Biwase hiện có nợ phải trả cao gấp hơn 2 lần so với vốn chủ sở hữu. |
Rắc rối nợ nần
Theo báo cáo tài chính năm 2018 đã kiểm toán của Biwase, nợ phải trả của Công ty tại thời điểm 31/12/2018 có giá trị khá lớn, đạt mức 9.652 tỷ đồng, cao gấp hơn 2,3 lần so với vốn chủ sở hữu.
Trong cơ cấu tài chính, tỷ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu cao hơn 1 đã có thể coi là doanh nghiệp đứng trước rủi ro về thanh toán. Công cụ đo lường các con số này thường được các nhà phân tích sử dụng là tỷ số nợ trên vốn chủ sở hữu, còn gọi là tỷ số D/E (Debt to Equity Ratio - DER) là tỷ lệ giữa vốn huy động bằng cách đi vay và vốn chủ sở hữu, phản ánh năng lực quản lý nợ và quy mô tài chính của doanh nghiệp. Nếu D/E lớn hơn 1 nghĩa là doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có và phải đối mặt với những rủi ro trong việc trả nợ, rủi ro biến động lãi suất ngân hàng.
Trong trường hợp của Biwase, việc tỷ số D/E lên tới 2,3 lần cho thấy, nợ phải trả của công ty này có quy mô lớn hơn quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu, nói nôm na là doanh nghiệp đang đi vay mượn nhiều hơn gấp tới 2,3 lần số vốn hiện có, nên rất dễ gặp rủi ro trong việc trả nợ. Đặc biệt, doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất ngân hàng ngày một tăng cao.
Cũng trong các chỉ số cơ bản về vốn, do con số vay nợ ở mức cao, nên tỷ lệ vốn cổ đông (Equity Ratio) của Biwase khá thấp. Đây là tỷ số so sánh giữa vốn cổ đông với tổng tài sản của doanh nghiệp. Tỷ số này phản ánh tỷ lệ phần trăm giá trị tài sản còn lại mà cổ đông nhận được khi công ty giải thể hoặc phá sản.
Khi thanh lý công ty, cổ đông được xem như là chủ thể chịu thiệt thòi nhất trong các bên liên quan. Lý do là, khi doanh nghiệp giải thể, thì công ty phải ưu tiên thanh toán cho các chủ nợ trước, bao gồm các khoản nợ cơ bản như nộp thuế, trả tiền vay vốn, lương nhân viên,… phần còn lại mới phân bổ cho cổ đông theo tỷ lệ vốn cổ đông này. Thông thường, tỷ lệ vốn cổ đông ít nhất phải đạt mức khoảng 0,5 trở lên mới được coi là con số tạm an toàn (đó là chưa tính đến tính thanh khoản của các tài sản trong trường hợp phải bán thanh lý). Trong trường hợp của Biwase, tỷ lệ vốn cổ đông chưa đến 0,3.
Trong cơ cấu nợ, cả nợ dài hạn và nợ ngắn hạn trong năm 2018 của Biwase đều tăng khá mạnh so với năm trước. Theo đó, nợ ngắn hạn tăng 39% và nợ dài hạn tăng 22%.
Đối với nợ dài hạn, các khoản phải trả dài hạn và vay tài chính dài hạn trong năm 2018 đều tăng so với năm 2017. Cụ thể, phải trả dài hạn tăng 22,6%, còn vay và thuê tài chính dài hạn tăng hơn 19%.
Tại thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, khoản phải trả dài hạn lớn nhất là khoản hơn 4.900 tỷ đồng nguồn vốn nước ngoài tài trợ cho các ban quản lý dự án. Khoản này tại thời điểm cuối năm 2018 đã tăng thêm hơn 29% so với đầu năm. Khoản phải trả dài hạn có giá trị lớn thứ hai là hơn 258 tỷ đồng vốn vay Ngân hàng Thế giới tại Ban Quản lý cấp nước và vệ sinh Nam Thủ Dầu Một - Dự án Dĩ An.
Trong khi đó, điểm nhấn đáng chú ý trong nợ ngắn hạn năm 2018 là giá trị tăng vọt hơn 8 lần của các khoản phải trả ngắn hạn khác, lên mức 1.097 tỷ đồng. Trong đó, một khoản phải trả được ghi nhận do Công ty dự trù việc trả cổ tức cho cổ đông với giá trị 105 tỷ đồng. Tuy nhiên, lý do chính khiến khoản mục phải trả ngắn hạn khác tăng vọt là khoản 843 tỷ đồng phải trả Sở Tài chính Bình Dương tiền tạm ứng vốn ngân sách nhà nước.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một chuyên viên phân tích thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán Maybank KimEng cho biết, đây là tiền tạm ứng từ Dự toán ngân sách năm 2019 để thực hiện Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải Dĩ An. Trong tháng 1/2019, Công ty đã hoàn trả khoản tiền này cho Sở Tài chính Bình Dương từ nguồn vốn ODA tài trợ cho Dự án.
