Đến thời điểm hiện nay nguồn cung thịt lợn trong nước vẫn được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân và các hoạt động sản xuất, chế biến |
Theo thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, qua theo dõi, từ ngày 1/2 đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu phi đã xảy ra 19 tỉnh và chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc, tuy nhiên dịch bệnh đang có chiều hướng lan đến phía Nam do đã có 2 tỉnh Miền Trung có dịch (Nghệ An, Huế).
Đảm bảo cân đối cung cầu
Tính đến nay, tổng trọng lượng lợn bị bệnh và tiêu hủy chỉ chiếm khoảng 0,08% so với tổng nguồn cung trong năm. Đến thời điểm hiện tại nguồn cung trong nước vẫn được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân và các hoạt động sản xuất, chế biến. Trong điều kiện dịch bệnh, nguồn cung thịt cho thị trường có thể được bổ sung bằng các sản phẩm thay thế như thịt gà, bò, cá.. .
Thống kê cho thấy, năm 2018, tổng sản lượng thịt hơi các loại khoảng 5,35 triệu tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: thịt lợn hơi ước đạt 3,81 triệu tấn, tăng 2,2% so với năm 2017.
Chăn nuôi lợn đang chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại. Tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng từ trang trại năm 2014 chiếm khoảng 40 – 45% đã tăng lên 58% năm 2017 và 70 – 75% năm 2018, điều này sẽ giúp hạn chế được nguy cơ lây lan bệnh và góp phần kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Bộ Công Thương cho biết, trong trường hợp dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục lây lan tại Việt Nam có khả năng ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước, Bộ sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu từ các nước không bị ảnh hưởng bởi Dịch tả lợn Châu Phi như Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ...
Tuy nhiên, trong thời gian xảy ra dịch bệnh, người tiêu dùng sẽ e ngại hơn trong sử dụng thịt lợn nên các doanh nghiệp thương mại cũng sẽ căn cứ vào các tín hiệu của thị trường để xác định lượng nhập khẩu phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Dù nguồn cung được đảm bảo đến thời điểm này, nhưng Bộ Công Thương vẫn đang tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến cung cầu, thị trường đối với mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng thịt lợn trên địa bàn chủ động triển khai các phương án hoặc đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng bất ổn với mặt hàng thịt lợn tại thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, để cung cấp thêm thông tin đầy đủ cho người tiêu dùng, Bộ Công thương khuyến cáo tới người tiêu dùng không nên hoang mang trong sử dụng thịt lợn trong điều kiện dịch bệnh, chỉ nên cẩn trọng trong việc lựa chọn nguồn hàng bằng cách đến các địa điểm bán thực phẩm sạch, an toàn, các quầy hàng bán thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm dịch đầy đủ theo quy định.
Chốt chặn 24/24
Từ thời điểm có những lo ngại về dịch bệnh, từ tháng 9 năm 2018, Bộ Công Thương vẫn luôn theo dõi sát diễn biến và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung và kiểm soát lây lan dịch bệnh.
Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến tình hình nhập khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn, đặc biệt là từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đã phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi để thống nhất giải pháp kiểm soát nhập khẩu với các Bộ, ngành liên quan nhằm ngăn chặn sự xâm nhiễm và lây lan dịch bệnh.
Trong ngày 19 tháng 3 năm 2019, Bộ Công Thương tổ chức Đoàn kiểm tra, đôn đốc và đánh giá việc triển khai, phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tại 03 tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình. Đoàn công tác do Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh chủ trì. Tham gia Đoàn công tác có đại diện Vụ Thị trường trong nước, Vụ Kế hoạch, Cục Xuất nhập khẩu, Văn phòng Bộ, Tổng cục Quản lý thị trường.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu lực lượng quản lý thị trường thực hiện nghiêm túc chỉ đạo về việc tăng cường, phòng chống và ngăn chặn sự lây lan dịch tả lợn châu Phi, cử công chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ tại các trạm/chốt kiểm dịch động vật, các điểm nóng về kinh doanh, giết mổ động vật trái phép nhằm kiểm soát có hiệu quả việc kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch ra, vào địa bàn. Ngoài ra, các kiểm soát viên của các đội cũng tham gia vào chốt kiểm dịch tại các huyện, chốt liên huyện.