Theo kết quả này, lĩnh vực tuyển được nhiều thí sinh nhất trong năm vừa qua là Kinh doanh và quản lý, chiếm 23,57% thí sinh tham gia xét tuyển đại học, cao đẳng khối sư phạm. Tiếp theo sau là các ngành Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Nhân văn, Sức khỏe.
Những ngành tuyển được ít thí sinh, đứng cuối bảng là: Dịch vụ xã hội, Thú y, Toán và thống kê, Khoa học tự nhiên,...
Ảnh minh họa. |
Đại diện Vụ Giáo dục Đại học cho biết, công tác tuyển sinh 2024 cơ bản ổn định. Kế hoạch thi - tuyển sinh năm 2024 cũng thực hiện sớm hơn, dự kiến cuối tháng 8/2024, các trường đại học đã có thể tổ chức khai giảng.
Năm nay, Bộ giữ ổn định quy chế tuyển sinh như hai năm trước. Điều này, giúp thí sinh ổn định tâm lý và vững tâm hơn. Với những thí sinh lần đầu tiên ứng tuyển có thể sẽ gặp bỡ ngỡ.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cũng lưu ý, các trường hiện nay vẫn có xu hướng sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, dẫn đến nhiễu thông tin cho thí sinh. Trong đó, có những phương thức xét tuyển không có thí sinh đăng ký hoặc trúng tuyển, chứng tỏ không hiệu quả.
Bộ yêu cầu các trường nên có phân tích, đánh giá cụ thể các phương thức để có định hướng lựa chọn phương thức phù hợp, chất lượng và đảm bảo công bằng cho thí sinh.
Cũng như như năm 2023, năm nay toàn bộ quy trình xét tuyển, từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học đều tiến hành trực tuyến. Đây là điểm thí sinh cần lưu ý.
Thí sinh có thể thực hiện những bước này ở bất kỳ đâu, với phương tiện là máy tính kết nối Internet. Thí sinh không bỏ lỡ những cột mốc quan trọng, bởi toàn hệ thống không thể chờ đợi một vài thí sinh để quay ngược trở lại những khâu trước đó. Chính vì thế, phải bám sát quy trình này.
Một điểm nữa thí sinh cần lưu ý là, việc tham gia vào các phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học. Theo đó, thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học đã công bố trên website, để bám sát về hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và không được bỏ lỡ thời hạn xét tuyển.
Dù được các trường thông báo trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm nhưng thí sinh nên nhớ đó chưa phải là trúng tuyển đại học. Bởi các em chưa tốt nghiệp THPT, do đó chưa thể trúng tuyển chính thức.
Bên cạnh đó, tất cả nguyện vọng của thí sinh dù trúng tuyển sớm hay sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT đều phải đăng ký trên Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nếu không nhập các nguyện vọng của mình lên hệ thống, thí sinh sẽ không được ghi nhận, không thể chính thức trúng tuyển và nhập học, dù đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm ở vài trường.
Thí sinh cần nhập nguyện vọng của mình lên hệ thống, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng cao nhất (nguyện vọng 1), sau đó đến nguyện vọng tiếp theo. Hệ thống cho phép thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng.
Được biết, năm 2023, số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT là 1.022.063 thí sinh; tổng chỉ tiêu đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non là 663.063; số thí sinh trúng tuyển đã nhập học là 546.686; tỷ lệ nhập học/chỉ tiêu là 82,45%; tỷ lệ nhập học/số dự thi tốt nghiệp THPT là 53,12%.
Năm 2023, trong các phương thức xét tuyển, xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm cao nhất 49,45%; tiếp theo sau là phương thức xét kết quả học tập bậc THPT 30,24%; thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy là 2,57%. Các phương thức khác là 14,10%.
Đáng chú ý, theo kết quả tuyển sinh năm 2023, số cơ sở đào tạo đã tiến hành xét tuyển sớm là 214/322 đơn vị. Số thí sinh trúng tuyển tuyển sớm là 375.517 em. Số nguyện vọng trúng tuyển sớm 1.268.232. Số thí sinh có trúng tuyển sớm sau lọc ảo 301.849.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo các cơ sở đào tạo cần tăng cường truyền thông, hướng dẫn thí sinh, đồng thời cần rà soát, đánh giá hiệu quả của phương thức xét tuyển sớm.
Cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống đăng ký xét tuyển và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Bộ Giáo dục và đào tạo dự kiến tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trong 2 ngày 21 và 22/6, hoặc muộn hơn sau đó một tuần (năm 2023 kỳ thi được tổ chức vào ngày 28 và 29/6).
Đối với lịch tuyển sinh đại học năm 2024 sẽ bắt đầu từ ngày 10/7. Thí sinh có thể đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đến ngày 25/7. Các thí sinh sẽ không bị giới hạn số lần đăng ký và số lượng nguyện vọng xét tuyển vào đại học.
Từ ngày 28/7 đến 3/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển đại học trực tuyến. Trước 17 giờ ngày 12/8, các trường đại học phải công bố điểm chuẩn, thông báo cho thí sinh trúng tuyển đợt 1. Sau khi nhận được thông báo trúng tuyển, đến 17 giờ ngày 18/8, thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến.
Năm 2024, Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục thực hiện quy định xây dựng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (hay còn gọi là điểm sàn xét tuyển tối thiểu) đối với 2 khối ngành là sư phạm và sức khỏe.
Dự kiến điểm sàn xét tuyển khối ngành sư phạm và sức khỏe sẽ được Bộ Giáo dục và đào tạo công bố vào ngày 20/7 để thí sinh và các trường có cơ sở xét tuyển.
Đối với các trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu được giao sẽ được phép tuyển sinh bổ sung từ tháng 9 đến hết tháng 12/2024.