Từ tháng 4 đến nay, khối lượng than cung cấp cho sản xuất điện đã được cải thiện so với các tháng trước. |
Bộ Công thương vừa thông tin về tình hình cấp than cho điện năm 2022 của tập đoàn Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc.
Tính đến ngày 11/5, tổng lượng than cấp cho điện khoảng 15,48 triệu tấn, trong đó TKV cấp khoảng 13,47 triệu tấn, đạt gần 37% kế hoạch tháng 5/2022; Tổng công ty Đông Bắc cấp khoảng 2,01 triệu tấn, đạt 27,77% khối lượng hợp đồng.
Dựa vào lượng than mà 2 đơn vị cung cấp những tháng qua, Bộ Công thương cho biết vẫn chưa đạt theo tiến độ Hợp đồng đã ký.
Trước đó, Bộ Công thương đã nhận được một số văn bản của một số chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than báo cáo về việc Vinacomin và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp không đủ khối lượng than trong 2 tháng đầu năm 2022 theo Hợp đồng mua bán, cung cấp than đã ký.
Tổng khối lượng than thực cấp của Vinacomin và Tổng công ty Đông Bắc 2 tháng 2022 cấp cho các nhà máy nhiệt điện than của EVN chỉ tương đương 69,24% khối lượng hợp đồng đã ký và thấp hơn nhiều so với nhu cầu vận hành của các nhà máy này.
Chỉ ra các nguyên nhân khiến lượng than cung cấp chưa đạt tiến độ theo Hợp đồng, Bộ này cho biết, 2 thấng đầu năm, ngành than thiếu hụt lao động sản xuất than do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn đến sản lượng khai thác than trong nước suy giảm và không đạt kế hoạch đề ra.
Ngoài ra, nguyên nhân đến từ khan hiếm nguồn than nhập khẩu do sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine dẫn đến giá than thế giới biến động mạnh và tăng cao so với năm 2022, gây khó khăn trong công tác nhập khẩu than cũng như hiệu quả của các doanh nghiệp sử dụng than nhập khẩu.
Việc thống nhất giá than pha trộn nhập khẩu cho sản xuất điện giữa các đơn vị còn chậm, ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị nguồn than nhập khẩu để pha trộn cho sản xuất điện.
Một số chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện chưa thực hiện nghiêm túc theo hợp đồng mua bán than đã ký: Hầu hết các nhà máy nhiệt điện than đều đã ký hợp đồng mua bán than trung hạn, dài hạn; tuy nhiên, qua theo dõi các năm vừa qua cho thấy, nhiều nhà máy chưa thực hiện đúng cam kết về khối lượng than tại hợp đồng trung hạn và dài hạn (không nhận đủ khối lượng than theo hợp đồng), gây khó khăn cho TKV và Tổng công ty Đông Bắc trong công tác dự báo, chuẩn bị kế hoạch sản xuất và cấp than cho sản xuất điện và chuẩn bị đầu tư mở rộng các mỏ than.
Trước tình hình trên, Bộ Công thương yêu cầu đơn vị sản xuất than cần thực hiện các giải pháp đảm bảo lao động sản xuất than, tăng năng lực sản xuất than tối đa theo các giấy phép khai thác khoáng sản được cấp bảo đảm phù hợp quy định của pháp luật và điều kiện kỹ thuật mỏ, tăng cường công tác nhập khẩu và pha trộn than để đảm bảo đáp ứng đủ than cho sản xuất điện cho các tháng còn lại của năm 2022 theo đúng cam kết tại hợp đồng đã ký với chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than.
Chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện chủ động khẩn trương tự thu xếp ngay nguồn than hợp lý trong nước và nhập khẩu, ngoài khối lượng TKV và Tổng công ty Đông Bắc cam kết cung cấp theo Hợp đồng mua bán than đã ký.
Sau một loạt các giải pháp nhằm đôn đốc về nguồn cung than, từ đầu tháng 4 đến nay, khối lượng than cung cấp cho sản xuất điện đã được cải thiện so với các tháng trước.
Cụ thể, khối lượng than cấp cho điện tháng 4/2022 đạt 4,12 triệu tấn, bằng 100,37% kế hoạch; từ 1-11/5, lượng than cung cấp đạt 1,42 triệu tấn, bằng 33,9% so với kế hoạch tháng 5 (4,32 triệu tấn).
Bộ Công thương cho hay, TKV và Tổng công ty Đông Bắc đã tập trung sản xuất và cung cấp than cho sản xuất điện, đảm bảo đủ thn cho vận hành của các nhà máy điện, số lượng nhà máy có lượng than dự trữ thấp giảm nhanh so với 4 tháng đầu năm 2022. Hiện tại chỉ còn nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và An Khánh 1 (không ký Hợp đồng mua bán than từ TKV và Tổng công ty Đông Bắc).
Dự kiến, cấp than các tháng cuối năm đảm bảo theo hợp đồng đã ký, theo đó tổng khối lượng than cấp cho điện năm 2022 dự kiến đạt khoảng 43,99 triệu tấn (TKV khoảng 36,84 triệu tấn; Tổng công ty Đông Bắc khoảng 7,15 triệu tấn).