Năm nay, ngoài đội chủ nhà Phước Hòa, Hội thi còn có 3 đội nằm ven đầm Thị Nại là Phước Thắng, Phước Sơn và Phước Thuận, với hơn 60 vận động viên tham gia, tranh tài ở các nội dung: Bắt vịt trên sông; sõng câu chống sào, sõng câu bơi dầm 500 m và đua thuyền rồng tập thể nam 2000 m và nữ 800 m.
Biểu diễn văn nghệ tại Hội đua thuyền. |
Mặc dù, Hội thi đến 14 giờ 30 phút mới khai mạc, nhưng từ 13 giờ đến 14 giờ đã có hàng ngàn người dân đổ về đứng chật kín hai bên bờ sông, bất chấp cái nắng oi ả những ngày đầu năm chiếu rọi. Tiếng trống chầu liên tục ngân vang; tiếng cười đùa, trò chuyện của khán giả đến xem hội đua thuyền làm cho không khí ngày hội trở nên sôi động và nhộn nhịp.
Tranh tài sôi nổi
15 giờ, nội dung thi đầu tiên - “bắt vịt trên sông” - bắt đầu. Những “chú vịt” được thành viên Ban tổ chức thả từ bo bo xuống dưới nước “nhào lộn”, lập tức các vận động viên thể hiện tài nghệ ngụp lặn của mình. Chứng kiến những màn bơi, lặn không khác gì những “rái cá”, khán giả đứng trên bờ sông tỏ vẻ thích thú, vỗ tay cổ vũ nhiệt tình. Sau gần 10 phút tranh tài, các vận động viên nhanh tay đã “tóm” được các chú vịt mang lên bờ.
Tiếp sau nội dung thi “bắt vịt trên sông”, các vận động viên ở 4 xã bước vào phần tranh tài ở môn thi sõng câu chống sào, có cự ly đua 500m. Đây là môn thi đòi khỏi sự khéo léo, nhanh nhẹn, dẻo dai, chính xác trong từng động tác điều khiển tay chèo. Bất chấp cái nắng đầu xuân, cùng những đợt sóng dồn dập, các vận động viên tham gia thi đã phô diễn kỹ năng điều khiển chiếc sõng lướt trên mặt sóng thanh thoát đến tuyệt vời. Sau gần 15 phút so kè hấp dẫn, vận động viên Đặng Văn Hoàng (xã Phước Hòa) đã cán đích đầu tiên và giành giải nhất.
Khán giả đứng chật kín trên sông Gò Bồi, reo hò, cổ vũ nhiệt tình cho các đội về tham gia Hội đua thuyền. |
Sôi nổi nhất là môn đua thuyền rồng tập thể với đường đua dài 2000 m. Điểm đặc biệt ở nội dung thi này, các thuyền tham gia đua được làm công phu với thiết kế đầu rồng, trang trí nhiều hoa văn đẹp mắt được chuẩn bị trước đó hàng tháng và do tập thể cả xã đầu tư - bởi chiếc thuyền đua là đại diện bộ mặt địa phương. Khi cờ lệnh phất, 4 thuyền rồng của 4 xã xuất phát cũng là lúc tiếng cổ vũ, tiếng hò reo, tiếng trống thúc giục làm sôi động cả vùng sông nước.
Điểm nổi bật ở Hội đua thuyền năm nay, là sự tham gia của các vận động viên nữ đến từ 2 xóm Trị Bình và Trị Đông (thôn Kim Đông, xã Phước Hòa). Không kém cạnh các tay chèo nam, các vận động viên nữ cũng thể hiện được sự bền bỉ, tinh thần thi đấu bằng những đường chèo đều tay, giàu sức mạnh, đến màn nước rút thần tốc trong tiếng reo hò, cổ vũ của đông đảo bà con dọc 2 bên bờ sông.
Vận động viên Nguyễn Thị Thúy Vân, 40 tuổi, đến từ đội đua xóm Trị Bình, thôn Kim Đông, hồ hởi: “Đây là lần đầu tiên tôi vinh dự được góp mặt tham gia Hội thi đua thuyền truyền thống tại quê nhà. Bản thân tôi thấy rất vui. Hy vọng qua nội dung thi lần này, sẽ có nhiều chị, em ở các xã khác tham gia, góp phần mang lại không khí tươi vui cho ngày xuân; đồng thời, lưu giữ lại giá trị văn hóa truyền thống cho huyện nhà”.
Trong khi đó, cụ Dương Thị Bích Yến, 71 tuổi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, bộc bạch: “Tận mắt xem các chị, em trổ tài, tôi cũng thấy tự hào. Như anh thấy, các chị đua có kém gì các anh đâu. Chị nào cũng khỏe, cũng nhanh…”.
Những màn so kè hấp dẫn giữa các đội thi nội dung đua thuyền rồng tập thể. |
Nơi lưu giữ giá trị lịch sử
Hội đua thuyền trên sông Gò Bồi và phiên chợ Gò Trường Úc là nét văn hóa đặc trưng trong dịp xuân về, Tết đến của người dân huyện Tuy Phước. Đây không chỉ là dịp gặp gỡ, giao lưu của bà con cư dân ven đầm Thị Nại, mà còn là nơi để thắt chặt tinh thần đoàn kết, cùng hướng về cội nguồn lưu giữ những giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc.
Sông Gò Bồi nằm trong hệ thống sông Côn, chảy qua địa phận Gò Bồi thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, rồi đổ ra đầm Thị Nại. Xưa kia, Gò Bồi là vùng đất phồn thịnh “trên bến, dưới thuyền”, sông rất sâu nên ghe thuyền ở tận trong Nam, ngoài Bắc thường xuyên ghé vào đây mua bán trao đổi hàng hóa. Trải qua hàng trăm năm, vùng đất này tiến về phía biển, cho dù không còn cảnh sầm uất của cảng thị ngày nào, nhưng Hội đua thuyền trên sông Gò Bồi vào chiều mùng 2 tết vẫn được duy trì, bởi hoạt động này gắn bó mật thiết với cư dân ven đầm Thị Nại. Nó khơi dậy truyền thống quê hương vùng sông nước trong đánh giặc ngoại xâm trước đây, cũng như trong xây dựng quê hương đất nước ngày nay.
Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Phạm Tích Hiếu, chia sẻ: Hội đua thuyền được tổ chức hằng năm là dịp tôi luyện sức dẻo dai, phục vụ đánh bắt cũng như nuôi trồng thủy sản của ngư dân trong vùng. Mặt khác, đây cũng là hoạt động tinh thần thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người dân miền biển… Đây chính là nét đẹp thể thao văn hóa trong Hội đua thuyền truyền thống trên sông Gò Bồi, mà vận động viên cũng chính là những ngư dân quanh năm bám biển, bám đầm.
Các vận động viên thi đấu nội dung sõng đơn chống sào chuẩn bị bước vào thi đấu. |
Tưng bừng Hội đua thuyền trên sông Gò Bồi. |
Các vận động viên nữ mang lại hơi thở mới cho Hội đua thuyền năm nay. |
Kết quả Hội đua thuyền truyền thống trên sông Gò Bồi: + Nội dung đua thuyền rồng tập thể nam: xã Phước Hòa đã giành giải nhất. Đối với nữ, giải nhất thuộc về đội đua thuyền rồng tập thể xóm Trị Bình. + Ở nội dung sõng câu bơi dầm, vận động viên Đặng Văn Hoàng (xã Phước Thuận) giành giải nhất. + Nội dung sõng câu chống sào, giải nhất thuộc về vận động viên Nguyễn Văn Sỹ (xã Phước Hòa). |
Gia Nguyễn