Doanh nghiệp vẫn ngóng hỗ trợ
Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021 đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 109/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất trong nước, báo cáo đề xuất Thường trực Chính phủ trong thời gian sớm nhất để tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Tổng số tiền thuế TTĐB gia hạn thời hạn nộp thuế là 19.256 tỷ đồng cho các kỳ tính thuế từ tháng 3 đến tháng 10/2020.
Đến ngày 20/12/2020, toàn bộ số tiền thuế được gia hạn nêu trên đã được các doanh nghiệp nộp vào ngân sách theo quy định.
Tháng 9/2021, tại Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ tiếp tục giao Bộ Tài chính “xem xét, nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nội thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021”.
Ngày 6/10/2021, Văn phòng Chính phủ tiếp tục thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Lê Minh Khái, đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ theo trình tự thủ tục rút gọn nghị định tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đến hết năm 2021.
Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp vẫn đang ngóng chính sách hỗ trợ này.
Chỉ đề xuất gia hạn 2 tháng
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, việc gia hạn thời hạn nộp thuế đối với thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh chỉ tính của kỳ tính thuế tháng 10 và tháng 11/2021 với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Như vậy, so với dự thảo gửi các bộ, ngành khác góp ý kiến vào ngày 13/10/2021, thời gian gia hạn được Bộ Tài chính đề nghị là tháng 9, 10 và 11/2021 thì lần trình mới này, thời gian đã rút xuống chỉ còn 2 tháng.
Thu nội địa ước đạt 87,9% dự toán, tăng 1,9%; thu từ dầu thô ước đạt 143,6% dự toán, tăng 12,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 106,6% dự toán, tăng 27,7%.
Theo đó, thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Cụ thể thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10/2021 chậm nhất là ngày 20/12/2021. Đối với kỳ tính thuế tháng 11/2021, thì thời hạn chậm nhất phải nộp là ngày 30/12/2021.
Bộ Tài chính cũng đưa ra yêu cầu, trường hợp Giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt không nộp cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt thì thời hạn nộp Giấy đề nghị này chậm nhất là ngày 15/12/2021.
Người nộp thuế nộp Giấy đề nghị gia hạn sau ngày 15/12/2021 thì không được gia hạn.
Ở thời điểm xây dựng Nghị định này theo trình tự thủ tục rút gọn, Bộ Tài chính cũng lý giải là “do đây là giải pháp cấp bách, cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước nêu trình Chính phủ cho phép Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký”.
Khi đánh giá về kết quả thực hiện Nghị định 109/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính cũng cho rằng, biện pháp này đã giúp doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước có thêm nguồn lực tài chính để xoay vòng vốn đầu tư, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp nhiều người lao động duy trì việc làm thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
Dù vậy, sang năm 2021, khi dịch bệnh khốc liệt hơn, sức khoẻ của doanh nghiệp cũng kém hơn thì đề xuất gia hạn lại giảm so với trước đó. Doanh nghiệp cho rằng, đây không phải là cách hỗ trợ doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu.
Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ thiết thực
Trong góp ý kiến của mình, Bộ Công thương - với vai trò là cơ quan quản lý chuyên ngành về sản xuất lắp ráp ô tô cho hay, trong bối cảnh ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ chậm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp vẫn phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt khi sản xuất ra xe thành phẩm.
Vì vậy, việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô sản xuất trong nước là giảm gánh nặng về tài chính cho doanh nghiệp trong giai đoạn này, phù hợp với chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 105/NQ-CP.
Trong đó, số thu vào tháng 1/2021 - tương ứng với kỳ khai thuế phát sinh tháng 12/2020, là 5.466 tỷ đồng.
Số thu từ tháng 2/2021 đến tháng 6/2020, tương ứng với kỳ khai thuế TTĐB phát sinh từ tháng 1/2021 đến tháng 5/2021 là 14.048 tỷ đồng. Tức là bình quân khoảng 2.800 -3.000 tỷ đồng/tháng.
Từ tháng 7/2021, khi dịch bùng mạnh tại các tỉnh phía Nam, số thu thuế TTĐB với ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước chỉ khoảng 2.200 tỷ đồng/tháng.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị Bộ Tài chính, bên cạnh nội dung gia hạn tại dự thảo Nghị định với kỳ tính thuế tháng 9, tháng 10 và tháng 11/2021 thì nên bổ sung thêm việc gia hạn thời hạn nộp đối với số thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7 và tháng 8/2021 (trong trường hợp các doanh nghiệp chưa nộp thuế cho các kỳ tính thuế này) với thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp với các kỳ tính thuế nêu trên chậm nhất là ngày 20/12/2021.
