“Người yếu thế tự vươn lên là bớt phần lo của Nhà nước”
Theo Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên. Tỷ lệ này trên thế giới thậm chí còn lớn hơn, khoảng 10%. Số liệu thống kê trên được ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Intracom dẫn ra tại Khóa tập huấn Nâng cao năng lực cho các nhóm yếu thế được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ do Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây.
Là một trong các diễn giả được mời đến để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho chủ doanh nghiệp và lao động là người khuyết tật, Chủ tịch HĐQT Intracom đánh giá đây là nguồn lực lao động cần được khơi dậy và giải phóng.
“Rất có thể chúng ta đã bỏ sót nhân tài, nguồn lực lao động ở đây. Bởi 6 triệu người không phải con số nhỏ. Và thực tế, có rất người kém may mắn khi họ khuyết đi một bộ phận nào đó trên cơ thể vẫn đóng góp và đạt được những thành quả khiến cho cả nhân loại phải nể phục”, vị Chủ tịch thường được nhắc đến với cái tên Shark Việt khi là gương mặt quen thuộc của chương trình truyền hình thực tế Thương vụ bạc tỷ dành riêng cho các startup Việt Nam cũng nhấn mạnh.
Khóa tập huấn Nâng cao năng lực cho các nhóm yếu thế được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ do Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây- Ảnh: Đức Trung |
Người khuyết tật có thể gặp nhiều khó khăn hơn nhưng không phải là không thể, thậm chí xuất sắc hơn người bình thường. Phát biểu tại Khoá tập huấn, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, nhiều người khuyết tật đã tự vươn lên để tìm công việc cống hiến hết sức mình cho xã hội, thậm chí vươn lên cao hơn bằng cách thành lập các doanh nghiệp xã hội giải quyết việc làm cho người yếu thế.
Cũng theo Bộ trưởng, người khuyết tật tự vươn lên cũng chính là đang góp phần giảm bớt phần lo của Đảng và Nhà nước, khi không thể vươn tới mọi ngóc ngách đối tượng.
“Các bạn cần mạnh mẽ tự tin tiến về phía trước. Bạn nào chưa có điều kiện khởi nghiệp, có thể học hỏi để có một nghề. Còn với các bạn có ý tưởng tốt có thể vươn lên thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác quy mô nhỏ giải quyết một công đoạn nào đó. Chúng ta có thể kém may mắn hơn một chút, có thể làm chậm hơn, làm ít hơn người bình thường, có thể có khó khăn hơn nhưng không phải là không thể”, Bộ trưởng gửi những lời động viên chân thành tới những người khuyết tật trong các nhóm yếu thế tham dự khoá tập huấn.
Hỗ trợ cần câu thay vì trao con cá và cam kết đồng hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Các học viên tham dự Khóa tập huấn lần này là một số chủ doanh nghiệp, người lao động khuyết tật thuộc 8 nhóm yếu thế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ có mong muốn khởi nghiệp và học tập để nâng cao năng lực trên thương trường.
Được sự khích lệ của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã do người khuyết tật làm quản lý chia sẻ những vướng mắc trong quá trình kinh doanh, giải quyết việc làm cho người khuyết tật cùng kế hoạch cho các dự án sắp tới.
Chia sẻ về ý tưởng kinh doanh thành lập Trung tâm Bảo trợ và Dạy nghề cho người yếu thế, bà Trần Thị Thuần, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Ngọc cho biết mục tiêu của trung tâm là có thể đào tạo và sau đó tiếp nhận lao động các mảng như chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ; chăm sóc sắc đẹp và bảo vệ da bằng phương pháp đông y để tận dụng nguồn dược liệu Tâm Ngọc chủ động được. Tuy nhiên, ý tưởng thành lập Trung tâm mới đang dừng lại ở hoàn thiện hồ sơ do vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc.
Ông Lê Việt Cường, nhà sáng lập Hợp tác xã Vụn Art. Ảnh: Đức Trung |
Ông Lê Việt Cường, Nhà sáng lập Hợp tác xã Vụn Art - đơn vị dạy nghề và sử dụng vải vụn bỏ đi để tạo thành sản phẩm chỉ ra vướng mắc trong chính sách bảo hiểm cho người khuyết tật. Khoản bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật tham gia thị trường lao động bị cắt đi. Khoản bảo hiểm trên cao hơn mức doanh nghiệp đóng, trong khi việc chi trả tiền bảo hiểm lại quá sức của doanh nghiệp. Chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo ông Hoài là không có ý nghĩa bởi với một doanh nghiệp xã hội dù đã hoạt động gần 10 năm cũng khó có lãi.
