Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. |
Đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định giao Ủy ban Tư pháp thẩm tra đối với nội dung phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết.
Chiều 20/10, trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi (dự thảo), Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết những điểm mới đáng chú ý.
Đó là dự thảo bổ sung một số quy định về kỳ họp bất thường, sửa quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi không thể tham dự kỳ họp hoặc phiên họp tại kỳ họp nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của đại biểu, khắc phục tình trạng nhiều đại biểu vắng trong thời gian qua.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về hình thức làm việc trực tuyến, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc họp trực tuyến hoặc việc kết hợp họp trực tiếp với họp trực tuyến tại kỳ họp; trên cơ sở tiếp tục theo dõi qua thực tiễn sẽ kiến nghị để có quy định phù hợp.
Cạnh đó, Dự thảo còn bổ sung về hồ sơ dự thảo nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội; việc thành lập Ủy ban lâm thời; về vấn đề chiến tranh và hòa bình; về rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ Quốc hội, nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa nhiệm kỳ; quy định cụ thể trình tự xem xét, quyết định các vấn đề này.
Theo đó, hồ sơ trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội phải có báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Nhất trí quy định nêu trên, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng việc này nhằm bảo đảm sự thận trọng, khách quan trong việc trình Quốc hội xem xét, quyết định nội dung liên quan đến quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 37 của Luật Tổ chức Quốc hội.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, yêu cầu về thủ tục phê chuẩn đề nghị về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội đòi hỏi phải rất nhanh chóng, khẩn trương nên cần căn cứ thực tiễn để quy định phù hợp hơn quy trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại kỳ họp Quốc hội.
Loại ý kiến này đề nghị cân nhắc quy định theo hướng Ủy ban Tư pháp có báo cáo ý kiến về nội dung này trình Quốc hội tại phiên họp toàn thể mà không phải tổ chức phiên họp Ủy ban để thẩm tra vì thủ tục thẩm tra phải tuân theo những bước nhất định, đòi hỏi có thêm thời gian để thực hiện, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết.
Liên quan đến quy định về thảo luận tại phiên họp toàn thể, ông Tùng cho hay, Ủy ban Pháp luật tán thành việc bổ sung quy định về trách nhiệm của chủ tọa, người được phân công điều hành phiên họp tại kỳ họp; việc Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có quyền linh hoạt điều hành phiên họp theo hướng kéo dài thời gian của phiên họp khi thời gian còn lại không đủ để tất cả đại biểu Quốc hội đã đăng ký được phát biểu, tranh luận, đồng thời kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội, thời gian phát biểu giải trình của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong một số trường hợp sau khi xin ý kiến và được sự đồng ý của Quốc hội.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị làm rõ và chỉnh lý quy định về thời gian tối đa kéo dài phiên họp tại Điều 18, nhất là phiên họp buổi sáng để không ảnh hưởng đến phiên họp buổi chiều.
Sau khi được thảo luận tại tổ và hội trường, dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi sẽ được xem xét thông qua ngay tại kỳ họp này của Quốc hội.