Đồng thời Bộ Công thương cũng đề nghị, trong trường hợp cơ quan thuế đã tính tiền chậm nộp với các hồ sơ kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt cho các kỳ tính thuế nếu trên thì không tính tiền chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt này.
Chia sẻ thực tế khó khăn của ngành sản xuất ô tô trong nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, cần xem xét kéo dài thời gian hỗ trợ, gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế trong năm 2021 thêm ít nhất là 3 tháng nữa để hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2020/NĐ-CP ngày 15/9/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Theo đó, đã gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh từ kỳ tính thuế tháng 3 đến tháng 10/2020 - tức là trong 8 tháng.
Ngay lập tức, Nghị định 109/2020/NĐ-CP đã giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước giảm bớt gánh nặng tài chính, nhanh chóng tái lập nguồn vốn để duy trì hoạt động, đầu tư phục hồi sản xuất kinh doanh, từ đó doanh nghiệp từng bước thoát khỏi khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 trong các tháng cuối năm 2020.
Còn với thực tế đại dịch đã diễn biến phức tạp hơn trong năm 2021 với khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10/2021 và hiện giờ lại tái bùng phát càng khiến cộng đồng doanh nghiệp nói chung và ngành sản xuất ô tô nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, do hầu hết các địa phương đều tăng cường và siết chặt giãn cách xã hội.
Nhiều doanh nghiệp ô tô cho hay, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến cước vận chuyển quốc tế tăng cao hay việc áp dụng “luồng xanh” tại nhiều tỉnh, thành còn thiếu đồng bộ đã gây gián đoạn và chậm trễ lưu thông hàng hóa.
Điều này khiến chi phí vận chuyển của doanh nghiệp tăng 20% nhưng thị trường ô tô vẫn sụt giảm hơn 70%, dẫn đến lượng tồn kho tăng cao (bao gồm cả bộ linh kiện nhập khẩu mới theo hợp đồng đã ký kết với đối tác nước ngoài từ đầu năm).
Những thực tế này đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất linh kiện phụ tùng cho ô tô cũng như hệ thống bán hàng trên toàn quốc phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động.
“Dự thảo mới nhất của Bộ Tài chính chỉ đề xuất áp dụng gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10 và tháng 11/2021. Việc số kỳ tính thuế và thời gian gia hạn như dự thảo là quá ngắn, sẽ khó có thể giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô có đủ nguồn lực tài chính để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh”, đại diện VAMI nhận xét.
Đại diện VAMI cũng cho rằng, cần nới thời hạn thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đối với số tiền phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế từ tháng 6 trở đi (bởi vì dịch bùng phát từ đầu tháng 05/2021) với thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp đối với các kỳ tính thuế nêu trên chậm nhất là ngày 20/12/2021.
“Bộ Tài chính vẫn không hụt thu so với kế hoạch nhưng doanh nghiệp trong nước sẽ được tiếp thêm chút sức lực để tiếp tục gồng gánh vượt qua khó khăn dịch bệnh của năm 2021 và có thể trụ vững trong giai đoạn tới, giữ được việc làm cho người lao động”, đại diện VAMI nói.
Vị này cũng cho rằng, chính sách mà không tạo điều kiện cho doanh nghiệp đang sản xuất tại Việt Nam trụ vững và cạnh tranh với hàng nhập khẩu thì các công ty mẹ sẽ điều phối việc nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước lân cận vì thuế nhập khẩu đã về 0%. Các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất tại Việt Nam nếu gặp khó khăn chồng chất sẽ phải giảm sản xuất. Như thế áp lực về công ăn việc làm, an sinh xã hội sẽ nặng nề hơn với nền kinh tế trong lúc dịch bệnh vẫn phức tạp như hiện nay.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 9/2021, lượng ô tô nguyên chiếc các loại đạt 114.377 chiếc, tăng 71,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống đạt 78.282 chiếc, tăng 57,8%; ô tô vận tải đạt 25.913 chiếc, tăng 97,7%.
Sản xuất ô tô trong nước không chỉ đối mặt với khó khăn dịch bệnh phức tạp, đình đốn trong sản xuất và kinh doanh mà còn tiếp tục phải cạnh tranh với xe nhập khẩu vẫn đang gia tăng mạnh mẽ từ các nước lân cận như Thái Lan, Indonesia với thuế nhập khẩu đã về 0%.