Ngoài ra, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn cũng chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu nợ ngắn hạn, đạt 762,6 tỷ đồng, tăng 13,3% so với đầu năm.
Về lãi suất các khoản vay, trả lời phóng viên Báo Đầu tư, bà Dương Anh Thư, Trưởng ban Kiểm soát, kiêm Người công bố thông tin của Biwase cho biết, lãi suất trung bình của các khoản vay trung, dài hạn của Công ty khoảng 5,97%/năm (gồm các khoản vay ưu đãi ODA, Quỹ Đầu tư phát triển địa phương, Quỹ Bảo vệ môi trường, các ngân hàng thương mại…).
Theo bà Thư, các khoản vay đầu tư được giải ngân theo tiến độ dự án. Hiện tại, đa số các dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả, khấu hao dự án đảm bảo đủ trả nợ vay và tích lũy tái đầu tư.
Trên thực tế, lãi suất các khoản vay chênh lệch nhau khá nhiều giữa các nguồn vốn khác nhau. Ngoài các khoản vay lãi suất thấp từ các tổ chức quốc tế và Quỹ Đầu tư phát triển, hiện Biwase cũng phải chịu lãi suất khá cao cho một số khoản vay từ các ngân hàng thương mại (vay Ngân hàng Công thương Bình Dương, Ngân hàng Nam Á có lãi suất lên tới 8,7%; khoản vay từ Ngân hàng TMCP Quốc tế có lãi suất tới 8,9%...).
Nhức nhối đầu tư tài chính
Ngoài các câu chuyện vay nợ phức tạp kể trên, hoạt động đầu tư tài chính của Biwase cũng có những con số làm xót ruột cổ đông, trong đó có việc phải tăng trích lập dự phòng đầu tư tài chính thêm gấp nhiều lần trong năm 2018.
Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, Công ty Nước và Môi trường Bình Dương đặt mục tiêu tổng doanh thu tăng 10% so với thực hiện năm 2018, lợi nhuận trước thuế tăng 10%. Trước đó, năm 2018, Công ty đạt tổng doanh thu 2.247 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 313 tỷ đồng.
Về một số chỉ tiêu khác, sản lượng nước thương phẩm tăng 10%, rác và các loại tiếp nhận xử lý tăng 10%. Công suất thu gom xử lý nước thải đạt 15.500 m3/ngày, khách hàng tăng 34.150 đầu mối, cổ tức 10% vốn điều lệ.
Một trong những con số đáng quan tâm đối với nhà đầu tư là sự tăng vọt gấp hơn 2 lần của các khoản đầu tư tài chính dài hạn, đạt mức 654 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2018. Trong đó, điều đáng chú ý là, con số tăng tốc của dự phòng đầu tư tài chính dài hạn lên mức hơn 58 tỷ đồng, gấp 7,25 lần so với đầu năm.
Trong các khoản đầu tư vào công ty liên kết, năm 2018, Biwase đã thực hiện mua gần 2,5 triệu cổ phần của Công ty Đầu tư Xây dựng Chánh Phú Hòa, với hơn 49 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ phần của Biwase tại Chánh Phú Hòa là 43,12%.
Trong khi đó, tại các khoản đầu tư vào đơn vị khác, Biwase đã khá hào phóng chi tiền đầu tư mua cổ phần tại 3 doanh nghiệp và đáng tiếc là cả 3 khoản đầu tư này đến cuối năm 2018 đều bị hao hụt vốn so với số tiền lúc đầu tư ban đầu.
Cụ thể, Biwase đã nhận chuyển nhượng 2,7 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai (BNW) từ Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Dầu Một. Đến ngày 31/12/2018, tổng số cổ phiếu BNW do Biwase sở hữu là 17,7 triệu cổ phiếu, tổng giá trị tiền gốc đầu tư là hơn 273 tỷ đồng và giá trị hợp lý tại thời điểm 31/12/2018 là hơn 230 tỷ đồng.
Khoản đầu tư thứ hai được Biwase thực hiện trong năm 2018 là việc mua 12 triệu cổ phần Tổng công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu Bình Dương (PRT), giá gốc đầu tư gần 214 tỷ đồng và giá trị hợp lý vào cuối năm 2018 là 204 tỷ đồng.
Một khoản đầu tư nữa là giao dịch mua thêm 12 triệu cổ phần Tổng công ty Thương mại Xuất nhâp khẩu Thanh Lễ (TLP), với giá gốc đầu tư gần 18,4 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2018, khoản đầu tư này bị “bốc hơi” khoảng 30%, nên giá hợp lý chỉ còn gần 13 tỷ đồng.
Giải thích về các khoản trích lập dự phòng, bà Thư cho biết, cuối năm 2018, Công ty có trích lập các khoản dự phòng đầu tư tài chính 58,2 tỷ đồng theo quy định. Để khắc phục những vấn đề trên, đại diện Biwase cho biết, kế hoạch của Công ty trong năm 2019 là sẽ đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn góp của Biwase để tăng cường hiệu quả hoạt động và qua đó tăng cường hiệu quả sử dụng vốn đầu tư tài chính tại các công ty trên.