhạc BlackPink tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, nhiều địa chỉ như Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, làng nghề Lụa Vạn Phúc, thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái… liên tục đổi mới cách tiếp cận, khai thác để biến các lĩnh vực văn hóa thành nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, phát triển du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ đang cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong học hỏi, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; quyết tâm thực hiện mục tiêu đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.
7. Tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I tại tỉnh Lai Châu, năm 2023
Đây là minh chứng thiết thực thể hiện cụ thể hoá sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc, công tác phát triển chính sách, văn hoá, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, nhất là các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; cũng như tập trung quảng bá tiềm năng, thế mạnh văn hóa, du lịch của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; thực hiện chính sách đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc.
Sự kiện còn tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc rất ít người; góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ trong việc bảo vệ văn hóa truyền thống. Đây cũng là dịp để lan tỏa, quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS, nhất là các dân tộc có số dân dưới 10.000 người tới bạn bè trong nước và quốc tế; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các ban, bộ, ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Lĩnh vực thể thao:
8. Thể thao Việt Nam lần đầu tiên dẫn đầu bảng tổng sắp khi thi đấu ở nước ngoài tại Đại hội thể thao lớn khu vực Đông Nam Á - SEA Games 32, tổ chức tại Campuchia tháng 5/2023
SEA Games 32 tổ chức từ ngày 26/4 – 18/5/2023 tại Campuchia gồm 36 môn thể thao với tổng số 581 nội dung. Sau 20 ngày thi đấu, Đoàn Thể thao Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giành được tổng cộng 359 huy chương các loại, trong đó 136 huy chương vàng, 105 huy chương bạc, 118 huy chương đồng, phá 12 kỷ lục và thiết lập 4 kỷ lục SEA Games. Đặc biệt đây là lần đầu tiên Thể thao Việt Nam dẫn đầu toàn đoàn tại một kỳ Đại hội thể thao lớn nhất khu vực khi thi đấu ở nước ngoài.
9. Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tham dự Vòng chung kết FIFA World Cup nữ 2023
Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia tham dự Vòng chung kết FIFA World Cup nữ 2023 diễn ra tại New Zealand và Australia từ ngày 20/7 đến 20/8/2023 là sự kiện quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam trong năm 2023. Đây là thành tích có ý nghĩa lịch sử của bóng đá nước nhà nói riêng và bóng đá Đông Nam Á nói chung. Dù không thể tạo nên bất ngờ khi thua cả 3 trận trước Mỹ, Bồ Đào Nha và Hà Lan tại vòng bảng nhưng các cô gái của chúng ta đã để lại dấu ấn đậm nét về một tinh thần Việt Nam không bao giờ từ bỏ trước khó khăn, thử thách, luôn ra sân thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo và người hâm mộ.
10. Bắn súng Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử giành huy chương vàng tại Đại hội Thể thao châu Á - Asian Games
Thời khắc lịch sử của bắn súng Việt Nam đã được ghi tại Asian Games 19 vào ngày 28.9.2023 khi xạ thủ Phạm Quang Huy xuất sắc trở thành xạ thủ đầu tiên mang về chiếc HCV quý giá tại đấu trường lớn nhất châu lục.
Với điểm số 240,5, Quang Huy đã đánh bại xạ thủ Lee Won Ho (Hàn Quốc) trong loạt bắn chung kết để giành tấm huy chương vàng đầu tiên cho bắn súng Việt Nam ở đấu trường Asian Games. Đồng thời đây cũng là huy chương vàng đầu tiên của Đoàn thể thao Việt Nam tại Asian Games 19 sau nhiều ngày chờ đợi.
11. Nguyễn Thị Thật vô địch châu Á, giành suất tham dự Olympic Paris 2024
Tại Giải xe đạp vô địch châu Á 2023 diễn ra ở Thái Lan vào giữa tháng 6/2023, tay đua nữ số 1 Việt Nam Nguyễn Thị Thật đã xuất sắc giành chiến thắng ở nội dung xuất phát đồng hàng nữ. Với kết quả này, Nguyễn Thị Thật đã bảo vệ thành công tấm HCV nội dung xuất phát đồng hàng nữ, đây cũng là chức vô địch thứ ba của tay đua quê An Giang tại đấu trường châu lục sau các năm 2018 và 2022.
