Tại Việt Nam, công nghệ blockchain đang được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, trong đó có y tế. Ảnh: Đức Thanh |
Blockchain được ứng dụng tại 50 ngành nghề khác nhau
Việt Nam hiện là một trong những thị trường tiềm năng nhất cho blockchain. Các dự án blockchain phát triển tại Việt Nam đã gây được tiếng vang trên thị trường thế giới, tạo ra nhiều nền tảng, giải pháp công nghệ hữu ích, thu hút nhiều nhà đầu tư.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của MarketsandMarkets, thị trường thiết bị liên quan đến blockchain tại Việt Nam dự kiến đạt giá trị gần 2,5 tỷ USD vào năm 2026, tăng gấp 5 lần so với năm 2021. Trong top 200 công ty, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dựa trên công nghệ blockchain, có 7 doanh nghiệp do người Việt Nam thành lập. Việt Nam cũng là một trong 5 quốc gia đi đầu về blockchain, hiện có khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo người Việt Nam trong lĩnh vực blockchain, với vốn hóa trên 100 triệu USD.
Ấn tượng của thế giới đối với blockchain Việt Nam là các dự án liên quan đến game, tiền kỹ thuật số như Axie Infinity, Coin98, Kyber Network, TomoChain, KardiaChain… Chỉ trong 6 tháng cuối năm 2021, các dự án blockchain là game blockchain, Crypto, NFT đến từ Việt Nam đã gọi được hơn 500 triệu USD.
Tuy nhiên, trên thực tế, tiền mã hóa, tài chính phi tập trung, game chỉ là số ít ứng dụng của blockchain. Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Chủ tịch Decom Holdings cho rằng, nhiều người đang nhầm tưởng toàn bộ công nghệ blockchain là dùng cho tài chính. Thực ra, tài chính là ngành chấp nhận công nghệ, ứng dụng công nghệ nhanh và tác động vào lợi ích giá trị, nên chúng ta cảm nhận được ngay.
“Blockchain có những đặc tính rất tuyệt vời như chống giả mạo, minh bạch, phi tập trung. Một loạt quốc gia như UAE, Estonia, Luxembourg, Thụy Sỹ… đã đưa blockchain vào quản lý dân cư, căn cước điện tử. IBM, Amazon, Mc Kinsey đã đưa blockchain vào quản trị chuỗi cung ứng…”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết.
Việt Nam mở rộng ứng dụng blockchain
Tại Việt Nam, ứng dụng blockchain cho nhiều ngành nghề đã và đang được thực hiện. Ví dụ, FPT hiện có nền tảng akaChain ứng dụng công nghệ blockchain với những tính năng như chấm điểm tín dụng, truy xuất nguồn gốc và nền tảng eTradevn ứng dụng blockchain trong thư tín dụng nội địa.
Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc công nghệ FPT cho biết, blockchain có 4 ứng dụng lớn, mang lại ý nghĩa to lớn cho cuộc sống.
Đầu tiên là quản lý chuỗi cung ứng. Chẳng hạn, khi chúng ta vào nhà hàng và ăn một món ăn, nhà hàng đó không thể kiểm soát được nguyên liệu đầu vào, nhưng blockchain có thể quản lý việc này.
Thứ hai là lĩnh vực bảo hiểm và y tế. Việc ứng dụng blockchain sẽ giúp giải quyết những khúc mắc như cho phép các hệ thống thông tin y tế làm việc cùng nhau để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiệu quả cho các cá nhân và cộng đồng.
Thứ ba là các chương trình đầu tư bất động sản. Tại Việt Nam, một số công ty đã chia tài sản thành các token và mọi người dù ít tiền cũng có thể tham gia đầu tư bất động sản.
Thứ tư là định danh điện tử. Blockchain là nền tảng tốt nhất cho việc định danh điện tử.
Ở lĩnh vực bất động sản, theo TS. Alex Phạm, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu thị trường Dat Xanh Services, công nghệ blockchain mã hóa các văn bản như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ đỏ, hợp đồng mua bán..., nên minh bạch hơn, an toàn hơn và chi phí thấp hơn. Hoặc bất động sản mã hoá blockchain được hình thành khi các chủ dự án ủy quyền cho công ty công nghệ uy tín, chia địa ốc của họ thành nhiều phần bằng nhau, sau đó mã hóa thành các token kỹ thuật số giao bán công khai, minh bạch trên các ứng dụng.
Với lĩnh vực định danh cá nhân, ông Phan Hồng Minh, CEO Công ty cổ phần Phát triển dịch vụ Nhà sạch HMC cho biết, thông qua công nghệ blockchain, các thông tin định danh số của người giúp việc được tự động ghi nhận cùng với mốc thời gian và không thể xóa hoặc thay đổi mà không để lại dấu vết. Các dữ liệu này được lưu trữ bảo mật và đảm bảo tính riêng tư. Người giúp việc có toàn quyền quản lý và truy xuất dữ liệu này thông qua nền tảng blockchain.
Trong ngành nông nghiệp, hàng loạt công ty đã ứng dụng blockchain vào truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm khi ứng dụng công nghệ blockchain gồm nhà sản xuất, nhà chế biến/đóng gói, nhà trung gian (vận chuyển, đóng gói lại, siêu thị, bán lẻ), người tiêu dùng. Các mắt xích tham gia giao dịch trong hệ thống đều được cấp một địa chỉ blockchain.
Ở ngành tài chính, các ngân hàng như BIDV, MB, VPBank, Vietcombank đã ứng dụng công nghệ blockchain trong các giao dịch tài chính.
Với ngành y tế, Viettel ứng dụng blockchain vào hồ sơ bệnh án điện tử. Misa phát triển hóa đơn điện tử. Nhiều doanh nghiệp khác đã tích hợp blockchain như Masan Group, Bảo Việt, AIA…
Hãng nghiên cứu thị trường toàn cầu TechSci Research đánh giá, các ngành công nghiệp chính của Việt Nam như chăm sóc sức khỏe, năng lượng, giao thông - vận tải và sản xuất cũng cần tích hợp blockchain để phát triển. Dự kiến, trong giai đoạn 2023-2027, thị trường blockchain Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức hai con số. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ blockchain của Việt Nam tăng trưởng và phát triển.
Theo Chainalysis, từ tháng 7/2021 đến 6/2022, các giao dịch tiền điện mã hóa ở Việt Nam lên tới 112,6 tỷ USD, vượt Singapore (101 tỷ USD).
Báo cáo của Tripple A cho thấy, Việt Nam có gần 6 triệu người sở hữu tiền mã hóa.