Với khoảng 30 người lao động, chủ yếu là các trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ, sản phẩm hiện có chỗ đứng nhất định trên thị trường rồi. Ông Cường cho biết mong muốn lớn nhất có thể chuyển đổi từ mô hình dựa trên sự hỗ trợ của cộng đồng, chính quyền thành mô hình có thể tự sống được. Bởi, theo ông, sống bằng sự ủng hộ, giúp đỡ mãi sẽ không bền vững lâu dài được.
Đồng tình với cách tiếp cận trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá rất cao tâm thế không phải đến để nhận cái gì, mà là đi tìm kiếm cơ hội làm việc, tìm kiếm sự đóng góp cho xã hội. Theo ông, đó là cách tiếp cận tốt nhất.
“Những vấn đề được các đại diện nêu rất hay, chúng tôi rất cần nghe. Nhu cầu hỗ trợ cho người khuyết tật lớn, nhưng khả năng chưa đáp ứng hết được, nên cần cả hệ thống chính trị tham gia, đồng thời tự các bạn phải vươn lên. Chúng ta sẽ gỡ dần từng vấn đề ".
Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khích lệ người bình thường làm 2 phần, thì người khuyết tật cũng hãy tự tin, làm 1 phần, không sao. Bởi sợ nhất là không dám làm, có ý tưởng tốt mà không dám triển khai. Đã mơ, đừng nên tiết kiệm, mà hãy mạnh dạn, tự tin.
Tuy vậy, dù có ý tưởng, tư tưởng lớn, khi bắt đầu cần từ mục tiêu nhỏ, rồi từ đó tiến lên mục tiêu cao hơn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng tham gia góp vốn đầu tư, nhận về 1% cổ phần với giá trị 100 triệu đồng với doanh nghiệp, hợp tác xã đã hoạt động thuộc nhóm yếu thế do Bộ bảo trợ và 50 triệu đồng với những doanh nghiệp, hợp tác xã mới khởi nghiệp có ý tưởng kinh doanh tốt. Ý tưởng đầu tư trên nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các nhóm yếu thế tham gia khoá tập huấn. Con số 1% cổ phần theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chưa tính đến chuyện đắt rẻ, mà quan trọng hơn, là cam kết cùng nhau đồng hành, cùng nhau thực hiện giấc mơ với tinh thần trách nhiệm cao hơn.
Là một trong những diễn giả của khóa tập huấn và cũng từng chốt nhiều thương vụ góp vốn vào các công ty khởi ngh, Shark Việt nhìn nhận cách quan tâm của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đối với người yếu thế là cách hỗ trợ “cần câu” chứ không phải “con cá”. Cũng ngay tại Khoá tập huấn này, các nội dung về khởi nghiệp và các cơ hội đầu tư trên thị trường dành cho các doanh nghiệp xã hội có lao động là người khuyết tật; một số nội dung cơ bản về pháp luật người khuyết tật được các diễn giả chia sẻ. Các kinh nghiệm bán hàng xuyên biên giới và marketing online đa kênh... từ chính nhóm yếu thế đã triển khai thành công trước đây cũng được chia sẻ lại, là sự tương trợ lẫn nhau trong chính cộng đồng.
"Về Bộ Kế hoạch & Đầu tư như về nhà"
Bà Trần Thị Thuần, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Ngọc. Ảnh: Đức Trung |
Chia sẻ tại Khoá tập huấn, bà Trần Thị Thuần, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Ngọc cho biết mỗi khi về với ngôi nhà Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại giống như về nhà mình.
“Chúng em cảm hơn Bộ đã tổ chức Khóa tập huấn hấp dẫn và thiết thực này. Nội dung tập huấn đúng và trúng với những yếu thiếu mà các doanh nghiệp xã hội như chúng em đang phải đối mặt như: yếu về gọi vốn, marketing, am hiểu pháp luật. …”, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Ngọc nói.
Từ năm 2018 đến nay, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lựa chọn một số cộng đồng người yếu thế để hỗ trợ, một loạt sự kiện, hành động được triển khai đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị trong Bộ và các cơ quan liên quan hưởng ứng rất mạnh mẽ.
Ngoài ra, từ năm 2019, “Sáng kiến một triệu Cây gậy trắng cho người khiếm thị ở Việt Nam” do Bộ kế hoạch và Đầu tư đồng hành với Hội người mù Việt Nam trao tặng gậy trắng cho người mù ở các tỉnh, thành phố đã được khởi xướng. Đây là một hoạt động có ý nghĩa, với phương châm không ai nghèo đến mức không thể cho người khác thứ gì; tôi giúp bạn, bạn giúp người khác và người khác lại giúp người khác nữa.