Xem xét dự thảo luật này trong phiên họp chiều 22/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành cao việc bỏ sổ hộ khẩu, chuyển sang quản lý dân cư theo số định danh cá nhân như đề xuất của Chính phủ.
Bình luận về đề xuất bỏ hộ khẩu tại dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng cho rằng, làm được việc này như làm cuộc cách mạng, giống bỏ được sổ gạo trước kia |
Làm được việc tích hợp tất cả thông tin trong số định danh thì giống như làm được cuộc cách mạng, không khác gì việc bỏ sổ gạo ngày xưa, nó là nỗi ám ảnh với nhiều người, mới có câu thành ngữ “buồn như mất sổ gạo”, ông Dũng so sánh.
"Đọc luật này tôi rất mừng, tưởng là cơ quan công an muốn quản lý người ta chặt chẽ nhưng luật này lại đề nghị bỏ phương thức quản lý bằng sổ hộ khẩu", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự đồng tình với chính sách mới.
Theo Chủ tịch Quốc hội thì người dân lâu nay khổ sở với sổ hộ khẩu lắm. Người nghèo phải tha phương kiếm sống mà vào thành phố thì con cái không học hành được chỉ vì không có sổ hộ khẩu, cực càng thêm cực. Giờ chỉ cần mã số định danh có thể đi lại bất cứ đâu theo yêu cầu cuộc sống.
Từ lâu lắm các nước không còn quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu rồi. Thậm chí một người cầm thẻ lương hưu đi bất cứ đâu cũng rút được tiền chứ không cần phải về đúng nơi cư trú của mình nữa, Chủ tịch Quốc hội nói thêm.
Nhấn mạnh việc thay đổi phương thức quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu sang số định danh là nội dung rất lớn, quan trọng, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý tính sống còn của đạo luật này liên quan đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư và cấp số định danh cá nhân. Nhưng đến giờ mới có 16 triệu số định danh được cấp, cơ sở dữ liệu thì chưa hình thành.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, các điều kiện để đảm bảo triển khai luật phải đáp ứng để tháng 4/2021 hoàn thành, tháng 6 phải sẵn sàng đưa vào sử dụng.
Hiện đã thu thập đủ 86 triệu bản khai dữ liệu, như vậy là sẽ đủ điều kiện để thi hành luật. Trước đây khó khăn nhất là thiếu vốn nhưng giờ Chính phủ đã đảm bảo thì mọi việc sẽ triển khai được, Bộ trưởng nói.
Kết thúc thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khái quát, đa số ý kiến Thường vụ Quốc hội tán thành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để quản lý cư trú, dân cư, thống nhất thay thế quản lý bằng sổ hộ khẩu sang quản lý bằng mã số định danh…
Nhưng để không gây xáo trộn cuộc sống người dân thì Chính phủ cần đẩy nhanh việc cấp số định danh cá nhân, xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư cho kịp, chứ hiện giờ mới được 16 triệu người thì đến bao giờ số còn lại xong?
Thường vụ Quốc hội cũng tán thành bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng cần xem xét lại sự tương thức với các luật khác, như luật Thủ đô. Cần lấy ý kiến của các địa phương và đánh giá tác động chính sách. Cần quy định cụ thể hơn về việc dảm bảo quyền tự do của công dân, hạn chế quyền gì thì phải quy định trong luật này chứ không phải hình thức văn bản khác, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu lưu ý.