Tính đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra 17 tỉnh, TP khác trên cả nước. |
Chưa rõ nguyên nhân lây lan
Sau hơn 1 tháng kể từ khi được phát hiện lần đầu tại tỉnh Hưng Yên, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra 16 tỉnh, TP khác. Tổng số lợn bị tiêu huỷ là 23.442 con. Tại Hà Nội, dịch tả lợn châu Phi cũng đã được phát hiện tại 10 xã thuộc 6 quận, huyện gồm: Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn và Quốc Oai. Tổng số lợn bị tiêu huỷ là 437 con.
Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, bệnh dịch tả lợn châu Phi chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh môi trường và an toàn sinh học không tốt. Hiện, chưa phát hiện dịch bệnh tại các trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.
Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phạm Văn Đông cho biết, đánh giá 44 ổ dịch tại một số tỉnh, TP cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến dịch tả lợn là do vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn, sử dụng thức ăn thừa và do con người không thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Dù vậy, nguyên nhân cụ thể khiến bệnh dịch lây lan thời gian qua vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Thực tế, nhiều địa phương sau rà soát, đánh giá các ổ dịch, cũng không hiểu vì sao trên địa bàn lại xuất hiện dịch tả lợn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, ổ dịch được phát hiện tại huyện miền núi Ngân Sơn, nằm cách biệt với trung tâm, dân cư thưa thớt và người dân cũng chủ yếu sử dụng rau rừng cho chăn nuôi lợn; nhưng không hiểu sao lại có 1 con lợn bị dịch.
Băn khoăn tương tự cũng được đại diện nhiều địa phương đưa ra. “Tỉnh có 2 huyện với 11 xã đã phát hiện dịch tả lợn, nhưng rà soát kỹ 3 nguyên nhân chính mà Cục Thú y đưa ra, cũng không nhận ra nguyên nhân vì sao đàn lợn bị dịch” – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đức Quyền nói.
Người tiêu dùng cả nước không “quay lưng” với thịt lợn, ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi lợn. |
Không nên “quay lưng” với thịt lợn
Từ khi bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát đầu tháng 2/2019, Chính phủ và các bộ ngành đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp khống chế dịch bệnh. Tuy nhiên, bệnh dịch vẫn lây lan ra 52 huyện thuộc 17 tỉnh, TP. Đáng lo ngại hơn khi Bộ NN&PTNT nhận định, nguy cơ lây lan bệnh dịch sẽ còn phức tạp, nhất là tại đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc và các tỉnh phía Nam.
Nhấn mạnh những nguy cơ nhãn tiền, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nếu không quyết liệt, ráo riết trong khống chế thì bệnh dịch sẽ lây lan nhanh, ảnh hưởng lớn tới ngành hàng chăn nuôi lợn. Giải pháp cấp thiết hiện nay, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là các tỉnh, TP cần rà soát lại tổng thể các giải pháp khống chế dịch phù hợp với tình hình, thực tế điều kiện tại địa phương. Trong đó, chú trọng triển khai, thực hiện tốt các giải pháp an toàn sinh học.
“Nếu sử dụng vôi bột, rắc 1 năm vài ba lần cho các khu chăn nuôi thì không chỉ ngăn ngừa dịch bệnh được cho lợn, mà còn phòng bệnh tốt cho các loại gia súc, gia cầm khác” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Hoan nghênh nhiều tỉnh, thành phố , dù chỉ có 1 con lợn bị chết, nhưng cũng phát hiện sớm và tiêu huỷ kịp thời, Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần tiếp tục tập trung quản lý chặt chẽ đàn lợn trên địa bàn để kịp thời có phương án ứng phó khi phát hiện bệnh dịch. Tổ chức phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ nguy cơ lây lan dịch tả lợn, nhất là tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán. Đồng thời, giám sát chặt việc vận chuyển lợn qua lại các tỉnh, TP.
Lấy dẫn chứng từ việc Hà Nội đã lập tức có văn bản nhắc nhở một số trường học trên địa bàn vì không sử dụng thịt lợn trong bữa ăn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh các địa phương cần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền. Không chỉ để người chăn nuôi chung tay thực hiện “5 không”, sớm khống chế và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn lây lan, mà còn để người tiêu dùng cả nước không “quay lưng” với thịt lợn, ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi lợn.