Thành tích này cũng giúp Nguyễn Thị Thật chính thức có suất tham dự Olympic Paris 2024. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, xe đạp đường trường Việt Nam có một VĐV được dự Thế vận hội. Với thể thao Việt Nam, Nguyễn Thị Thật chính là VĐV giành quyền đến Ngày hội thể thao lớn nhất thế giới bốn năm mới diễn ra một lần vào năm sau. Chiến thắng của Nguyễn Thị Thật cũng là nguồn động viên tinh thần to lớn giúp các VĐV khác tiếp tục nỗ lực tập luyện, thi đấu để mang về thêm những suất dự Olympic cho thể thao Việt Nam.
Lĩnh vực du lịch:
12. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 ngày 15/3 và Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững ngày 15/11. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững
Ngày 15/3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về du lịch với sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp... và trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố. Hội nghị đã đánh giá hiệu quả hoạt động du lịch sau 1 năm mở cửa hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, thảo luận những hạn chế, điểm nghẽn và giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp du lịch Việt Nam sớm phục hồi và phát triển một cách bền vững.
13. Ngày 14/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP về việc thực hiện áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và Nghị quyết số 128/NQ-CP nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày đối với 13 nước được đơn phương miễn thị thực
Nghị quyết này được coi là sự “cởi trói” đúng lúc cho ngành Du lịch, phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, đồng thời phù hợp với xu thế mở cửa của các nền kinh tế trên thế giới.
Các giải pháp mang tính đột phá này đã khẳng định chủ trương mở cửa đối với người nước ngoài đến Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi để khách du lịch tới Việt Nam.
14. Du lịch Việt Nam đạt nhiều giải thưởng của Tổ chức du lịch thế giới năm 2023. Trong đó, lần thứ 4 Việt Nam được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới; lần thứ 5 được bình chọn là Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á
Năm 2023, Việt Nam tiếp tục đoạt hàng loạt giải thưởng tại Lễ trao giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards- WTA). Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) vừa diễn ra tại thành phố Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) đã vinh danh Việt Nam là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới năm 2023. Đây là lần thứ 4 Việt Nam đón nhận giải thưởng danh giá này sau 3 lần trước vào năm 2019, 2020 và 2022.
Hà Nội vinh dự nhận danh hiệu “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Thế giới 2023”. Đảo ngọc Phú Quốc đạt danh hiệu “Điểm đến biển đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới 2023”.
Mộc Châu được tôn vinh là “Điểm đến thiên nhiên địa phương hàng đầu thế giới 2023”; Hà Nam giành được giải thưởng “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới 2023”; Tam Đảo đạt danh hiệu “Điểm đến thị trấn hàng đầu thế giới 2023”, cùng nhiều hạng mục giải thưởng khác dành cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch của Việt Nam.
Trước đó, ở Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) khu vực châu Á và châu Đại Dương lần thứ 30 năm 2023 diễn ra tại TP.HCM tối 6/9/2023, Việt Nam đoạt hàng loạt giải thưởng du lịch hàng đầu châu Á- Thái Bình Dương 2023.
Ở cấp quốc gia, Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu Á 2023” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2023”. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam xuất sắc đạt danh hiệu “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á 2023”.
Tháng 7/2023, Tạp chí du lịch nổi tiếng The Travel của Canada bình chọn Việt Nam là 1 trong 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới từ khảo sát do InterNations tiến hành dựa trên câu trả lời của 12.000 người thuộc 174 quốc gia.
Năm 2023, ngành Du lịch phục vụ khoảng 110 triệu khách du lịch nội địa, 13 triệu khách quốc tế
Lĩnh vực gia đình:
15. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2023; kèm theo đó là Nghị định 76/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành ngày 1/11/2023 và có hiệu lực ngày 25/12/2023
Từ 1/7/2023, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi năm 2022 có hiệu lực. Luật có nhiều điểm mới tiến bộ, Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 kế thừa đầy đủ các chế định cơ bản của Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2007 còn phù hợp, có điều chỉnh, sửa đổi để khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện.
Tin liên quan
Tin khác